Cá chép hóa rồng: Trọn bộ “bí kíp” chinh phục “vũ trụ” Toán học

Cá chép hóa rồng: Trọn bộ “bí kíp” chinh phục “vũ trụ” Toán học
HHT - Trong số 199 khối thi (tổ hợp môn xét tuyển) hiện nay, môn Toán vẫn là môn “thống lĩnh” vô đối: Chiếm 116 trên 199 khối thi. Để tối ưu hoá xác suất giành một tấm vé vào Đại học, nhất định chúng ta không thể “ngó lơ” môn Toán!

“Thí sinh phải tăng tốc giải Toán nhanh gấp 10 lần”?

Thời gian vừa qua, các bạn học sinh lớp 12 đã đua nhau chia sẻ bức ảnh có nội dung: “Thí sinh phải tăng tốc độ giải Toán nhanh gấp 10 lần mới làm được đề thi THPT Quốc gia”. Bức ảnh không chỉ nhận được hơn 10.000 lượt chia sẻ mà còn kèm theo những dòng trạng thái bất bình, đầy căng thẳng. Bạn Minh Chiến (trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM) lo lắng rằng nếu phải giải nhanh gấp 10 lần, có lẽ các bạn “rùa bò” giờ đây phải tăng tốc gấp 30 lần mới giải kịp.

Cá chép hóa rồng: Trọn bộ “bí kíp” chinh phục “vũ trụ” Toán học ảnh 1

Nhưng khoan vội “bấn loạn”, nội dung bức ảnh trên chỉ là nhận định của TS. Phạm Văn Thạo khi đặt hình thức tự luận và trắc nghiệm lên bàn cân trong buổi chia sẻ năm 2017. Cụ tỉ, với bài thi tự luận như trước, học sinh sẽ có 180 phút để làm 10 câu, tức 18 phút/ câu. Trong khi đó, với hình thức trắc nghiệm, học sinh phải làm 50 câu trong vòng 90 phút, tức 1,8 phút/ câu. Điều đó không có nghĩa rằng đề thi năm nay sẽ có số lượng câu nhiều hơn, đánh đố hơn hay đòi hỏi học sinh “chạy marathon” trong lúc làm bài so với kì thi THPT Quốc gia 2017.

Mặc dù thông tin trên chỉ là tin đồn gây hoang mang, nhưng thầy Vương Trung Dũng (giáo viên bộ môn Toán, trường Phổ Thông Năng Khiếu, TP.HCM) cũng đồng tình rằng rèn luyện kĩ năng làm bài nhanh chính là mấu chốt: “Ngoài nắm vững kiến thức, suy nghĩ nhanh tìm ra lời giải ngắn gọn thì tốc độ làm bài cũng là nhân tố quyết định. Nhiều bạn học sinh biết cách làm nhưng do không rèn luyện đủ nhiều nên tốc độ tính toán không cao hoặc ẩu, dẫn đến kết quả không như mong muốn”.

“Lộ trình” ba tháng trước giờ G

Theo lịch thi chính thức kì thi THPT Quốc gia 2018, các thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán vào buổi chiều ngày 25/6. Chỉ còn chưa đầy ba tháng cho các sĩ tử 12 dồn hết “binh lực” để chinh phục thế giới Toán học.

Thầy Nguyễn Ngọc Duy (giáo viên bộ môn Toán, trường Phổ Thông Năng Khiếu, TP.HCM) chia sẻ: “Trong thời điểm này, các bạn học sinh hãy cố gắng hoàn thành toàn bộ chương trình 12. Đồng thời, các bạn cũng nên bắt đầu giải một số đề có cấu trúc và độ khó tương đương Đề minh hoạ được Bộ GD-DT công bố. Khi đó, chúng ta sẽ có đánh giá chính xác nhất về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân trong việc quản lí thời gian, cách tính toán, lỗ hỏng kiến thức…”.

Cá chép hóa rồng: Trọn bộ “bí kíp” chinh phục “vũ trụ” Toán học ảnh 2

Một trong những điểm mới của kì thi năm nay chính là đề thi sẽ bao gồm khoảng 20% kiến thức lớp 11, tức 10/50 câu. Thầy Ngọc Duy cũng đánh giá: “Phần khó của kiến thức lớp 11 sẽ rơi vào các phần như Xác suất - Tổ hợp, Lượng giác và Hình học không gian. Phần Xác suất - Tổ hợp sẽ là câu đặc thù nên sẽ “làm khó” với số đông chúng ta. Đặc biệt, Lượng giác sẽ không chỉ đứng một mình mà còn kết hợp cả kiến thức lớp 12”.

