Tổng điểm Việt Nam đạt được là 33,8/100, tăng 2,5 điểm so với lần xếp hạng trước. Với kết quả này, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 47/105 quốc gia và vùng lãnh thổ trên BXH quyền lực mềm toàn cầu 2021. Như vậy, Việt Nam trở thành nước có quyền lực mềm mạnh thứ 5 Đông Nam Á, vượt trội hơn hẳn những người “anh em” Philippines (hạng 53) hay Campuchia (hạng 89)…
Theo Brand Finance, vị trí mà Việt Nam đạt được là nhờ những thành quả trong công cuộc chống dịch COVID-19. Suốt năm 2020, khi cả thế giới “tê liệt” vì đại dịch, Việt Nam bỗng trở thành điểm sáng, một nơi mà COVID-19 không thể "xâm lược" mạnh mẽ nhờ công tác chống dịch hiệu quả và những phản ứng nhanh nhạy, nỗ lực không ngừng nghỉ trên nhiều lĩnh vực của Chính phủ, các ban ngành và toàn dân. Không những thế, các biện pháp phòng chống COVID-19 của nước ta còn được nhiều nước học tập.
Ngoài sự hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, quyền lực mềm của Việt Nam còn được thể hiện qua sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong những nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới, với tỷ trọng xuất nhập khẩu/ GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019). Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong năm 2020 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng gần 3%, trở thành một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. Đây được coi là một điểm cộng giúp nước ta đạt được thứ hạng cao vừa qua.
Trong tương lai, song song việc phát huy quyền lực mềm, Việt Nam cũng cần tăng cường sức mạnh cứng để tạo ra sức mạnh tổng hợp - “sức mạnh thông minh” - nhằm khẳng định vị thế địa chiến lược và địa kinh tế mới của quốc gia.
Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu là bản báo cáo nghiên cứu toàn diện liên quan đến đánh giá quyền lực mềm của các quốc gia do Brand Finance thực hiện hàng năm, dựa theo nhiều tiêu chí và thông qua các cuộc khảo sát với giới chuyên gia và công chúng từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các tiêu chí chấm điểm bao gồm: Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia đó; ảnh hưởng tổng thể của quốc gia, danh tiếng tổng thể của quốc gia và hiệu suất trên 7 trụ cột của quyền lực mềm.