HHT - Nếu đề xuất này được chấp thuận thì từ năm học tới, học phí bậc đại học sẽ tăng 12,5%, bậc mầm non và phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020 - 2021 và các năm tiếp theo.
Học phí Đại học cao nhất 2,45 triệu đồng/ tháng
Theo Bộ GD-ĐT, mức trần học phí bậc đại học hiện nay chưa phù hợp với một số ngành, nghề đào tạo đòi hỏi thời lượng đào tạo về thực hành lớn, cần nhiều chi phí thực hành như sức khỏe, khoa học.
Con số 7,5% và 12,5% cũng là mức tăng tương ứng với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 theo dự báo của Trung tâm thông tin và Dự báo, Tổng cục thống kê. Việc tăng học phí giúp các cơ sở giáo dục có thể có thêm nguồn kinh phí đầu tư thêm vào các hoạt động hỗ trợ người học như định hướng nghề nghiệp, tư vấn hướng nghiệp... Ví dụ với nhóm ngành Y dược, mức học phí theo Nghị định 86 là 1.859.000 đồng/ sinh viên/ tháng, theo đề xuất tăng thì học phí năm 2021 - 2022 sẽ là 2.450.000 đồng/ sinh viên/ tháng.
Riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính (tự bảo đảm chi thường xuyên đồng thời đáp ứng điều kiện tự chủ và tiêu chí kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc chương trình chất lượng quốc tế) được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đề xuất lộ trình tăng học phí các cấp từ năm học 2021 - 2022 của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tổng hợp Học phí mầm non, phổ thông tăng 7,5%
Cũng theo đề xuất trên, cấp mầm non và phổ thông từ năm học tới sẽ tăng học phí tối đa 7,5%/năm. Cụ thể, ở bậc mầm non và tiểu học, mức thấp nhất là 50.000 - 110.000 đồng/ tháng/ học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi; 100.000 - 220.000 đồng/ tháng/ học sinh vùng nông thôn và 300.000 - 540.000/ tháng/ học sinh vùng thành thị.
Ở bậc THCS, từ 50.000 - 170.000 đồng/tháng/học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 100.000 - 270.000 đồng/ tháng/học sinh vùng nông thôn và 300.000 - 650.000 đồng cho vùng thành thị.
Ở bậc THPT, từ 100.000 - 220.000 đồng/ tháng/ học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 200.000 - 330.000 đồng với khu vực nông thôn và 300.000 - 650.000 đồng cho vùng thành thị.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh trường hợp thu học phí cao nhưng chất lượng không tương xứng, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phải thực hiện lộ trình đạt kiểm định tương ứng với lộ trình tăng học phí theo quy định nêu trên.
Việc tăng học phí ít nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến người học, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh trường hợp thu học phí cao nhưng chất lượng không tương xứng, cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phải thực hiện lộ trình đạt kiểm định tương ứng với lộ trình tăng học phí.