Bước chạy mang biểu tượng xứ 'hoa vàng trên cỏ xanh'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Rất nhiều người đặt câu hỏi, làm thế nào cô gái nhỏ bé Lê Thị Tuyết có thể mạnh mẽ và bền bỉ đến vậy trên đường chạy? Câu trả lời chính là, tài năng 19 tuổi này mang đầy đủ các phẩm chất của con người, mảnh đất Phú Yên, luôn kiên cường và không bao giờ khuất phục trước nghịch cảnh.

Tại Siem Reap (Campuchia), dưới chân đền Angkor Wat cổ kính là đường chạy marathon SEA Games 32 vô cùng khắc nghiệt. Tôi đã thấy VĐV nhập tịch của nước chủ nhà bỏ cuộc khi chưa hoàn thành vòng chạy thứ hai, rất nhiều tình nguyện viên cần hỗ trợ y tế và ngay cả người giành huy chương Vàng, VĐV Odekta Naibaho của Indonesia cũng ngất xỉu khi cán đích.

Thế nhưng, tôi cũng đã thấy Lê Thị Tuyết, người chỉ về sau Naibaho vài giây và giành Bạc, không hề bị cái nắng thiêu đốt đánh bại. Cô miệt mài sải bước trên con đường loang loáng vì hiện tượng phản xạ toàn phần dưới nhiệt độ cao. Và khi về đích, vẫn đi bộ, thả lỏng, sau đó bước về phía những tán cây bên cạnh hào nước. Tuyết thậm chí còn để ý vẻ mặt thầy, HLV Nguyễn Tuấn Anh. Cô sợ thầy la vì không thể duy trì lợi thế dẫn đầu, để đối thủ bứt lên ở những km cuối. Chỉ đến khi thầy động viên, rằng cô đã làm rất tốt, Tuyết mới giãn ra, cười nói với những người xung quanh.

Gặp lại Tuyết sau đó vài tháng, vào ngày cuối cùng của năm 2023, tôi có hỏi về trải nghiệm ở Siem Reap. Thật ngạc nhiên, cô chia sẻ “cảm giác cũng bình thường, chỉ hơi rát người một chút”. “Suốt hành trình 42km hôm ấy, không giây phút nào khiến em nghĩ đến hai từ bỏ cuộc”, Tuyết cho biết, “Nếu nói về khó khăn, em thấy đường chạy ở Lai Châu khi tham gia Tiền Phong Marathon 2023 còn thách thức hơn, bởi nhiều dốc”.

Bước chạy mang biểu tượng xứ 'hoa vàng trên cỏ xanh' ảnh 1

Lê Thị Tuyết trên bục trao giải Tiền Phong Marathon 2023Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhìn vào vóc dáng nhỏ bé của Tuyết, tôi tự hỏi làm thế nào cô gái chỉ cao 1m46 và nặng 37kg lại có thể mạnh mẽ và bền bỉ đến vậy? Theo HLV Nguyễn Tuấn Anh, Tuyết có những tố chất trời phú, từ “sức bền, hệ thống tim mạch, khả năng trao đổi chất, phục hồi, hông dẻo, bước chạy dài”. Chính vì vậy ông đã ấn tượng ngay khi thấy cô bé người Phú Yên ở giải vô địch trẻ toàn quốc ở An Giang năm 2019 và đưa cô vào đội tuyển trẻ Quốc gia.

Tương tự là HLV Võ Đăng Khoa, người phát hiện ra Tuyết đầu tiên vào năm 2018, sau Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Phú Yên mà cô giành huy chương Vàng nội dung 800m. Không thể lãng phí viên ngọc thô vừa khai phát, ông không ngại đường xa, chạy xe hàng chục cây số tìm bố mẹ Tuyết, lúc đó đang làm thuê ở xã Ea Lâm, để thuyết phục họ cho con gái xuống tỉnh, theo đuổi sự nghiệp thể thao.

Nói về gia cảnh, nhà Tuyết ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, nơi thường xuyên chịu nhiều ảnh hưởng do mưa lũ hằng năm. Như Tuyết nói, mỗi khi lũ về, căn nhà cấp 4 ngập sâu, cả gia đình 5 người lại phải di tản lên ghe, chịu cảnh màn trời chiếu đất chờ nước rút.

Đây chính là một trong lý do hun đúc ý chí của Tuyết. Cô đến với chạy một cách tình cờ, chưa bao giờ chạy cho tới khi tham gia giải trường, đơn giản vì “không có môn khác”. Nhưng cô chấp nhận xa nhà, nỗ lực tập luyện bất kể nắng mưa. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, cô không một lời than vãn. Cô cũng rất kỷ luật, từ sinh hoạt đến tập luyện, thậm chí sẵn sàng từ bỏ mạng xã hội, các thú vui tuổi mới lớn để tập trung cải thiện bản thân. Riêng suy nghĩ từ bỏ trên đường chạy thì không bao giờ. Cô chạy không chỉ cho bản thân, mà cho cả gia đình.