Ngoài ra, khi được nhà Hoa hỏi trong chương trình Toán 12, phần nào “khó nhai” nhất, bạn Hữu Triết (thí sinh đạt 10 điểm môn Toán trong kì thi THPT Quốc gia 2017) đã trả lời ngay: Phần số phức thuộc câu phân loại cao, phải vừa xài phương pháp đại số và hình học để tìm ra đáp án.

Như vậy, nếu muốn giành được thang điểm 8 hoặc 9, hãy xem thêm các dạng bài tập đòi hỏi phải vận dụng các kiến thức của nhiều chương và nhiều vấn đề.

Chiến lược “tác chiến” cho cú về đích thành công

“Hô biến” điểm số với sổ phép thuật

Một trong những tuyệt chiêu “đánh gục” những phần “khó nhằn” chính là “tậu” cho mình một quyển sổ. Bạn Hữu Triết chia sẻ thêm: “Trong lúc làm bài ôn tập, cứ hễ thấy bài nào hay, cách giải nào ngắn thì mình sẽ viết lại trong một quyển sổ. Chẳng hạn như các hướng giải chung như tìm toạ độ trực tâm tam giác, chân đường phân giác ngoài,... trong mặt phẳng Oxyz sẽ được ghi lại để học thuộc dễ hơn”.

Cá chép hóa rồng: Trọn bộ “bí kíp” chinh phục “vũ trụ” Toán học ảnh 3

Ngoài ra, bạn Thiên Quang (18 tuổi, TP.HCM) cũng tấm tắc: “Mình thích nắn nót viết công thức bằng nhiều màu bút vào sổ. Vì mỗi lần mở sổ ra học sẽ có nhiều cảm hứng hơn một quyển tập ô li dày cộm”.

Đừng ngó lơ “thần lực” máy tính!

Bên cạnh “nằm lòng” kiến thức, trang bị máy tính - “bạn đồng hành” đắc lực trong phòng thi - cũng là một bí quyết. Bạn Trung Hưng (thí sinh đạt 9,4 điểm môn Toán) chia sẻ: “Vì quy định không giới hạn số lượng máy tính mang vào phòng thi. Thế nên mình thường mang vào phòng thi hai máy để phòng hờ. Trong lúc chờ máy này giải nghiệm thì có thể trông cậy vào máy kia để làm tiếp các câu khác. Bên cạnh đó, trước khi làm bài, mình cũng mang tất cả máy tính đi thay pin và chỉnh reset all tất cả các máy tính để điều chỉnh các chế độ, biến số,... về trạng thái ban đầu”. 

Thời khoá biểu - trợ thủ đắc lực cùng vượt vũ môn

Với bạn Song Nguyên (lớp 12 Toán, trường Năng Khiếu, TP.HCM), chia thời khoá biểu để ôn tập kiến thức chính là “bí kíp vàng” cho ba tháng chạy nước rút: “Vì kiến thức lớp 12 vẫn là trọng tâm nên mình chỉ dành hai buổi/ tuần ôn lại một chủ đề cụ thể trong năm 11, một buổi lí thuyết và buổi còn lại làm bài tập. Chẳng hạn như tuần đó mình ôn chương Dãy số, thì buổi lí thuyết mình sẽ xem lại đinh nghĩa cấp số cộng, cấp số nhân,... Sau đó, buổi bài tập sẽ là lúc giúp mình ghi nhớ công thức nhanh và làm bài nhuần nhuyễn hơn”. Bạn có thể tải về điện thoại ứng dụng Timetable, Evernote, Pocket Schedule Planner để “lên lịch” và được “thư kí công nghệ” nhắc nhở cho những buổi ôn tập.

Cá chép hóa rồng: Trọn bộ “bí kíp” chinh phục “vũ trụ” Toán học ảnh 4

Bỏ túi “bí kíp” làm bài “thần sầu”

Tận dụng tối đa quỹ thời gian 90 phút

Như đã đề cập, với hình thức trắc nghiệm, chúng ta sẽ có thời gian trung bình để giải một câu là 1,8 phút. Vì vậy, hãy tham khảo những “bí kíp” dưới đây để tiết kiệm thời gian hiệu quả trong lúc làm bài thi:

1. So với đề thi tự luận, số lượng câu hỏi hình học sẽ nhiều hơn. Thế nên hãy vẽ hình bằng tay ở nháp và “nói không” với thước.

