Biến bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa: Còn nhiều vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bãi giữa sông Hồng là vùng đất phù sa bồi đắp trong nhiều năm với diện tích khoảng 23 ha, được phủ xanh bởi cây cối. Với cảnh quan hai bên bờ và cầu Long Biên lịch sử, bãi giữa sông Hồng được đánh giá là giàu tiềm năng để phát triển thành không gian văn hóa sáng tạo phục vụ người dân và du khách. Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa dự án này, Hà Nội phải gỡ được nhiều vướng mắc.

Ý tưởng đa dạng

Nhiều chuyên gia văn hóa, kiến trúc có mặt tại hội thảo Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi giữa ven sông Hồng trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, cùng thảo luận, góp ý để từng bước hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh phát triển giá trị văn hóa liên quan đến con sông này.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, nhà tổ chức nỗ lực chung trong hành trình dài nhiều năm, với mong muốn từng bước biến khu vực bãi giữa sông Hồng thành không gian có giá trị kinh tế, xã hội. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Ttg ngày 26/07/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.

TS. KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình gợi ý xây dựng Công viên sông Hồng thành hai khu vực gồm khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông, khu vực cải tạo chỉnh trang bao gồm khu dân cư tập trung bên ngoài đê thuộc các phường: Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên) cùng các yếu tố kiến trúc có giá trị như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu…

Biến bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa: Còn nhiều vướng mắc ảnh 1

Các chuyên gia giới thiệu những ý tưởng quy hoạch khu đô thị sông Hồng. Ảnh: MINH AN

“Khu vực đầu tư mới nằm ở bãi giữa và ven sông Hồng được chia thành ba phần chính, ngược theo dòng thời gian, sông Hồng tương ứng các thời kỳ lịch sử: khu vực quận Hoàn Kiếm - thời thị thành phong kiến, khu vực cầu Long Biên (quận Long Biên, Ba Đình) - thời kỳ cận hiện đại, khu vực quận Tây Hồ - thời đương đại”, TS. KTS Tạ Nam Chiến nêu.

Khu vực cải tạo chỉnh trang cần tạo ra các trục kết nối về không gian - kết nối thị giác với khu vực phố cổ Hoàn Kiếm, phố cũ Ba Đình, khu vực đô thị mới của Tây Hồ và Long Biên. Có thể tạo dựng các quảng trường tại khu vực bãi giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác tại đây để kết nối với các điểm nhấn đô thị sẵn có như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân - chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu…

Việc xây dựng không gian văn hóa cảnh quan ven bờ sông Hồng không chỉ góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Thủ đô mà còn tạo cơ hội phát triển du lịch. Du lịch đường sông là một trong những trải nghiệm du lịch thú vị. Đa phần những thành phố lớn trên thế giới đều có chương trình du lịch độc đáo trên sông như Paris, London, Venice, Seoul, Quảng Châu, Bangkok...

Vướng mắc, khó khăn

Biến bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa: Còn nhiều vướng mắc ảnh 2

Bãi nổi giữa sông Hồng được kỳ vọng trở thành công viên văn hóa đa chức năng. Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG

TS. Lê Việt Liên, Viện Nghiên cứu Văn hóa khẳng định, Việt Nam là một đất nước với địa hình sông ngòi dày đặc, do vậy du lịch sông nước là sản phẩm không thể thiếu trong các thiết kế tua. Hiện nay, các tua du lịch sông Hồng bắt đầu từ Hà Nội đi qua các địa danh nổi tiếng của các vùng miền như đền Chử Đồng Tử, đền Hai Bà Trưng, đền Gióng, làng gốm Bát Tràng...

“Với vị thế ngay sát đường chính An Dương Vương và đường sông Hồng, đền Cô Bơ - Bến Bạc hoàn toàn có điều kiện phát triển du lịch cả về đường bộ lẫn đường sông. Hiện nay, đền đang trong quá trình quy hoạch, mở rộng. Nếu là du lịch đường sông, bãi đất phía trước đền có thể chỉnh trang thành bến đón khách.

Khu đất này đang được nhà đền trồng các loại cây trái, đây cũng có thể phát triển thành công viên sinh thái. Khung cảnh xung quanh đền chính là môi trường tâm linh khiến mọi người đến đây hành lễ sẽ cảm thấy thư thái”, TS. Lê Việt Liên đề xuất.

Hội thảo nhận được nhiều ý tưởng về thiết kế, xây dựng cảnh quan phân khu đô thị sông Hồng theo hướng phát triển bền vững, vừa kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của Hà Nội và hiện đại. Tuy nhiên, hầu hết các ý tưởng này chỉ nằm “trên giấy”, còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc chờ lãnh đạo thành phố, các bộ, ban, ngành chung tay giải quyết.

Hội thảo nhận được nhiều ý tưởng về thiết kế, xây dựng cảnh quan phân khu đô thị sông Hồng theo hướng phát triển bền vững, vừa kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của Hà Nội và hiện đại.

Tuy nhiên, hầu hết các ý tưởng này chỉ nằm “trên giấy”, còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc chờ lãnh đạo thành phố, các bộ, ban, ngành chung tay giải quyết.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, nếu các tua, tuyến du lịch trên sông ngày càng phát triển, hệ thống cơ sở lưu trú cần được lưu tâm nâng cấp, xây dựng nhiều hơn.

“Nếu cơ sở lưu trú không đủ đáp ứng, chúng ta không thể níu chân khách ở lại. Bên cạnh đó, việc kết nối hạ tầng, kết nối giữa bãi nổi, bãi giữa sông Hồng cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc”, ông Nguyễn Mạnh Hà nêu.

Khu dân cư thuộc bãi giữa sông Hồng là nơi phát sinh nhiều vi phạm bởi đây là khu vực tự phát. Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết, khu vực này luôn phải có sự giám sát, quản lý sát sao của bốn quận liền kề. Một số chuyên gia nhận định, mực nước của sông Hồng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các kế hoạch xây dựng nơi đây.

Vì vậy, các chuyên gia đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xác định chính xác mực nước của sông Hồng để nhà quản lý có kế hoạch phù hợp quy định.

MỚI - NÓNG