Năm 2023 là năm đầu tiên việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT được trở lại bình thường sau thời gian dài gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Đây cũng là một năm đầy biến động với các bạn học sinh lớp 12 đang đứng trước ngưỡng của của một mùa tuyển sinh Đại học mới bởi nhiều trường đại học bắt đầu giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và sự nở rộ của các phương thức tuyển sinh riêng.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh THPT phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh GDTX dự thi 2 bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng 1 bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh bởi đa số trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh nhiều phương thức khác.
Bộ GD&ĐT công bố bộ đề tham khảo các môn gồm: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (gồm 7 thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Bạn Ngọc Minh (lớp 12 trường THCS&THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) đánh giá: "Mình thấy đề thi này khá sát với chương trình học trên lớp và nội dung ôn tập. Độ khó cũng tương đương với năm ngoái. Nếu làm đề này thì mình rất tự tin đạt điểm Giỏi từ 8 trở lên".
Theo một số giáo viên luyện thi, năm ngoái đề thi tốt nghiệp THPT đã có yếu tố thực tiễn. Năm nay, nếu có thêm yếu tố này cũng chỉ tăng thêm chứ không phải hoàn toàn mới. Chẳng hạn, năm ngoái nhiều môn khoa học đã giảm tính toán, đưa câu hỏi lý thuyết nhiều hơn.
Đặc biệt, lý thuyết được đưa ra dưới dạng kết quả thực hành nghiên cứu, học sinh phải phân tích kết quả. Do học sinh từ trước đến nay chỉ tập trung học thụ động, tập trung lý thuyết và không để ý thực hành nên bỡ ngỡ. Do vậy, một số giáo viên cho rằng, có đề thi minh họa sớm hay muộn không quá quan trọng nếu học sinh nắm chắc kiến thức phổ thông.