Bối rối trước đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy

Bối rối trước đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy
HHT - Thông tin đề xuất sửa luật giáo dục và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần cân nhắc đưa quy định không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bối rối trước đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy ảnh 1
Cả học sinh và giáo viên đều mong muốn không học vào thứ bảy. ẢNh: NGỌC DƯƠNG.

Tuy nhiên, ngay cả Bộ GD-ĐT cũng khẳng định việc này phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện của mỗi nhà trường.

Bức xúc vì phải học cả thứ bảy

Một phụ huynh có con năm nay chuẩn bị vào lớp 6 chia sẻ: Từ tiểu học lên cấp THCS thì điều khiến cháu và gia đình buồn nhất là... con phải học cả thứ bảy. “Thứ bảy bố mẹ được nghỉ thì con vẫn phải đi học”, vị phụ huynh này than thở.

Đây là tâm trạng của không ít cha mẹ có con học cấp THCS và THPT vì hầu hết các trường đều tổ chức dạy học chính khóa vào ngày thứ bảy. Nhiều người cho biết có con lên cấp học này là việc về quê hay đi nghỉ ở đâu đó hoặc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa... rất khó sắp xếp vào cuối tuần, vì thực chất học sinh (HS) chỉ được nghỉ một buổi, thậm chí có thầy cô còn yêu cầu học thêm vào ngày chủ nhật.

Nhiều phụ huynh cho biết bức xúc càng nhiều hơn vì mang tiếng học 1 buổi/ngày và phải học cả thứ bảy do thiếu cơ sở vật chất, nhưng không hiểu sao các buổi còn lại giáo viên và nhà trường vẫn có phòng học để tổ chức dạy thêm ngay tại trường?

Ngoài ra, có những trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính ở Hà Nội “tham” việc dạy học chính khóa để HS không phải học thêm nên dù đã có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng vẫn xếp lịch học chính khóa cả vào sáng thứ bảy, khiến HS phải học liên tục 11 buổi/tuần.

Vướng điều kiện cơ sở vật chất

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, xác nhận gần đây có ý kiến đề nghị sắp xếp lại thời gian học tập để HS được nghỉ học ngày thứ bảy. Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như Bộ GD-ĐT không quy định việc HS phải học vào thứ bảy nhưng đúng là thời lượng học tập thì các trường phải đảm bảo đủ. “Chương trình rất khuyến khích các nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để rút ngắn số ngày học trong tuần và giảm áp lực học tập cho HS, nhưng điều kiện thực tế ở các nhà trường hiện nay thì không thể đưa vấn đề đó thành quy định bắt buộc được”, ông Thuyết lý giải.

Ông Thuyết cho rằng thời lượng học tập mà chương trình mới đưa ra vẫn thấp so với các nước. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác - Phát triển kinh tế (OECD, năm 2009), với lứa tuổi từ 7 - 15 (lớp 1 - lớp 9), ở các nước trong tổ chức này, tính trung bình mỗi HS học 7.390 giờ (60 phút/giờ) trong một năm học. Trong khi đó, theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới của VN, tổng thời lượng học của HS tiểu học và THCS trong một năm học chỉ đạt 5.909 giờ. Sở dĩ có sự chênh lệch khá lớn như vậy là do HS ở các nước OECD học cả ngày, còn ở nước ta, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn xây dựng theo hướng HS tiểu học học 2 buổi/ngày và HS trung học vẫn học 1 buổi/ngày.

Hiện nay theo phân phối chương trình khung ở bậc trung học thì thấp nhất là 29 tiết/tuần. 5 tiết (ngày) x 5 buổi (tuần) chỉ mới 25 tiết thì không thể xếp được nếu không học thứ bảy.

Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho rằng trường vẫn phải tổ chức dạy học 2 ca/ngày nên bắt buộc HS phải học 6 buổi/tuần, thay vì 5 buổi/tuần như mong muốn. Mặc dù vậy, ông Hà cũng cho rằng việc cho HS và giáo viên nghỉ trọn vẹn hai ngày nghỉ cuối tuần như người lao động các ngành nghề khác luôn là mong muốn của nhà trường. “Vướng” nhất hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất, vì nếu muốn nghỉ ngày thứ bảy, thì sẽ phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Kèm theo đó là những giải pháp đồng bộ để có thể tổ chức bán trú cho HS.

Giảm bớt nội dung hay giảm giờ học ?

Báo cáo ngày 9.8 vừa qua của Bộ GD-ĐT tại buổi thảo luận góp ý chương trình giáo dục phổ thông mới, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, cho rằng nếu HS nước ta nghỉ học ngày thứ bảy sẽ dẫn đến hai khả năng: một là phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước cho phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt; hai là phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm, chương trình sẽ quá tải.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc của HS tiểu học là 4.865 tiết (35 phút/tiết) tương đương với 2.838 giờ; HS THCS là 4.094 tiết (45 phút/tiết) tương đương với 3.071 giờ.

Bộ GD-ĐT cũng trần tình: “Hiện nay chỉ có khoảng 80% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày (từ 6 buổi/tuần đến 9 buổi/tuần); hầu hết HS bậc THCS, THPT đều học 1 buổi/ngày. Nhà trường không còn quỹ thời gian và biên chế giáo viên để tăng thêm thời lượng môn học…

Theo thanhnien.com.vn
MỚI - NÓNG
5 lý do phải đọc cuốn sách truyền cảm hứng Đến New Zealand đón bình minh mới
5 lý do phải đọc cuốn sách truyền cảm hứng Đến New Zealand đón bình minh mới
HHT - Trong thời gian gần đây, New Zealand dần trở thành điểm đến du lịch, du học, định cư hấp dẫn bởi vô vàn yếu tố, từ môi trường sống đến các phúc lợi xã hội và chính sách hỗ trợ. Mời bạn cùng bước lên hành trình khám phá mọi ngóc ngách về giáo dục, cơ hội việc làm và lối sống tại đảo quốc Kiwi này.

Có thể bạn quan tâm