Côn trùng là… để yêu
Bạn biết không, “gia phả” nhà côn trùng có số lượng loài đa dạng nhất trên thế giới. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng, nếu một ngày tất cả đều biến mất thì đây sẽ là kết quả...
Các loài hoa sẽ “lụi tàn”
Nếu như bạn đã xem bộ phim Bee (2007) từng được chiếu trên Disney, bạn sẽ thấy các loài hoa sẽ lụi tàn nếu thiếu đi loài ong thụ phấn. Cũng giống như các loài sinh sâu, nếu như bị tiêu diệt hết, thế giới sẽ không còn tồn tại bướm và các loài chim cũng sẽ bị mất đi một nguồn thức ăn quan trọng dẫn đến suy giảm nghiêm trọng. Hay người ta còn gọi là “sự cộng hưởng” của hệ sinh thái, loài này ảnh hưởng đến loài khác.
Một vài món ăn “xịn đét” sẽ “biệt vô âm tính”
Trang iaszoology.com đã chỉ ra rằng có đến 1,462 loại côn trùng… ăn được. Chính vì vậy, ắt hẳn bạn có từng nghe đến món dế nướng, đuông dừa nước mắm của vùng Nam Bộ... Hay ở ngay đất nước Campuchia, món “nhện chiên” luôn là một thử thách lớn đối với các du khách nước ngoài. Tuy thử thách là thế nhưng chúng vô cùng béo ngậy và đầy chất bổ dưỡng nữa cơ. Nếu mất đi thì thật là tiếc nhỉ?
Quá trình phân hủy sẽ như “rùa bò”
Các loài côn trùng như kiến cùng các loại bọ giúp tiêu biến “thi hài” của các loài động vật nhanh hơn. Khi xác động vật bước vào giai đoạn “thăng thiên”, nếu côn trùng đẻ trứng lên đó sẽ sinh ra dòi, góp phần đưa những “thi hài” “trở về đất mẹ” lẹ hơn mà không để chúng “lưu luyến” và kéo dài tình trạng ô nhiễm.
Tuổi thơ của bạn sẽ “khuyết” một phần
Bạn có nhớ nhóm Nobita, Suneo và Jaian trong Doraemon cứ Hè về là ra bãi đất sau trường vườn bắt bọ, bắt dế và toàn những con cỡ bự không. Thanh xuân không thể nào thiếu đi những tiếng dế kêu “rít rít” hay được nhìn thấy đom đóm bay trong những ngày mưa mát lạnh vào buổi tối ở các vùng quê.
Bạn Minh Sơn (Quận 3, TP.HCM) kể: “Hồi đó về quê nhà tắt điện ngủ hết, mình phải mò đường đi trong đêm, ai ngờ đâu nhờ đụng trúng cái bàn ăn, đau hông quá xong ngước ngược lên trần nhà. Thế là mình may mắn thấy một em đom đóm “lạc đàn”. Nhìn cái đuôi cứ chớp tắt chớp tắt đến giờ nghĩ lại vẫn thấy “đã”!”.
Chuẩn bị cho sự “đột kích” bất ngờ
Côn trùng có loại tốt loại xấu, vậy để không bị “hết hồn” khi “các ẻm” ghé thăm đột xuất, cùng điểm qua một số cách “phòng thân” nào:
Ưu tiên dọn dẹp những ngóc ngách nhỏ nhất
Tiêu chí quan trọng nhất là phải sạch vì côn trùng chỉ thích sống ở những nơi hội tụ những “tinh túy bụi bặm”. Bạn cũng nên thay ga giường, rèm cửa thường xuyên vì bụi thường đóng nhiều và là nơi ở “khiêu khích” các em bọ! Bạn cũng có thể ướp hương cho căn phòng mình, giữ cảm giác thơm tho sạch sẽ để tránh bị “phục kích”.
“Tùy cơ ứng biến” khi nhìn thấy “sinh vật lạ”
Khi phát hiện có sâu trên quần áo, bạn nên bình tĩnh đứng yên và nhờ mọi người xung quanh đuổi giúp. Vừa tránh để em sâu rơi không-đúng-chỗ, vừa giữ được “điểm thanh lịch” trong mắt mọi người xung quanh.
Bạn Ngân Hồ (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ: “Lúc gián xuất hiện bên cạnh mẹ, mặt mình căng như dây đàn, nín thở không dám hét. Còn mẹ bình thản lấy chổi quét một đường “cứu mạng”. Nếu mẹ ra tay chậm hơn chút nữa, chắc mình đã xỉu vì thiếu oxy mất rồi. Những người mẹ đúng là thật “thanh lịch” và “anh dũng” trong cách diệt côn trùng”.