Mốc 1: 40 ngày “xử đẹp” các câu hỏi thực hành
Trong buổi họp báo về kì thi THPT Quốc gia 2018 vào ngày 27/4 vừa qua, TS. Sái Công Hồng (Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) tiết lộ những những câu khó sẽ tập trung vào câu hỏi về thí nghiệm và thực hành, nhất là trong tổ hợp môn Tự nhiên.
Bạn Nhật Nam (Q.4, TP.HCM) cho rằng đây là điều tốt: “Trước đây, câu khó thường nghiêng về tính toán. Để ra được kết quả, tụi mình phải “dày công” giải hàng tá phương trình. Nhưng giờ thì chúng mình không cần tính toán nhiều cũng có thể khoanh được đáp án đúng, miễn hiểu bản chất vấn đề là được”.
Tuy nhiên, đối với môn Hoá, một trong những “rào cản” lớn nhất chính là các tiết học thực hành trong phòng thí nghiệm ở Việt Nam còn rất hạn chế, đôi khi một năm được thực hành có một vài lần trong khi teen phải ôn “ti tỉ” phương trình. Vì thế để hiểu tường tận bản chất của những phản ứng hóa học không dễ.
Để khắc phục điều này, anh Đức Thành (ngành Kỹ thuật Hóa học, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) chia sẻ: “Với 40 ngày còn lại, mình nghĩ rằng các bạn hãy rà soát lại những phương trình trọng tâm trong sách giáo khoa. Nhưng thay vì ngồi học “tủ”, hãy nhờ cậy vào YouTube để học thuộc hiện tượng phương trình dễ dàng hơn”.
Chỉ cần gõ tên hai chất phản ứng là hàng loạt video thực hành sẽ hiện lên tức thì. Mỗi video chỉ tầm 3-4 phút nhưng vẫn đầy đủ thao tác thực hành, giải thích từng giai đoạn và còn có kết luận ở cuối như phương trình tạo kết tủa màu gì, sủi bọt khí gì, dung dịch chuyển màu gì,... Bên cạnh đó, đừng quên xem lại cả kiến thức lớp 11 nữa nhé, đôi khi “ăn” nhau ở chỗ có “lo xa” hơn hay không thôi.
Mốc 2: 14 ngày để làm quen với “đồng hồ sinh học” mùa thi
Cứ hễ đến mùa thi, teen thường thức đến tận 2, 3 giờ sáng để ôn tập. Tuy nhiên, “thiết kế” đồng hồ sinh học ổn định sẽ tác động tích cực đến giấc ngủ và trí nhớ, từ đó giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Hơn nữa, giờ thi sớm nhất của các sĩ tử là 7 - 8h sáng, tức là để đủ giấc thì phải ngủ trước 12h đêm (còn trừ hao cả thời gian ăn sáng, di chuyển đến địa điểm thi), mà nếu teen 2K chỉ toàn thức khuya dậy muộn như vậy, đến lúc dậy sớm để đi thi dễ thiếu tỉnh táo.
Chị Thục Phương (sinh viên ĐH Luật, TP.HCM) chia sẻ: “Trong năm học chị cũng hay “cú đêm” lắm, nhưng trước khi thi đại học khoảng một tháng, chị bắt đầu đặt báo thức dậy từ 6 giờ sáng, vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong xuôi, có thể ngồi xem YouTube một chút cho thư giãn. Đúng boong 8 giờ sáng là vào giải một số bài tập Toán hay Vật lý cho quen với cảm giác thi vào buổi sáng. Như vậy chị vừa tập dậy sớm, vừa tập đầu óc thoát khỏi trạng thái “gà gật” thường thấy vào buổi sáng”.
Năm nay, thời gian nghỉ giải lao giữa hai môn thi tổ hợp Tự nhiên và Xã hội rút ngắn lại còn 5 phút. Thế nên chúng ta cần luyện tập trước tại nhà để thích nghi với thời gian giải lao “chớp nhoáng” của kì thi.
Mốc 3: Sau khi có điểm, bạn vẫn có thể “lật ngược” tình thế!
Đừng lo lắng khi nếu sau kỳ thi, những con điểm không như mong muốn của bạn. Chúng mình vẫn có cơ hội thay đổi nguyện vọng để “tối ưu hoá” tỉ lệ giành vé vào đại học.
Nếu số nguyện vọng thay đổi không vượt quá số nguyện vọng ban đầu, bạn có thể đổi nguyện vọng online. Bạn Nhã Trân (cựu học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, TP.HCM) kể: “Ngay sau khi biết điểm, vì cảm thấy không an toàn nên tớ đã lựa chọn đổi thứ tự giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Chỉ cần ngồi tại nhà, đăng nhập vào hệ thống là tớ đã có thể “xoay chuyển” tình thế!”.
Trong trường hợp muốn tăng thêm nguyện vọng, thí sinh bắt buộc phải nộp phiếu điều chỉnh nguyện vọng tại nơi đã nộp hồ sơ (thường là tại các trường THPT của thí sinh). Đồng thời, bạn cần đóng thêm 30K với mỗi nguyện vọng bổ sung.
Thế nhưng, một trong những điều cần lưu ý chính là mỗi thí sinh chỉ được đổi đúng một lần, vì vậy hãy kiểm tra lại thật kĩ thông tin trước khi lưu. Hơn nữa, bạn chỉ được điều chỉnh nguyện vọng trong vòng 7 ngày kể từ khi có điểm. Vì vậy hãy để ý thật kỹ các mốc thời gian để “lật ngược tình thế” bằng cơ hội thứ hai nhé!
Chúc các sĩ tử thành công!