Bộ GD&ĐT đề nghị miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên
Miễn giảm giá cước Internet là một trong các đề nghị của Bộ GD&ĐT trong văn bản ngày 7/9 gửi Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) nhằm hỗ trợ ngành giáo dục triển khai chuyển đổi số trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo (đặc biệt là cước Internet 3G, 4G). Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ TT&TT giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ internet đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.
Một đề nghị khác là Bộ TT&TT chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến xây dựng học liệu số. Bên cạnh đó là đề nghị ban hành các văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Học sinh TP.HCM học chương trình tiếng Anh tích hợp được giảm học phí đợt 1
Ngày 7/9, trả lời trên báo Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần Quản lý giáo dục và đầu tư EMG (EMG) - đơn vị thực hiện chương trình tiếng Anh tích hợp - cho biết để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh, EMG sẽ điều chỉnh học phí đợt 1 từ mức thu dự kiến 10,8 triệu đồng xuống còn 8,1 triệu đồng đối với học sinh bậc tiểu học và THCS.
Học phí đợt 1 được tính là học phí của 3 tháng học sinh theo học chương trình này. Tương ứng với đó, thời lượng tiết học mỗi tuần của học sinh tiểu học và THCS theo học chương trình tiếng Anh tích hợp sẽ là 8 tiết, trong đó 6 tiết học với giáo viên nước ngoài và 2 tiết củng cố kiến thức với giáo viên người Việt.
Cũng như các môn học khác, chương trình tiếng Anh tích hợp hiện sẽ dạy hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến.
Đại diện EMG khẳng định việc học trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng học tập và các phương thức tiếp cận bài học của học sinh. Hiện nay, EMG đầu tư bài bản cho phần mềm dạy học trực tuyến theo công nghệ giáo dục hiện đại, học sinh sẽ được trải nghiệm, tiếp cận nguồn học liệu phong phú trước và sau giờ học trực tuyến. Điều này sẽ giúp việc học trực tuyến đảm bảo chất lượng, giáo viên và học sinh tương tác tốt hơn.
Đợt điều chỉnh học phí này chỉ áp dụng với bậc tiểu học và THCS. Học phí đợt 1 chương trình tiếng Anh tích hợp của học sinh lớp 10 và lớp 11 vẫn giữ nguyên, vì ngoài đầu tư công nghệ dạy học hiện đại, EMG vẫn giữ thời lượng 15 tiết/ tuần để đảm bảo việc học sinh đạt chuẩn kiến thức thi lấy bằng phổ thông quốc tế (IGCSE).
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
TP.HCM chỉ thị khẩn về năm học mới: Hỗ trợ nhà giáo, học sinh khó khăn
UBND TP.HCM vừa có chỉ thị khẩn về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 với mục tiêu "Giáo dục TP.HCM vượt qua đại dịch, vững vàng phát triển".
Theo chỉ thị trên, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành TP và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện phối hợp với các tổ chức, đoàn thể triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với những giải pháp linh hoạt nhằm giải quyết căn bản các khó khăn, thách thức từ thực tiễn để tiếp tục giữ vững định hướng "Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế".
Trong đó, một trong những giải pháp là đồng hành với những đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài như: xây dựng chính sách không thu học phí có thời hạn; hỗ trợ đội ngũ nhà giáo; hỗ trợ cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là giáo dục mầm non; hỗ trợ học sinh về điều kiện học tập trên Internet...
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Về giáo dục mầm non, UBND TP yêu cầu ngành GD-ĐT TP chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện, sẵn sàng đón trẻ đến trường khi đảm bảo các điều kiện; phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trong thời gian trẻ chưa đến trường - qua Internet, truyền hình và các kênh phù hợp.
Mục tiêu của việc này là giúp trẻ hình thành một số kỹ năng, thói quen tự phục vụ, giữ gìn sức khỏe, vệ sinh cá nhân... Tổ chức cho trẻ 5 tuổi làm quen với việc đọc, viết nhằm giúp trẻ sẵn sàng vào học lớp 1.
Về giáo dục phổ thông, UBND TP yêu cầu các nhà trường phát huy tối đa hiệu quả của việc dạy - học trên Internet, hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ học sinh các lớp nhỏ làm quen với hình thức học tập mới; bước đầu tạo kho học liệu mở, hệ sinh thái học tập trên Internet; tiếp tục đổi mới hình thức kiểm tra - đánh giá trên nền tảng giáo dục thông minh và theo định hướng chuẩn quốc tế; quan tâm giáo dục STEM, khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, giáo dục các kỹ năng phù hợp với thực tiễn cuộc sống...
Về giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và đại học, UBND TP đề nghị các trường, trung tâm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trình độ quốc tế; phát huy hiệu quả các hoạt động liên kết đào tạo và đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp...