Buôn Ma Thuột và hành trình trở thành đô thị trung tâm Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang có những "bước chạy đà" quan trọng cho đích đến trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Giữa bao khó khăn, thách thức, thành phố đại ngàn chuyển mình một cách mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả ấn tượng...
Buôn Ma Thuột và hành trình trở thành đô thị trung tâm Tây Nguyên ảnh 1

Đắk Lắk quyết tâm xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Tháng 10 chạm ngõ, tiết trời Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trở nên dịu nhẹ, nắng vàng len lỏi qua những hàng cây cao vút, càng tô thêm vẻ đẹp vừa hiện đại vừa xanh mát cho thành phố. Đây cũng là một trong những đích đến mà Trung ương, tỉnh Đắk Lắk đặt ra để xây dựng, phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị vùng, vừa mang tính hiện đại, vừa mang bản sắc vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu chiến lược này đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Buôn Ma Thuột lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025.

Tuy nhiên, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội, TP Buôn Ma Thuột gặp không ít khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội; biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết thất thường; tình hình thị trường tài chính có nhiều biến động...

Đối mặt với những thách thức trên, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ TP Buôn Ma Thuột đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các cấp chính quyền địa phương, nhất là UBND thành phố để đưa ra những giải pháp vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Nhờ đó, thời gian qua, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 12,16%; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế của thành phố năm 2023 ước đạt: Dịch vụ 50,19%, công nghiệp - xây dựng 44,05%, nông-lâm-ngư nghiệp 5,75%; Giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 182 triệu đồng.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2023 ước đạt 14.157 tỷ đồng, tăng 45,67% so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 13,36%/năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng vai trò quan trọng, tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp của thành phố. Thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển về quy mô và chất lượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 67.978 tỷ đồng, tăng 52,08% so với năm 2020, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 13,89%.

Năm 2022, TP Buôn Ma Thuột được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2023, thành phố này ước đạt có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai có hiệu quả, đến nay thành phố có 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt từ 3 đến 4 sao và đã đề nghị thêm 10 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lên 21 sản phẩm, là địa phương dẫn đầu tỉnh Đắk Lắk về số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đặc biệt, TP Buôn Ma Thuột làm khá tốt công tác huy động, khai thác, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2023 đạt 65.096 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 14,05%. Kết quả kêu gọi dự án đầu tư trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021-30/6/2023 có 13 dự án, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.880 tỷ đồng...

Lãnh đạo Thành ủy Buôn Ma Thuột cho hay, năm 2023 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Buôn Ma Thuột đã đặt ra. Do đó, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, xây dựng thành phố thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.

MỚI - NÓNG