Tôi không đồng ý và yêu cầu không tham gia quỹ này. Sau đó tôi chỉ đóng 237.000, bao gồm 100.000 tiền photo và 137.000 còn lại là tiền dư để cho các sinh hoạt khác trên lớp. Hội phụ huynh đồng ý và trả lại tôi 500 nghìn. Nhưng hôm sau con tôi đi học lại bị nhiều bạn cùng lớp chê bai, dè bỉu."
Chị H.T cũng chia sẻ rằng đã phản ánh tới giáo viên chuyện con mình bị tẩy chay do chị không nộp các khoản phí được yêu cầu. Trái lại, chị bị buộc rời khỏi nhóm chat chung. Chị T. đã đăng tải những đoạn chat của các phụ huynh chỉ trích chị về bất đồng này.
Chị Thu Nguyễn (phụ huynh của học sinh lớp 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ sự bức xúc của chị H.T. về các khoản thu bất hợp lí: "Tôi đồng ý với cách đặt câu hỏi cho hội phụ huynh và giáo viên khi chưa hiểu những mục cần thu nào. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của gia đình tôi cũng ảnh hưởng không kém nên tôi rất quan tâm trong việc quản lí thu chi tiền bạc. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện tương đối ổn để đáp ứng đủ nhiều khoản chi. Tôi mong các phụ huynh còn lại và giáo viên chủ nhiệm có thể hiểu và thông cảm cho nhiều gia đình không mấy khá giả như gia đình tôi."
Bản thân các bạn học sinh cũng mong muốn việc quản lí thu chi quỹ lớp rõ ràng và minh bạch. Bạn Kì Ân (đảm nhiệm chức vụ thủ quỹ lớp nhiều năm liền, Quận 6, TP.HCM) chia sẻ: "Đối với lớp mình, quỹ lớp sẽ được giao cho thủ quỹ do cả lớp bầu chọn để phụ trách thu và báo cáo chi cho lớp trong mỗi tiết sinh hoạt lớp. Trong vai trò thủ quỹ, mình hiểu và biết mình cần chịu trách nhiệm cao với mọi thứ liên quan đến tiền quỹ lớp."
"Quỹ lớp" thu thế nào là hợp lý?
Chị Hồ Diễm (mẹ của một học sinh lớp 2, Quận 2, TP.HCM) chia sẻ: "Khi hội phụ huynh lớp có chủ động bày tỏ nguyện vọng lập quỹ lớp, cô chủ nhiệm đã bác bỏ ngay để tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, lớp sẽ không cần lập quỹ lớp mà những khoản cần chi được kê khai trong bảng học phí của trường và được phát phiếu thu chứng nhận đã đóng. Nếu phát sinh quỹ lớp, phụ huynh của cả lớp cùng giáo viên chủ nhiệm sẽ có một buổi họp gặp nhau trực tiếp để mọi người cùng nêu ý kiến rồi biểu quyết thống nhất ở cuối buổi họp. Đối với chị, nếu quỹ lớp có phát sinh chi phí thêm như tổ chức liên hoan cho các con, tặng quà cho các con... thì chị không phản đối."
Các phụ huynh cho rằng, do việc thu quỹ là tự nguyện nên khó tránh khỏi các ý kiến bất đồng về các nội dung thu và mức thu phí giữa các cha mẹ. Tuy nhiên điều quan trọng là cách các phụ huynh cần bình tĩnh bàn bạc để đi đến sự thống nhất.
Chị Thùy Trang (mẹ của học sinh lớp 6, Quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: "Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, quỹ lớp sẽ là một trong những vấn đề mà cả hội phụ huynh lớp sẽ thảo luận kĩ. Chín người mười ý, không phải ý kiến nào được nêu ra cũng nhận được 100% đồng thuận. Nếu biểu quyết không đồng thuận chiếm đa số, đề xuất sẽ bị bác bỏ. Nếu biểu quyết không đồng thuận chiếm thiểu số, những người thuộc phía đồng thuận sẽ tìm cách thuyết phục cho tới khi tập thể phụ huynh không còn ý kiến trái chiều."
Đối với Kì Ân, cách giải quyết giữa các bạn học sinh cũng khá tương đồng: "Vì mình cũng là một thành viên của lớp, nếu tiền quỹ cần thu nhiều thì chính mình cũng phải chi nhiều - như những bạn khác, mình rất chú ý những lúc cần chi sao cho tiết kiệm nhất. Đối với những khoản chi lớn, những tiết sinh hoạt mình đều trình bày với lớp và giáo viên chủ nhiệm rồi cùng biểu quyết thống nhất trước khi thu quỹ."