Có thể thấy, nghị luận xã hội là phần thi không thể thiếu trong bài thi Ngữ Văn và rất nhiều thí sinh đã mắc sai lầm nên bị mất điểm trong phần thi này. Thí sinh hãy theo dõi những lỗi thường mắc phải sau đây mà cô Vũ Hà – Giáo viên tại trung tâm HOCMAI liệt kê để có một bài thi thật xuất sắc.
Cô Vũ Hà - Giáo viên môn Ngữ Văn.
Không xác định được dạng đề bài văn nghị luận xã hội
Theo chia sẻ của cô Hà về việc đầu tiên trước khi bắt đầu làm một bài văn nghị luận xã hội là các bạn phải xác định rõ là dạng bài văn nghị luận mình cần triển khai. Bài văn nghị luận xã hội bao gồm 2 dạng bài là nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý.
Cụ thể, với đề nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống, các bạn học sinh sẽ thường thấy đề bài thường không được đặt trong dấu ngoặc kép. Đề bài thường đề cập đến các sự việc diễn ra trong cuộc sống, bao gồm các vấn đề mang tính thời sự bằng một vấn đề trên báo chí hoặc một vấn đề không trích dẫn trong ngoặc.
Đối với một bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý, các bạn học sinh có thể dễ dàng nhận ra bởi vấn đề cần nghị luận được đặt trong dấu ngoặc kép. Các vấn đề thường được xuất hiện trong bài văn nghị luận xã hội bao gồm: các danh ngôn, triết lý, quan điểm và cách làm người của các nhà tư tưởng lỗi lạc.
Chưa biết xây dựng bố cục hợp lý
Sau khi xác định được dạng bài văn nghị luận cần triển khai, các bạn cũng chưa nên bắt tay vào viết bài luôn mà hãy dành ra 3 – 5 phút để lập dàn ý. Vậy làm thế nào để xây dựng được bố cục bài văn hợp lý? Cô Hà cũng có chia sẻ với các bạn phải vạch ra các ý cần triển khai rồi sắp xếp chúng sao cho hợp lý, logic. Từ đó, các bạn loại bỏ những ý không phù hợp và bổ sung những ý còn thiếu.
Lợi ích khác của việc lập dàn ý, các bạn sẽ căn chỉnh được quỹ thời gian hợp lý cho các phần từ đó tách ý rõ ràng để khi viết bài các bạn có thể đi vào đúng trong tâm của bài, tránh lan man, dài dòng. Ngoài ra, việc lên dàn ý trước cũng giúp các bạn tránh được các lỗi như phần mở bài và thân bài bị liền với nhau hoặc tránh trường hợp các bạn không kịp thời gian để làm phần kết bài.
Chưa biết cách mở bài, kết bài và hiện tượng lặp ý, thừa ý
Một vấn đề các bạn thường xuyên gặp phải đó là không biết làm mở bài và kết bài như thế nào? Để làm tốt được phần mở bài, các bạn nên đi thẳng vào vấn đề cần cần nghị luận tránh lan man, không đúng trọng tâm và mất thiện cảm của người chấm.
Đến phần thân bài, các bạn phải triển khai phân tích và mở rộng vấn đề nghị luận. Các bạn cũng nên tránh hiện tượng ý sau lặp ý trước, ý trước bao trùm lên ý sau hoặc trình tự các ý lộn xộn, dài dòng. Để khắc phục tình trạng trên, các bạn học sinh bắt buộc phải lên dàn ý trước, đề ra những luận điểm, luận cứ cần triển khai trong bài viết.
Phần kết bài sẽ dễ dạng hơn khi các bạn chỉ cần kết thúc vấn đề đã đặt ra ở phần mở bài hoặc đưa ra khái quát cho toàn bộ vấn đề một lần nữa.
Không biết lấy dẫn chứng và phân tích dẫn chứng
Một trong những lỗi các em thường gặp phải khi làm bài văn nghị luận xã hội là không có dẫn chứng và không biết cách phân tích dẫn chứng trong bài làm. Bên cạnh các luận điểm, các lí lẽ cô Vũ Hà luôn nhắc nhở các em học sinh phải đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận xã hội. Hãy đưa 1 – 2 dẫn chứng cụ thể và xác thực vào bài viết để làm tăng tính thuyết phục, sự sinh động cho bài văn. Dẫn chứng được đưa vào bài làm thường là những dẫn chứng tiêu biểu và cần phải chính xác.
Nhiều bạn học sinh nghĩ rằng: Trong bài văn nghị luận xã hội chỉ cần nêu ra dẫn chứng là xong. Nhưng cô Hà lưu ý: Các em phải phân tích dẫn chứng để dẫn chứng ấy phục vụ vào mục đích của bài làm. Như vậy, tính thuyết phục của bài làm mới được nâng cao, bài viết mới trọn vẹn.