Bối rối tuyển sinh lớp 6: Chờ hướng dẫn tiêu chí xét tuyển của Sở giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ GD&ĐT chốt phương án tuyển sinh lớp 6 các trường là xét tuyển khiến phụ huynh có dự định cho con tham gia tuyển sinh vào trường chất lượng cao, trường tư “có tiếng” đứng ngồi không yên. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT khẩn trương xây dựng và công bố nguyên tắc, tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 THCS phù hợp với điều kiện thực tế để phụ huynh chủ động.

Nhiều năm trở lại đây, ngoài các trường THCS tuyển sinh lớp 6 theo tuyến, Hà Nội có mô hình trường chất lượng cao và một số trường tư thục “có tiếng” thu hút sự quan tâm của hàng chục nghìn phụ huynh, học sinh. Với số lượng hồ sơ đăng ký lớn gấp hàng chục nghìn chỉ tiêu tuyển sinh, các trường này được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh kết hợp xét tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.

Thực tế, các nhà trường đã tổ chức tuyển sinh lớp 6 rầm rộ với quy mô lớn với 3 môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, thu hút lượng học sinh lớn tham gia. Điều đáng nói, đề kiểm tra mỗi trường một kiểu, phụ huynh rỉ tai nhau, muốn dự thi phải luyện lò từ sớm.

Thậm chí có phụ huynh cho rằng, muốn cho con thi vào Trường THCS X, Y phải được luyện thi tại trường. Những đứa trẻ buộc phải đi học thêm ở các trung tâm luyện thi đến kiệt sức.

Bối rối tuyển sinh lớp 6: Chờ hướng dẫn tiêu chí xét tuyển của Sở giáo dục ảnh 1

Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 một trường tư ở Hà Nội năm học 2024-2025.

Còn nhớ, năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT Hà Nội điều chỉnh tiêu chí về điều kiện dự tuyển vào lớp 6, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam khiến không ít học sinh bị loại. Nhiều phụ huynh đã bật khóc khi đặt mục tiêu cho con vào ngôi trường mơ ước, con đi học thêm nhiều nơi, không có thứ Bảy, Chủ nhật hay cả ngày lễ tết, các bạn đi chơi, được nghỉ ngơi con vẫn phải đi học.

Từ thực tế đó, mới đây Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh phương án tuyển sinh lớp 6 là “xét tuyển”. Với quy định đó, các trường tư, trường chất lượng cao và phụ huynh hoang mang, băn khoăn về các tiêu chí để xét tuyển. Vì thực tế, cách đây chục năm đã áp dụng phương thức tuyển sinh này nhưng cũng có nhiều vấn đề nảy sinh như: làm đẹp học bạ, đổ xô vào các cuộc thi để giải thưởng làm tiêu chí phụ…

Học bạ điểm cao nhưng vào trường lại... tụt dốc

PGS.TS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng Trường Đoàn Thị Điểm nói rằng, phải có phương án để lựa chọn học sinh vì chỉ tiêu chỉ có một nhưng số lượng đăng ký cao cấp hai, ba lần. Chưa kể, nhà trường có các loại hình lớp học tăng cường Toán, Tiếng Anh, Tin học… cần có đánh giá năng lực học sinh có phù hợp hay không.

“Học bạ học sinh tiểu học lâu nay chỉ có độ tin cậy vừa phải. Nhiều em điểm cao nhưng vào trường không học được nên nếu chỉ xét tuyển dựa vào hồ sơ, học bạ sẽ rất khó cho các trường tư thục”, PGS Thống nói.

Do đó, theo ông Thống, thời điểm này nhà trường chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội để tuyển sinh cho năm học tới.

Bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở là nhiệm vụ chính trị của các nhà trường phổ thông, nhưng khối công lập và tư thục có đặc thù khác nhau. Khối công lập được Nhà nước bao cấp toàn diện để thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ cập, khối tư thục phải tự túc hoàn toàn để cung cấp dịch vụ giáo dục phổ cập và các dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo nhu cầu của xã hội.

Cũng theo bà Dương, tuyển sinh phải là khâu đột phá, trong đó các trường tư thục được tự do tuyển sinh theo tiêu chí chuyên môn của cơ quan chức năng có thẩm quyền, cũng như đảm bảo được yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên....

Việc chỉ xét tuyển sẽ khó đảm bảo được nguyên tắc tuyển sinh là khách quan, công bằng và nghiêm túc bởi vì dư luận đã nhiều lần choáng ngợp trước các học bạ toàn điểm tuyệt đối.

Trong khi chưa có công cụ nào đảm bảo việc đánh giá chất lượng giáo dục bậc tiểu học (thi kiểm tra, học bạ) của các trường là khách quan, nghiêm túc, công bằng thì việc bắt buộc cả trường công lẫn trường tư chỉ được tuyển sinh dựa vào xét tuyển học bạ là một sự phiêu lưu, mạo hiểm và có thể làm gia tăng tình trạng xin điểm, cho điểm, làm đẹp học bạ cũng như các "tiêu chí phụ" để xét tuyển, tạo ra các cuộc chạy đua giải thưởng để có thêm điểm cộng xét tuyển vào lớp 6.

Khẩn trương xây dựng tiêu chí xét tuyển lớp 6

Trước nhiều ý kiến khác nhau, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, cùng với quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã giao cho các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn.

Ngày 10/1, Bộ GD&ĐT tiếp tục có văn bản đề nghị các Sở GD&ĐT khẩn trương xây dựng và công bố nguyên tắc, tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 THCS phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và các nhà trường hiểu rõ, chủ động trong công tác tuyển sinh.

"Sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển chung, sau đó vẫn có lượng hồ sơ vượt chỉ tiêu được giao mới áp dụng hình thức đánh giá năng lực như: Hỏi - đáp, thuyết trình, viết... ", Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành.

Bộ GD&ĐT yêu cầu: “Đối với các trường có số học sinh đăng kí vào học vượt quá chỉ tiêu nhà trường được giao, Sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện đánh giá năng lực học sinh theo các hình thức (đã được quy định trong quy chế đánh giá học sinh) như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm,... bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

MỚI - NÓNG
Bình luận