Ông cho biết trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, từng khâu trong kỳ thi này thế nào?
Yếu tố quyết định sự thành bại của kỳ thi này là con người. Do vậy, năm nay việc lựa chọn nhân sự tham gia vào kỳ thi này được đặc biệt coi trọng. Đó phải là những người có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm, ý thức pháp luật cao… Sau khi lựa chọn được những người như vậy thì chúng tôi sẽ tăng cường công tác tập huấn thi. Năm nay việc tập huấn sẽ phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an để tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ coi thi phòng ngừa những gian lận, nhất là gian lận bằng sử dụng thiết bị công nghệ cao. Bên cạnh đó sẽ có những quy định cụ thể, ràng buộc về trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật để hướng tới có đội ngũ tham gia vừa chuyên nghiệp vừa rất trách nhiệm.
Trong quy chế và văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi tới đây, sẽ có những hướng dẫn rất chi tiết theo kiểu “cầm tay chỉ việc” đến từng khâu, từng bước của kỳ thi này. Năm nay chúng tôi sẽ cố gắng ban hành sớm quy chế thi và các văn bản hướng dẫn kèm theo để tạo sự chủ động của các thành phần tham gia kỳ thi.
Một mặt chúng ta khuyến khích các trường ĐH, CĐ tự chủ hơn trong tuyển sinh; mặt khác Bộ lại yêu cầu các trường ĐH, CĐ tham gia sâu hơn, vai trò trách nhiệm lớn hơn trong kỳ thi THPT quốc gia. Vậy hai điều này có mâu thuẫn không, thưa ông?
Tôi thấy hoàn toàn không mâu thuẫn vì nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể là trách nhiệm ở bậc học nào. Việc các trường ĐH tham gia tổ chức kỳ thi này không có gì mâu thuẫn khi đầu ra của phổ thông chính là đầu vào của ĐH. Phần lớn các trường ĐH, CĐ sẵn sàng tham gia vào kỳ thi này.
Giám sát chặt khâu chấm thi và nhiều khâu khác
Năm 2019 Bộ giao cho các trường ĐH chủ trì việc chấm thi, nhưng những vụ sai phạm trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương là do can thiệp vào bài thi chứ không phải khâu kỹ thuật chấm thi. Vậy giải pháp này có thực sự có hiệu quả hay không?
Kỳ thi năm 2018 chúng tôi nhìn thấy rất rõ là việc tiêu cực có thể xảy ra ở bất kỳ công đoạn nào của kỳ thi. Do đó, việc năm nay giao cho các trường ĐH chủ trì chấm thi không phải là giải pháp duy nhất. Ví dụ, từ khâu coi thi, việc sắp xếp các thí sinh tự do tại các điểm thi cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn bằng phần mềm quản lý thi để đảm bảo việc sắp xếp phòng thi đã có thể phòng ngừa nguy cơ thực hiện cho mục đích gian lận.
Thứ hai, trong việc niêm phong túi đựng bài thi thì năm 2019 chúng tôi cũng sẽ quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn để nếu có muốn gian lận cũng khó thực hiện. Khâu bảo quản túi đựng bài thi từ lúc thu bài đến lúc mang đến điểm chấm thi cũng là khâu cần hết sức lưu ý. Tất nhiên trong việc giao cho các trường ĐH chấm trắc nghiệm thì giải pháp về mặt tổ chức, về quy trình chấm thi cũng được tiến hành song song với việc Bộ hoàn thiện phần mềm chấm thi thêm một bước nữa. Theo đó, các dữ liệu chấm thi sẽ được mã hóa và đặc biệt sẽ đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Một chuỗi những giải pháp ấy được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ hướng đến việc hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
Môn ngữ văn được chấm ở địa phương với lượng bài thi rất lớn thì có ý kiến lo ngại rằng dù có tăng cường giải pháp thanh tra, kiểm tra cũng khó tránh được tiêu cực. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Tôi đồng ý đó là một tồn tại khách quan. Một trong những đặc điểm của việc chấm bài thi tự luận đó là ít nhiều đều chịu sự tác động chủ quan của người chấm. Đây là điểm khác biệt rất cơ bản so với việc chấm bài thi trắc nghiệm. Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề này nên năm 2019 sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp kèm theo. Cụ thể, bài thi môn ngữ văn nhiều năm nay đã ra đề thi theo hướng mở, khắc phục trả lời theo khuôn mẫu, khuyến khích sáng tạo của học sinh và như vậy đòi hỏi bản hướng dẫn chấm thi cũng phải rất chi tiết.
Quy trình chấm bài thi tự luận tiếp tục quy định khâu làm phách bằng phần mềm máy tính và chia thành hai vòng độc lập để đảm bảo tính bảo mật.
Khâu chấm thi tiến hành chấm 2 vòng độc lập, đảm bảo sự đều tay, tránh việc “chấm lỏng, chấm chặt”. Trong quy chế tới đây cũng quy định rõ chấm kiểm tra tiến hành cùng tiến độ chấm 2 vòng để đảm bảo việc chấm nghiêm túc. Trên thực tế nếu việc chấm thi môn tự luận được tiến hành đúng các bước như vậy thì độ tin cậy cũng rất cao. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi tự luận năm 2019 cũng sẽ được tăng cường một bước.
“Không thể phân định rõ ràng câu hỏi này là ở lớp nào”
Dù đề thi minh họa đã được Bộ công bố nhưng thầy trò vẫn băn khoăn đề thi chính thức sẽ ra sao, phạm vi ra đề có thể mở đến cả kiến thức lớp 10?
Đề thi tham khảo đã được Bộ công bố theo đúng tinh thần mà Bộ đã thông tin trước đó là nội dung đề thi của kỳ thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Học sinh và thầy cô giáo của từng bộ môn sẽ có thể nhìn vào đề tham khảo để thấy được cấu trúc đề thi như thế nào, nội dung kiến thức cụ thể từng môn ra sao. Tôi chỉ có thể trả lời một cách khái quát là trong thiết kế chương trình giáo dục thì có tính liên thông và tính kế thừa, không thể nói kiến thức chỉ ở lớp này mà không có ở lớp trước được. Các kiến thức ở lớp trước là công cụ, điều kiện để xử lý các kiến thức ở lớp sau. Không thể phân định rõ ràng câu hỏi này là ở lớp nào. Chúng tôi chỉ khẳng định nội dung đề thi nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12.
Là Cục trưởng Cục Quản lý thi, tôi nhấn mạnh cam kết rằng đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT công bố sẽ có giá trị tham khảo rất tốt cho việc dạy học. Do vậy, tôi mong học sinh và các nhà trường nhanh chóng nghiên cứu, tham khảo đề thi này để có hình dung, định hướng cụ thể cho việc dạy học và ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi năm 2019 đạt kết quả tốt nhất.