Gà trống Maurice có vẻ bực mình và đang không thoải mái. Nó lắc mình, vuốt và dùng mỏ tỉa bộ lông màu nâu đỏ của mình. Nhưng nó không gáy, nó quyết định không làm thế trước mặt những người lạ.
"Bạn thấy đấy, nó rất căng thẳng. Vì tôi căng thẳng nên nó cũng căng thẳng. Nó thậm chí không còn gáy nữa. Nó chỉ là một chú bé", bà Corine Fesseau, chủ của Maurice, nói.
Maurice đã trở thành con gà nổi tiếng nhất nước Pháp. Ở một đất nước mà những ý nghĩa tiềm ẩn luôn được trân trọng, nó không chỉ là một con gà.
Nó trở thành biểu tượng của một cuộc xung đột lâu năm trong lòng nước Pháp, giữa những người coi vùng nông thôn là nơi để tận hưởng kỳ nghỉ dễ chịu, và những người thực sự sống ở đó.
Những giá trị Pháp cổ điển
Hai người hàng xóm đã đâm đơn kiện Maurice và chủ nó. Cũng giống như hàng nghìn người khác, họ đến Saint-Pierre-d'Oleron để nghỉ hè. Đây là thị trấn của một hòn đảo gần bờ ở phía tây nước Pháp, với đầm lầy và những ngồi làng đơn giản, nhà nhà đều sơn màu trắng như một ngôi làng Arab, rực rỡ và gọn gàng, như tiểu thuyết gia Pierre Loti đã mô tả vào những năm 1880.
Bên nguyên là một cặp đôi đã nghỉ hưu đến từ thành phố Limoges, miền Trung nước Pháp, lý do của họ là Maurice gáy quá nhiều và quá to, khiến họ mất ngủ, và họ muốn thẩm phán ra lệnh đưa Maurice đi nơi khác.
Nhưng với hàng nghìn người khác trên khắp nước Pháp, những người đã ký tên vào một bản kiến nghị để ủng hộ Maurice, đây là vấn đề liên quan đến hình ảnh dân tộc và đất nước. Con gà trống Gallic (Gô-loa) là biểu tượng bất tử của Pháp, và theo họ, nó nên được bảo vệ. Con gà có quyền được gáy, vùng nông thôn có quyền nghe những tiếng gáy đó, và những người từ nơi khác không có quyền can thiệp vào cuộc sống của người dân ở nông thôn.
Các cuộc tranh cãi chạm đến vấn đề tồn tại đã lâu của nước Pháp, đó là quá khứ nơi nền nông nghiệp được trân trọng, hình ảnh một đất nước nơi cuộc sống nông trại được đề cao và con người có những giá trị được nhìn nhận về một sự tồn tại đơn giản. Một dân biểu từ huyện Lozere đã nói với truyền thông Pháp gần đây rằng ông muốn những âm thanh gắn liền với cuộc sống nông thôn được chính thức phân loại và bảo vệ như di sản quốc gia.
Bà Fesseau, một bồi bàn đã nghỉ hưu và đang làm ca sĩ trong vùng, hoàn toàn đứng về phía Maurice: "Một con gà thì cũng cần thể hiện bản thân nó".
Thị trưởng của thị trấn tí hon, ông Christophe Sueur nhận thấy một mối đe dọa nghiêm trọng hơn.
"Chúng tôi có những giá trị Pháp cổ điển và chúng tôi phải bảo vệ chúng. Một trong những truyền thống này là có trang trại với những con vật. Nếu bạn đến Oleron, bạn phải chấp nhận điều đó", ông Sueur nói.
Vào mùa hè, dân số bình thường của đảo, khoảng 22.000 người, sẽ tăng gấp 20 lần với lượng du khách đến để nghỉ hè. Ông Sueur nhắc lại trường hợp một du khách yêu cầu dừng rung chuông nhà thờ và nói: "Một số người muốn áp đặt lối sống của họ cho những người khác".
"Có những người từ chối chấp nhận truyền thống của chúng tôi", ông Sueur nói. Thị trưởng giải thích rằng chuồng gà là thứ rất phổ biến trên hòn đảo, nơi biệt lập với "lục địa" Pháp trước khi một cây cầu được xây dựng cách đây nửa thế kỷ.
