Bữa ăn học đường: Phụ huynh nên cùng trường giám sát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phụ huynh cùng nhà trường giám sát nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh, đơn vị cung cấp... sẽ giúp kiểm soát chất lượng bữa ăn tốt hơn, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.

Lo lắng

“Mỗi ngày, con tôi ăn bữa trưa và xế ở trường, bữa sáng thì ăn ở bên ngoài. Nhưng tôi không biết rõ nguồn gốc những thức ăn con cho vào bụng”, chị Vân (phụ huynh có con học một trường tiểu học tại TP Thủ Đức, TPHCM) nói về bữa ăn học đường của con.

Bữa ăn học đường: Phụ huynh nên cùng trường giám sát ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) trong bữa ăn bán trú tại trường. Ảnh: Nhàn Lê

Vợ chồng chị Vân đều làm văn phòng, không có thời gian nấu ăn trưa nên việc trường tổ chức bán trú giúp chị tiết kiệm được thời gian đưa đón con; con gái chị cũng có thêm thời gian nghỉ trưa để lấy sức học ca chiều. Từ đầu năm đến nay, cô chủ nhiệm lớp con chị Vân có gửi thực đơn ăn uống của học sinh theo tuần, nhưng điều chị băn khoăn là không được nhìn thấy hình ảnh suất ăn và cũng không nắm rõ thông tin đơn vị cung cấp suất ăn. Chị Vân phải đóng 50.000 đồng mỗi ngày cho 1 suất ăn xế và 1 suất ăn trưa của con tại trường. Ngoài khoản này, chị phải trả tiền nước uống, phục vụ ăn sáng, vệ sinh, phục vụ và quản lý bán trú.

“Đọc thông tin thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi, tôi không khỏi lo ngại. Ngày nào con về nhà tôi cũng phải hỏi thức ăn có hợp không, có con vật lạ hay thực phẩm ôi thiu trong cơm không. Tuần sau, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp sẽ kiến nghị với trường đến trực tiếp công ty cung cấp suất ăn của học sinh để giám sát chất lượng”, chị Vân nói.

Lo lắng về chất lượng bữa ăn ở trường của con là nỗi niềm chung của nhiều phụ huynh học sinh tại TPHCM từ khi bắt đầu năm học mới. Gần đây nhất, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phú Hữu (TP Thủ Đức) phát hiện thịt, xương gà ôi thiu, lên màu đen trong tủ đông ở đơn vị cung cấp suất ăn ngày 25/10. Ở khu vực gia vị, đồ khô cũng có một số can tương ớt không đậy nắp, mùi hôi, không rõ hạn sử dụng.

Phía đơn vị cung cấp suất ăn giải thích, phần thịt, xương gà là đồ bỏ sau quá trình chế biến, không dùng nấu ăn cho học sinh. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng, việc để thịt, xương gà đã hư hỏng chung với các thực phẩm khác là không chấp nhận được, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay sau đó, nhà trường và phụ huynh đã họp và thống nhất ngưng hợp đồng cung cấp suất ăn với đơn vị này, tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú từ ngày 26/10 đến khi tìm được đối tác khác. Chỉ 3 ngày sau khi diễn ra sự việc, 4 trường học khác ở TP Thủ Đức cũng tạm ngừng ăn bán trú vì sử dụng suất ăn công nghiệp được cung cấp bởi cùng một công ty.

Ăn trưa cùng con

Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM), cho biết có 3 hình thức phổ biến để tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh. Đó là nhà trường tự tổ chức bếp ăn bán trú, hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn, hợp đồng với căng-tin trường học để nấu suất ăn cho học sinh ngay tại trường. Theo ông Đảo, việc trường tự tổ chức bếp ăn bán trú là mô hình lý tưởng vì ban giám hiệu và phụ huynh sẽ dễ dàng quản lý, giám sát. Nhưng thực tế không phải trường nào cũng thực hiện được vì khuôn viên trường quá chật hẹp, khó tuyển nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu. Ngược lại, việc đặt suất ăn công nghiệp sẽ khó quản lý hơn vì nhà trường không thể kiểm tra thường xuyên. Hơn nữa, việc vận chuyển số lượng lớn thức ăn trong điều kiện nắng nóng như ở TPHCM rất dễ dẫn đến hư hỏng thực phẩm khiến học sinh bị ngộ độc.

“Nhà trường đang liên kết với căng - tin trường học để nấu suất ăn cho học sinh. Một giáo viên trong ban giám hiệu của trường sẽ ăn cùng các em để giám sát chất lượng bữa ăn. Phụ huynh cũng có thể đến trường bất cứ lúc nào, không cần thông báo trước để ăn cùng các con. Phụ huynh đồng hành với nhà trường sẽ đảm bảo học sinh được ăn đồ ăn ngon, chất lượng”, ông Đảo nói.

Không riêng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, việc nhà trường mời phụ huynh tham gia vào bữa ăn của học sinh được thực hiện tại nhiều trường ở TPHCM. Mười năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) tổ chức bếp ăn tại trường, các đầu bếp đều được tập huấn về cách chế biến đủ chất, đủ lượng, nguồn thực phẩm cũng được chọn từ nhà cung cấp uy tín. Điều đặc biệt, chỉ cần đăng ký với cô bảo mẫu, bất cứ phụ huynh nào cũng có thể đăng ký ăn trưa cùng các con. Nhà trường khuyến khích phụ huynh ăn với con mỗi tháng ít nhất một lần để cùng giám sát chất lượng bữa ăn.

Ở góc độ y học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, giảng viên Đại học Y dược TPHCM, cho hay bữa ăn học đường là vấn đề quan tâm của nhiều quốc gia, không riêng tại Việt Nam. Chất lượng bữa ăn học đường liên quan việc phát triển thể chất, tinh thần, trí lực của trẻ nên cần được chú trọng. “Việc nấu cho một trẻ thì dễ, còn nấu cùng lúc cho 1.000 trẻ thì khó hơn. Nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra thì hệ luỵ rất lớn”, ông Dũng nói. Theo ông, để đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường, phụ huynh cần đồng hành với trường trong việc giám sát, thẩm định. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và chính quyền cần có ban giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, trong đó định kỳ kiểm tra chuẩn dinh dưỡng.

Tập huấn công tác tổ chức bữa ăn học đường

Theo Sở GD& ĐT TPHCM, từ nay đến tháng 12, cơ quan này sẽ tập huấn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh. Nội dung tập huấn sẽ xoay quanh các vấn đề: thông tin chung về bữa ăn học đường và hoạt động thể lực; hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường; cách sử dụng phần mềm và cách xây dựng thực đơn hợp lý cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; hướng dẫn tổ chức tăng cường các hoạt động thể lực tại trường học; vai trò của các cơ quan, đơn vị, nhà trường và gia đình trong tổ chức bữa ăn học đường và tăng cường hoạt động thể lực tại trường học.

MỚI - NÓNG