Những thành tích nổi bật của Lê Thị Tuyết

HCV nội dung 5km hệ phong trào Tiền Phong Marathon 2019

HCB 21km Tiền Phong Marathon 2022

HCV 5km và HCV 10km Giải vô địch điền kinh trẻ toàn quốc 2022

HCV marathon, HCĐ 10km Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022

HCV marathon Tiền Phong Marathon 2023

HCV 10km Giải điền kinh vô địch quốc gia 2023

HCB marathon SEA Games 32 năm 2023

“Động lực của em là gia đình, làm sao để mọi người có cuộc sống tốt hơn”, Tuyết nói. Vì vậy cô luôn hướng về phía trước và rực cháy khát khao chiến thắng. “Ý chí của Tuyết rất mạnh mẽ”, HLV Nguyễn Tuấn Anh cho biết, không giấu sự tự hào với cô học trò nhỏ, “Nhìn Tuyết nhỏ bé, nói chuyện nhút nhát nhưng ẩn chứa bên trong là tinh thần quật cường, không bao giờ sợ hãi. Hồi SEA Games 32, bất chấp các đối thủ rất mạnh, lại cao lớn, nhưng gương mặt, ánh mắt của Tuyết chỉ có sự quyết tâm, thực hiện đúng chiến thuật và cho thấy sức chịu đựng hơn người. Lỳ lắm, không biết sợ là gì, đến nhiều anh chị lớn còn phải nể Tuyết”.

Trò chuyện với bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Phú Yên, ngày 27/10, chỉ vài tiếng sau khi Tuyết giành huy chương Vàng 10.000m tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2023 ở Miếu Môn (Hà Nội), bên cạnh đề cập tới “thể chất bẩm sinh quá tốt, từ hệ thống tim mạch đến hô hấp”, bà đặc biệt nhấn mạnh đến “ý chí phấn đấu” của Tuyết.

Bước chạy mang biểu tượng xứ 'hoa vàng trên cỏ xanh' ảnh 2

Lê Thị Tuyết và HLV Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: Trọng Quân

“Trên đường chạy cự ly dài, điều làm nên một VĐV xuất sắc là sức mạnh tinh thần. Tuyết có điều đó. Từ ngày mới xuống Trung tâm đến hiện tại, cô luôn chịu khó chịu khổ, vượt qua các thách thức và chiến thắng bản thân mỗi khi độc hành trên con đường sỏi đá”, bà Trần Thị Thanh Thúy nói.

Trong sự phấn khích, bà ca ngợi Tuyết là “niềm tự hào, biểu tượng của thể thao Phú Yên”, “một chiến binh mang quả tim vàng”.

“Tuyết sẽ tiến xa trong tương lai, bởi ngoài sức bền ý chí, sức bền hệ năng lượng, sức bền hệ thống các cơ quan chức phận, Tuyết còn nổi bật ở tính kỷ luật, chấp hành tuyệt đối giáo án, chiến thuật của HLV đưa ra”. HLV Nguyễn Tuấn Anh

Đến đây tôi chợt nhớ rằng xã Hoà Thịnh từng là vùng căn cứ địa cách mạng khu vực nam Trung bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tạo nên cuộc “Đồng khởi Hòa Thịnh” năm 1960, thiết lập chính quyền tự quản cách mạng. Nếu phải tìm một từ để mô tả người dân nơi đây, chỉ có thể là “kiên cường”. Họ luôn vươn lên trong nghịch cảnh, chiến thắng thiên tai, địch họa và cả giới hạn bản thân.

Đây cũng là phẩm chất chung của Phú Yên, đi bất cứ đâu cũng có thể thấy. Đó là những con người làm nên huyền thoại Tàu không số Vũng Rô, là những ngư dân tắm gió gội sương, những nông dân biến cánh đồng Tuy Hòa thành vựa lúa miền Trung. Còn nữa, là núi Đá Bia sừng sững giữa đất trời, hải đăng Mũi Điện mỗi ngày đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, là hàng cây bàng, phi lao không bao giờ đổ gục trước bão dông, là rặng xương rồng có sức sống mãnh liệt trên bãi Xép.

Tất cả đã tạo nên một Lê Thị Tuyết như chúng ta đã thấy, nhỏ bé nhưng kiên cường, hiên ngang hướng lên phía trước trên con đường chinh phục đỉnh cao. Điều tuyệt vời khi tại Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65 năm 2024, tài năng điền kinh 19 tuổi được sải bước trên chính quê hương Phú Yên.

“Nhiều năm nay em chủ yếu tập luyện tại Trung tâm ở Đà Nẵng. Chỉ Tết mới được về nhà. Vậy nên em rất mong chờ tới Tiền Phong Marathon 2024, để được tận hưởng nắng, gió trên cung đường quê hương”, nhà vô địch Tiền Phong Marathon 2023 nói, với giọng nhỏ nhẹ, luôn kèm chữ “ạ” phía sau, trái ngược với sự mạnh mẽ mỗi khi bước ra đường chạy.

MỚI - NÓNG