Bộ Nội vụ: Xây dựng 'tiêu chuẩn sàn' khi bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý, tuyển dụng viên chức, đảm bảo mức tiêu chuẩn sàn.
Bộ Nội vụ: Xây dựng 'tiêu chuẩn sàn' khi bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long. Ảnh QH

Sáng 8/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, từ năm 2012 đến nay, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định và ban hành 8 thông tư theo thẩm quyền để quy định chi tiết các nội dung liên quan đến quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp liên quan đến tuyển dụng, thăng hạng, đánh giá, kỷ luật... ; phối hợp, ban hành 59 Thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp của 216 hạng chức danh nghề nghiệp trong tổng số 70 chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc 12 lĩnh vực.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các văn bản của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bổ nhiệm viên chức quản lý hiện nay về cơ bản đầy đủ, đồng bộ giữa quy định của Đảng và của pháp luật. Việc phân cấp thẩm quyền là cần thiết, tuy nhiên cũng dẫn đến tình trạng cùng một vị trí viên chức lãnh đạo, quản lý nhưng tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại không giống nhau ở từng địa phương, thậm chí có sự khác nhau giữa các đơn vị cấp huyện trong cùng một địa phương.

Đối với tiêu chuẩn trình độ quản lý, cho đến nay, các bộ, địa phương chưa kịp thời sửa đổi các văn bản hướng dẫn cho phù hợp. Tương tự về quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp, theo Bộ Nội vụ, vẫn còn những vướng mắc, như chưa ban hành đầy đủ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dẫn đến các địa phương sau khi tuyển dụng không thể xếp vào chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên không đúng quy định

Bộ Nội vụ: Xây dựng 'tiêu chuẩn sàn' khi bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức ảnh 2

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh QH

Giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ ra một số bất cập, hạn chế, khi vẫn có sự khác nhau trong phân cấp quản lý tại các địa phương về tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, dẫn đến các chính sách đối với giáo viên được thực hiện không đồng thời trên toàn quốc, còn tình trạng thực hiện không đúng các quy định hoặc chậm thực hiện dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Cụ thể như vẫn còn tình trạng bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên không đúng quy định; một số địa phương sau khi tuyển dụng, chỉ căn cứ vào trình độ đào tạo của người trúng tuyển để bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng cao hơn hoặc cao nhất trong cấp học; chậm bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý, tuyển dụng viên chức, đảm bảo mức tiêu chuẩn sàn. Ngoài ra, việc bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức nên giao cho các bộ, ngành, địa phương được quy định cao hơn để đáp ứng đòi hỏi thực tế từng địa bàn, không trái với tiêu chuẩn chung được xác định. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo sự giám sát chặt chẽ đối với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị, cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo cơ chế thu hút, tạo điều kiện đối với người dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ lưu ý, cần có giải pháp để thống nhất quản lý tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị, vì có một số địa phương yêu cầu trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên với một số chức danh, có địa phương lại yêu cầu áp dụng với toàn bộ các chức danh.

Kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, phiên giải trình là cơ hội để các bộ, ngành nhận diện rõ những tồn tại, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập, xây dựng đội ngũ viên chức có năng lực, trình độ, trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong lĩnh vực nhiệm vụ được giao.

MỚI - NÓNG