Để bảo vệ Maurice, thị trưởng đã ủng hộ việc đưa ra một sắc lệnh tuyên bố nhu cầu cần thiết phải bảo tồn những đặc tính nông thôn của Saint-Piere-d'Oleron. Biện pháp đã được thông qua và mặc dù chỉ mang tính biểu tượng, nó đặt ông Sueur ở vị trí người bảo trợ của Maurice.
"Điều này vượt lên trên cuộc tranh luận về một con gà trống, nó là cuộc tranh luận toàn diện về lối sống nông thôn, về những thứ giúp định nghĩa nông thôn", ông Thibault Brechkoff, một ứng viên cho chức thị trưởng, đã ghé thăm nhà bà Fesseau cuối tuần trước để vận động.
"Con gà trống cần được bảo vệ", ông Brechkoff nói.
Những khác biệt không thể hòa giải
Cặp đôi đến từ Limoges, ông Jean-Louis Biron và bà Joelle Andrieux đã gửi kiến nghị lên thẩm phán để yêu cầu bà Fesseau và chồng dừng "những việc phiền toái liên quan đến việc lắp đặt chuồng gà của họ, đặc biệt là bài hát của gà trống Maurice".
Họ cho rằng bối cảnh sống ở khu dân cư là môi trường thành thị, vì vậy Maurice không có quyền gáy.
New York Times nhận định "thành thị" có vẻ không phù hợp để mô tả ngôi nhà nhỏ của bà Fesseau, với cửa chớp màu xanh lá, nằm ở rìa thị trấn yên tĩnh với 6.700 dân, nơi có một nhà thờ đá dốc cao và những con phố mua sắm chật hẹp. Tiểu thuyết gia Pierre Loti nói rằng khi chết, ông muốn được chôn ở đây, "trong sự yên bình ngọt ngào của vùng quê".
Ông Biron và bà Andrieux đã thuê một nhân viên bảo lãnh chính thức của tòa án để làm chứng về việc con gà gáy, với chi phí hàng trăm USD. Trong ngày đầu tiên đến chứng kiến, người bảo lãnh đã không nghe thấy tiếng gà gáy nào. Chỉ đến ngày thứ hai và thứ ba, khi vào nhà lúc 6h30 và 7h, người này ghi lại việc Maurice có gáy.
Một nhân viên hòa giải đề nghị bà Fesseau gửi Maurice đi nơi khác trong thời gian ông Biron và bà Andrieux tới đây nghỉ hè. Nhưng bà Fesseau khẳng định: "Tôi sẽ không xa rời con gà trống của tôi!".
"Những người này đến đây và họ nói 'chúng tôi sẽ tự nhiên như ở nhà', nhưng họ không thể ra lệnh cho chúng tôi được", bà Fesseau tuyên bố.
Luật sư bên nguyên, ông Vincent Huberdeau cho biết: "Thật sự thì họ không chống lại con gà. Họ chưa hề yêu cầu con gà phải chết. Vấn đề là tiếng ồn".
Theo ông Huberdeau, thân chủ của ông mua căn nhà của họ từ cách đây 15 năm, và không có vấn đề gì cho đến khi bà Fesseau lắp đặt chuồng gà vào năm 2017.
"Mọi người nghĩ họ là những người thù địch với thiên nhiên. Nhưng mà không phải thế, họ không hề chống lại nông thôn", ông Huberdeau nói.
Bà Fesseau rất buồn vì những ngày gần đây Maurice đã không còn gáy nhiều như trước. Luật sư của Maurice cho biết chú gà có vẻ cảm nhận được sự ồn ào và trong vài tháng vừa qua "nó rất ít gáy".
Những người hàng xóm khác có vẻ đều đứng về phía Maurice.
"Tại sao phải bắt giữ một con gà trống chứ?", cô Katherine Karom, người sống ở cùng căn nhà với cặp đôi phàn nàn về tiếng ồn, cho biết.
"Nó cũng giống như bạn ở đây và yêu cầu dừng tiếng chuông nhà thờ vậy. Bạn không thể ngăn cản người khác nuôi động vật. Đây là vùng nông thôn", cô Karom cho biết.