Cứ tưởng việc nghiên cứu vắc-xin, nhất là vắc-xin để chống cả một đại dịch kinh khủng như COVID-19, là phải tuyệt đối không được xảy ra sai sót. Thế nhưng cuối cùng thì chính một sai sót lại khiến việc thử nghiệm thành công nhanh chóng ngoài mong đợi. Đó là điều mà phó giám đốc của công ty dược AstraZeneca (phối hợp với ĐH Oxford) vừa tiết lộ.
Tiến sĩ Mene Pangalos của công ty AstraZeneca gọi đây là “sự tình cờ may mắn”.
Theo lời kể của ông thì các nhà nghiên cứu đã thấy rất khó hiểu khi một số tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm chịu tác dụng phụ nhẹ hơn rất nhiều (mệt, đau đầu, đau tay) so với mức dự đoán.
Tiến sĩ Mene Pangalos.
Ông Pangalos kể: “Nên chúng tôi kiểm tra lại… và thấy rằng những người đó chỉ được tiêm vắc-xin ở mức nửa liều”. Ông tiết lộ rằng đây là “một sai sót” chứ không phải do cố tình thử nghiệm.
Tuy nhiên, đội ngũ nghiên cứu quyết định cứ thực hiện tiếp thử nghiệm với nhóm tình nguyện viên này. Đúng thời hạn, họ được tiêm lần thứ hai, lần này là một liều trọn vẹn.
Thật bất ngờ, kết quả cho thấy ở nhóm này, vắc-xin có hiệu quả 90%. Trong khi đó, ở nhóm tình nguyện viên được tiêm đúng hai liều trọn vẹn (không có sai sót) thì mức hiệu quả chỉ là 62%.
Việc vắc-xin COVID-19 của ĐH Oxford tuyên bố thử nghiệm thành công khiến sắp tới, có 3 loại vắc-xin sẵn sàng được đưa vào sử dụng. Ảnh: Reuters/ Getty.
“Về cơ bản, đó chính là cách mà chúng tôi tình cờ có một nhóm tiêm nửa liều rồi mới đến một liều (và nhận ra rằng cách tiêm này hiệu quả hơn)” - ông Pangalos nói với hãng Reuters. Rồi ông thừa nhận: “Đúng, việc tiêm nửa liều đó là một sai sót”.
Ông cũng nói rằng, sẽ cần phân tích thêm để giải thích tại sao liều đầu tiên ở mức thấp lại cho khả năng bảo vệ cao hơn. Một cách lý giải có thể là: Khi bắt đầu với mức kháng nguyên thấp hơn, thì nó sẽ kích hoạt hệ miễn dịch tổng thể tốt hơn.
Hóa ra, hiệu quả của vắc-xin COVID-19 bỗng tăng vọt là do một sai sót. Ảnh: Hans Pennink/ AP.
ĐH Oxford xác nhận rằng, loại vắc-xin giá rẻ, dễ bảo quản và dễ phân phối của họ có thể được duyệt nhanh trong vòng nửa tháng và bắt đầu được sử dụng từ tháng sau.
Thế mới thấy, đã làm thì đôi khi không tránh khỏi sai lầm, nhưng trong nhiều trường hợp, đó lại là “sai lầm hoàn hảo” đấy chứ.