Mọi chuyện bắt đầu từ bài đăng của Christina Blum Studio chỉ ra mẫu váy Kassidy của hãng bỗng xuất hiện tại Việt Nam với phiên bản màu xanh trong hình ảnh bộ sưu tập Xuân Hè 2022 của thương hiệu Dear José.
Mẫu quần váy màu xanh của Dear José đặt cạnh mẫu váy trắng của Christina Blum. |
Ngay sau đó, tài khoản Danny trên Instagram nhận là người sáng lập và là nhà thiết kế của Dear José đã nhanh chóng phản hồi, gửi lời xin lỗi đến nhà thiết kế, thừa nhận Christina là một trong những nguồn cảm hứng cho BST mới. Tuy nhiên, Danny cũng nhấn mạnh sản phẩm của mình không giống hoàn toàn vì đã nâng cấp (upgrade) thiết kế, từ chiếc váy (skirt) bản gốc đổi thành quần váy (skort), đồng thời giải thích mẫu này được tạo ra không nhằm mục đích bán lẻ (not made for retail purposes). Người này cũng đề nghị sẵn sàng trả phí bản quyền cho thiết kế này.
Phía Christina Blum Studio cũng nhã nhặn nói cảm kích (appreciate) với lời đề nghị này và cho biết sẽ suy nghĩ xem bản thân muốn giải quyết như thế nào và trả lời sau. Nhà thiết kế trẻ người Mỹ không quên nhấn mạnh: “Chắc chắn bạn hiểu đây là công việc kiếm sống của tôi và là niềm đam mê của tôi” và đưa ra đề nghị trước mắt là Dear José ngừng quảng bá mẫu thiết kế mượn ý tưởng.
Nhanh chóng xin lỗi và đưa ra thiện chí trả phí bản quyền, lẽ ra đây đã là bước đi đúng của Dear José. |
Đến lúc này, có vẻ hai bên đã tìm thấy thiện chí và tiếng nói chung để giải quyết vụ việc. Thế nhưng, có lẽ vì phải hứng chịu nhiều chỉ trích xung quanh vụ việc từ cư dân mạng, Danny đã yêu cầu phía Christina Blum Studio... gỡ bài đăng có thông tin của anh và có ý trách lẽ ra cô nên nhắn tin giải quyết riêng thay vì đăng công khai "những thông tin kịch tính" (dramatic information) lên mạng. Danny cũng trình bày rằng mình nghiên cứu kỹ thuật “smoked” của McQueen trên Pinterest và từ đó tìm ra đến trang thương hiệu của Chritisna (ám chỉ kỹ thuật may này cũng không phải do cô nghĩ ra). Và câu nói châm ngòi cuộc chiến là khi Danny đưa ra nghi vấn: “Nếu không xóa post thì động cơ của cô là gì?”.
Lời xin lỗi đã không còn chân thành khi yêu cầu người được xin lỗi xóa bài, đồng thời nghi ngờ động cơ người được xin lỗi nếu không xóa bài thì định thu lợi gì từ vụ này. Danny cũng đưa ra lập luận kỹ thuật may của sản phẩm là học từ McQueen chứ không do Christina sáng chế. |
Kỹ thuật may của McQueen được Danny viện dẫn. |
Còn đây là thiết kế váy của Christina Blum. |
Và câu nói thật sự phá hỏng mọi thứ là khi nhà thiết kế đứng sau Dear José nhắc đến pháp luật ở Việt Nam đồng thời nêu vấn nạn hàng nhái 1:1 tràn lan ở châu Á, nói rằng chính anh này cũng từng là nạn nhân. Từ đó, Danny ngụ ý những gì anh đang làm (đã sửa thiết kế và sẵn sàng trả phí cho thiết kế gốc) là tử tế lắm so với những người copy y chang, huống chi Christina chưa chắc đã làm bước đăng ký độc quyền thiết kế.
Trước những lý lẽ gây sửng sốt của phía Dear José, bên phía Christina Blum Studio thẳng thắn công bố mục đích của cô trong việc không lui bước, không gì khác ngoài kêu gọi đấu tranh chống lại mặt tối của ngành công nghiệp thời trang, bảo vệ quyền con người. Đến đây thì cô cũng không mềm mỏng gì nữa mà khẳng định phía Dear José đã đạo nhái và ăn cắp (copied and stolen) thiết kế của mình. Và trong cuộc đối đầu này, cô thấy mình đại diện cho những thương hiệu nhỏ được xây dựng bởi những nhà thiết kế trẻ, đối đầu với những thương hiệu, công ty lớn.
Sau khi Danny hỏi "động cơ" là gì và Christina đã mạnh mẽ trả lời... |
Cuộc tranh luận nay trở thành cuộc chiến bản quyền giữa nhà thiết kế trẻ chống lại sự ăn cắp chất xám của nhãn lớn có xưởng may ở Việt Nam. |
Trong khi Christina chia sẻ rõ quá trình phát triển ý tưởng sản phẩm từ quá trình học tập tại trường đào tạo thời trang danh tiếng Parsons với giảng viên là các giám đốc sáng tạo từ Alexander McQueen, Dior, Loewe…, thì Danny đã thừa nhận việc lấy cảm hứng từ sản phẩm của Christina và sản phẩm ai cũng có thể nhìn thấy là sự giống nhau một chín một mười giữa hai sản phẩm. Điều đó giúp Christina Blum có đầy đủ trong tay “danh chính” và “ngôn thuận” cho cuộc chiến giờ đây đã gắn thông điệp “bảo vệ nhà thiết kế trẻ và mặt tối của ngành thời trang”.