Biến lý thuyết khô khan thành bài học hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chàng trai Gen Z Võ Nguyễn Đình Trí, cựu sinh viên Trường Đại học FPT Đà Nẵng, cùng các cộng sự đã có nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là những giải pháp biến lý thuyết khô khan thành những bài giảng mới mẻ, lý thú, hấp dẫn người học.

Những giải thưởng ấn tượng

Từ nhỏ, Võ Nguyễn Đình Trí (SN 2001) đã mê Tin học, lập trình, “chinh chiến” nhiều cuộc thi và sở hữu kha khá giải thưởng ấn tượng. Từ lớp 10, Trí bắt đầu tự mày mò nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công nghệ. “Do tính mới mẻ của công nghệ buộc mình phải tự tìm tòi, tự học, tự lên kế hoạch, dự trù kinh phí”, Trí chia sẻ.

Biến lý thuyết khô khan thành bài học hấp dẫn ảnh 1

Võ Nguyễn Đình Trí (đứng), cựu sinh viên Trường Đại học FPT Đà Nẵng cùng các cộng sự thực hiện dự án Rebo

Khi trở thành sinh viên Trường Đại học FPT Đà Nẵng, niềm đam mê về nghiên cứu khoa học, công nghệ của Trí như được chắp thêm cánh. Để có kinh phí thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, nam sinh quê Đà Nẵng làm hồ sơ đấu thầu và thuyết phục ban lãnh đạo nhà trường cấp kinh phí.

Trí có người bạn chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học là Nguyễn Quang Đức. Cả hai đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu. Trong đó, dự án "Hệ thống bãi gửi xe máy thông minh" dành cho Đại học FPT Đà Nẵng, là một dự án với tính thực tiễn cao và yêu cầu kỹ thuật phức tạp.

Trong vai trò là người sáng lập câu lạc bộ Google Developer Student Clubs tại Đại học FPT Đà Nẵng, Trí cùng các thành viên đã nghiên cứu và phát triển “Giải pháp hệ thống mua sắm tự thanh toán AI”. Dự án này lọt vào Top 5 đội thi xuất sắc và vào Vòng Chung kết tại cuộc thi Hackathon 2020 Smart City do Techfest Vietnam tổ chức.

“Những công trình này không chỉ chứng tỏ khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ của chúng mình mà còn đánh dấu sự thành công trong việc áp dụng những kiến thức lý thuyết vào thực tiễn”, Trí chia sẻ.

Đặc biệt, Võ Nguyễn Đình Trí có 3 công trình ứng dụng công nghệ vào đổi mới phương pháp giảng dạy đạt giải thưởng cao tại chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do T.Ư Đoàn và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức. Trong đó, dự án Rebo - Sách Sinh học Thực tế ảo tăng cường và dự án MetaSTEM - Sáng kiến nền tảng dạy học STEM qua thí nghiệm mô phỏng đã xuất sắc lọt vào Top 5 công trình tiêu biểu nhất năm 2019, 2021 với phần thưởng 100 triệu đồng/dự án. Dự án Rebo giải pháp nền tảng dạy học tương tác trực tuyến thông minh đã lọt Top 10 công trình sáng kiến xuất sắc năm 2020.

Chia sẻ về những sáng kiến trên, Trí nói bắt nguồn từ thực trạng các môn học ở phổ thông thường quá nặng lý thuyết, khô cứng, khiến nhiều học sinh tiếp thu kiến thức không tốt. Trí và Đức đã bàn bạc sáng tạo cuốn sách, phương pháp truyền đạt kiến thức mới mẻ, hấp dẫn học sinh hơn. Các công trình về giáo dục đã được Trí cùng nhóm cộng sự hiện thực hoá vào công tác dạy, học.

Cùng cộng đồng cải thiện nền giáo dục

Tốt nghiệp đại học, Trí nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn tại các công ty công nghệ lớn. “Qua thời gian làm việc, mình nhận ra rằng, công nghệ có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực và lâu dài đối với lĩnh vực giáo dục. Mình tin rằng, giáo dục Việt Nam cần sự đổi mới từ cộng đồng, đặc biệt là từ những người làm giáo dục tâm huyết, để phát triển các lĩnh vực trọng yếu như STEM, khoa học, sư phạm, y sinh, thực phẩm, y dược và nông nghiệp. Những ngành nghề này không chỉ là trụ cột của Việt Nam mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia”, Trí chia sẻ và đó là lý do anh quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.

Đầu năm 2023, Võ Nguyễn Đình Trí và Nguyễn Quang Đức cùng các cộng sự thành lập công ty công nghệ từ dự án Rebo. Theo đó, Trí và cộng sự đã tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm gồm hai phần chính: Rebo App và Rebo Studio. Rebo App là ứng dụng học môn khoa học với mô hình 3D, tương tác bằng công nghệ AR, hiện có mặt trên Google Play và App Store với các ứng dụng như Rebo Hóa học 10.

Rebo Studio là một thư viện bài giảng 3D và công cụ thiết kế ấn phẩm, đang trong quá trình hoàn thiện. Trí cho hay, các bài giảng và ấn phẩm 3D được biên soạn bởi đội ngũ Rebo cùng với các chuyên gia giáo dục, người làm tự do và sinh viên có kinh nghiệm trong thiết kế 3D, đáp ứng các tiêu chí giáo dục STEM và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Qua hệ sinh thái này, chúng tôi mong muốn tạo ra một cộng đồng chung tay nâng cao trải nghiệm giáo dục, hướng đến phát triển tư duy logic, giải quyết vấn đề và rèn luyện kỹ năng, giúp học sinh tự tin hơn trên con đường học vấn và nghề nghiệp trong tương lai”, Trí chia sẻ.

Mục tiêu của Trí là mở rộng hệ sinh thái Rebo, tạo điều kiện cho cộng đồng cùng tham gia, chia sẻ và cải thiện nền giáo dục. Trong thời gian tới, chàng trai trẻ sẽ thực hiện các chuyến đi gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, đặc biệt là các kỹ thuật thiết kế bài giảng, tích hợp công nghệ cho giáo viên khắp cả nước, cũng như truyền cảm hứng cho nhiều học sinh, sinh viên.

Để có thêm trải nghiệm thực tế giáo dục, bên cạnh khởi nghiệp với dự án Rebo, Võ Nguyễn Đình Trí còn làm giáo viên giảng dạy STEM tại Đại học Đà Nẵng. Tại đây, anh tham gia thiết kế chương trình giảng dạy từ các chuyên gia STEM hàng đầu ở Anh và Mỹ nhằm tích luỹ kinh nghiệm, hiểu sâu hơn về nhu cầu giáo dục, từ đó cùng Rebo tìm ra các giải pháp giáo dục công nghệ hiệu quả.

MỚI - NÓNG