2. Học thuộc các công thức tính nhanh. Điển hình như công thức tính ra hẳn cạnh huyền, thay vì viết ra nháp định lí Pythagore, chuyển vế đổi dấu rồi lấy căn.

3. Đừng để thời gian “chết”! Trong trường hợp đã dành 2-3 phút giải một câu nhưng vẫn chưa ra đáp án, đừng ngần ngại gác lại sang một bên và làm tiếp những câu khác. Nếu cuối giờ còn thời gian hẳn quay lại làm nốt những câu bỏ dở.

4. Đừng chừa trống bất kì câu nào trong phiếu trả lời. Với hình thức trắc nghiệm, chúng ta vẫn có thể thành công nhờ “ăn may” khi “lụi” đáp án. Vì vậy, nếu như gần đến cuối giờ mà chúng ta vẫn còn vài câu chưa ra đáp số, hãy tô đủ các câu trả lời.

Cá chép hóa rồng: Trọn bộ “bí kíp” chinh phục “vũ trụ” Toán học ảnh 5

“Quyền lực” của phiếu điền câu trả lời

Với hình thức trắc nghiệm, tìm ra câu trả lời đúng chưa chắc bạn đã nắm chắc điểm trong tay. Điểm của bài thi sẽ không dựa trên đáp án bạn khoanh trên đề, mà sẽ được chấm dựa vào phiếu điền câu trả lời.

Bạn Thanh Trúc (lớp 12, TP.HCM) mách nước: “Sau khi giải ra đáp án câu nào, mình sẽ kiểm tra lại cách giải đáp số một lần nữa. Khi chắc chắn và tự tin với đáp án ấy, mình sẽ lập tức điền vào phiếu trả lời, thay vì đợi đến cuối giờ điền đáp án một lượt. Theo như kinh nghiệm làm bài, cứ hễ đến khúc cuối là tinh thần chúng ta sẽ “bấn loạn” vì còn những câu khó chưa được giải quyết. Với tâm lý đó, đôi khi trong quá trình điền đáp án sẽ có sai sót. Và nên nhớ rằng, khi tô đáp án trắc nghiệm, chỉ cần tô chệch một câu thì các câu sau sẽ sai “liên hoàn cước”.

Ngoài ra, với cách tô đáp án này, đến khúc cuối bọn mình sẽ dễ dàng tìm lại những câu còn bỏ dở để tiếp tục “chinh chiến”. Đặc biệt, hãy “tậu” cho mình bút chì loại 2B, “đề phòng” trường hợp chì quá nhạt khiến máy không thể chấm hoặc quá đậm đến mức không thể tẩy nhằm sửa đáp án bạn nhé! 

MỚI - NÓNG
Cách thức ủng hộ đồng bào hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử, các đoàn cứu trợ cần lưu ý gì?
Cách thức ủng hộ đồng bào hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử, các đoàn cứu trợ cần lưu ý gì?
HHT - Hiện việc tìm kiếm người mất tích do đợt mưa lũ lịch sử vẫn đang được các lực lượng nỗ lực thực hiện, cùng với đó là các hoạt động khắc phục hậu quả. Nước lũ rút đến đâu, việc dọn dẹp và tính toán thiệt hại được thực hiện tới đó và rất cần những sự hỗ trợ của toàn thể cộng đồng, xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Chương trình Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối đến 5 trường đại học tại TP.HCM

Chương trình Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối đến 5 trường đại học tại TP.HCM

Với mục đích nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc phân loại và tái chế chai và lon đã qua sử dụng, xây dựng thói quen nhỏ góp phần tạo tác động to lớn để hướng tới tầm nhìn “Vì một thế giới không rác thải”, Báo Tiền Phong và Coca-Cola Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” tại 5 trường đại học ở TP.HCM. 
Hà Nội phát lệnh báo động lũ trên sông Hồng, chiều tối nay dự báo có mưa lớn

Hà Nội phát lệnh báo động lũ trên sông Hồng, chiều tối nay dự báo có mưa lớn

HHT - Trong khoảng 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu từ phía Bắc Ninh, Hưng Yên đang di chuyển về phía Hà Nội. Trước tiên nó gây mưa rào và dông cho khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông, sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của TP Hà Nội.