Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang kiểm tra việc thực hiện luật và quyền trẻ em ở Long An

TPO - Đoàn kiểm tra do chị Nguyễn Phạm Duy Trang dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Long An về công tác thực hiện Luật trẻ em và quyền trẻ em năm 2023. 

Sáng 13/11, đoàn kiểm tra về công tác thực hiện Luật trẻ em và quyền trẻ em năm 2023 do chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Ủy viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Long An.

Tham gia đoàn kiểm tra còn có anh Lê Hải Long - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Ban Công tác thiếu nhi, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương; bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)...

Về phía tỉnh Long An có sự tham dự của ông Phạm Tấn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang kiểm tra việc thực hiện luật và quyền trẻ em ở Long An ảnh 1

Đoàn kiểm tra đang làm việc với UBND tỉnh Long An.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hoà cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 368 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 21,23% tổng dân số. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi có gần 129 nghìn bé, chiếm 7,42% tổng dân số.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang kiểm tra việc thực hiện luật và quyền trẻ em ở Long An ảnh 2

Ông Phạm Tấn Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An.

Đáng chú ý, nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là 2.898 em, chiếm 0,78% trẻ em toàn tỉnh. Nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là gần 11.952 em.

Hiện nay, tỉnh Long An còn có 176 trẻ em là người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống trên địa bàn.

Theo ông Phạm Tấn Hòa, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh được bảo vệ, chăm sóc bằng nhiều hình thức đa dạng như được hưởng trợ cấp xã hội, khám chữa bệnh, chỉnh hình phục hồi chức năng, hỗ trợ về giáo dục, được tư vấn, tham vấn, tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, hưởng các phúc lợi xã hội...

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Long An thừa nhận, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, như: Công tác thu thập số liệu, cập nhật thông tin, số liệu về trẻ em còn hạn chế và chưa kịp thời, nguồn kinh phí ở một số địa phương chưa được bố trí, nhân lực làm công tác trẻ em cấp xã phần lớn là kiêm nhiệm, việc tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều hạn chế. Số lượng sân chơi cho trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ...

Tại buổi kiểm tra, chị Nguyễn Phạm Duy Trang đề nghị UBND tỉnh Long An quan tâm, triển khai thực hiện 5 nội dung trọng yếu.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang kiểm tra việc thực hiện luật và quyền trẻ em ở Long An ảnh 3

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Ủy viên Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng đoàn Kiểm tra phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Long An sáng 13/11.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Trẻ em, các Nghị quyết, chương trình, đề án, quyết định về trẻ em; Nghiên cứu đưa các chỉ tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh để đảm bảo lực lượng cán bộ làm công tác trẻ em.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo điều hành, các Quyết định, Sở LĐ-TB&XH rà soát, đôn đốc, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện vai trò, trách nhiệm của các ngành và báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Sở LĐ-TB&XH cần tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là công tác xã hội về bảo vệ trẻ em đối với nhóm trẻ em theo gia đình đến nhập cư. Thực hiện thí điểm xây dựng mô hình câu lạc bộ làm cha mẹ, nhất là trong các khu, nhóm gia đình nhập cư.

Cần tiếp tục duy trì việc kiểm tra, thanh tra về công tác trẻ em, chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề phát hiện sau thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên, thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập tại địa bàn có các gia đình nhập cư.

Thứ hai, phát huy hình thức truyền thông đến từng hộ gia đình, trường học. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thường xuyên cho cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp huyện, xã. Tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các cấp phối hợp với ngành lao động, ngành giáo dục và các ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền Luật Trẻ em trong và ngoài nhà trường.

Thứ ba, tỉnh Long An cần chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH phối hợp với ngành công an rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến trẻ em vào cơ sở dữ liệu chung về dân cư của tỉnh. Duy trì thực hiện liên thông 3 thủ tục đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế - cấp mã định danh cho trẻ em.

Thứ tư, HĐND và UBND tỉnh quan tâm, bố trí ngân sách cho công tác trẻ em để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em. Đồng thời, tổng hợp chuỗi số liệu ngân sách cho trẻ em bao gồm các ngành liên quan: LĐ-TB&XH, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Đoàn Thanh niên…

Các địa phương, cơ sở cần phát triển các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi, trong đó quan tâm đến hoạt động của Nhà Thiếu nhi tỉnh. Nghiên cứu, quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế vui chơi giải trí cho thiếu nhi ở cấp huyện và cấp cơ sở.

Thứ năm, đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ban, ngành quan tâm, tham mưu giải quyết các vấn đề có liên quan đến trẻ em.

Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm kéo giảm số vụ xâm hại trẻ em tại địa phương.

Tin liên quan