Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn các tỉnh thành khu vực phía Nam diễn ra tại TPHCM ngày 4/8.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tầm quan trọng của việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Theo ông Hoan, khởi nghiệp trong trường học giúp cho người học xây dựng đủ tâm thế làm chủ ngay sau khi rời ghế nhà trường. “Hợp tác giữa trường với doanh nghiệp chính là cơ hội để ai đều “mở” để chia sẻ giá trị và nhân giá trị lên nhiều lần. Khởi nghiệp nếu có hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thì các ý tưởng sáng tạo sẽ được thương mại hóa do đó, khởi nghiệp trong nhà không phải là sân chơi mà là cơ hội làm chủ trong tương lai, phía sau sản phẩm khởi nghiệp của mình”, ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để sắp xếp lại các trường hợp lý đồng thời thảo luận các chuyên đề như: Đổi mới đào tạo nhân lực nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích hợp “kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư duy” cho người học; Liên thông đào tạo nghề theo 3 cấp trung học nghề, cao đẳng và đại học; Được Chính phủ cho phép hình thành thí điểm mô hình thí điểm hệ cấp 3 trong trường đại học.
Lao động nông nghiệp có xu hướng giảm nhanh
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 đã tăng lên 21 cơ sở giáo dục đại học với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Vùng Đông Nam Bộ với quy mô đào tạo 516.797 sinh viên với tỷ lệ 30,2% - đứng thứ hai của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức như lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông lâm thủy sản của Vùng Đông Nam Bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46,7 nghìn người/năm (tốc độ giảm bình quân 3.75% mỗi năm). Nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.
Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.
Lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỷ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.
Trong đào tạo đã chứng kiến sự suy giảm ở các ngành nông nghiệp truyền thống ở hầu hết các cấp trình độ. Cụ thể, trong nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm ở ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ thực vật. Đối với nhóm ngành thủy sản giảm mạnh ở chuyên ngành khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, khoa học thủy sản. Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị. Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn, kỹ thuật xây dựng công trình thủy và kỹ thuật cấp thoát nước…
Thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.