Các trường Đại học thay đổi phương án tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi của Bộ GD&ĐT

HHT - Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020 theo một số phương án cụ thể, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương.

Tổ chức hai đợt thi, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thí sinh

Theo đó, TP. Đà Nẵng và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam (bao gồm TP. Hội An, TX. Điện Bàn, H. Đại Lộc, H. Quế Sơn, H. Duy Xuyên và H. Thăng Bình) đang thực hiện cách ly xã hội sẽ lùi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vào thời điểm thích hợp do địa phương đề xuất khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi.

Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch đã đề ra (từ ngày 8 - 10/8), và phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của  Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, các thí sinh thuộc diện F1, F2 (tiếp xúc với bệnh nhân) trong cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với các thí sinh của TP. Đà Nẵng và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam.

Thí sinh diện F0 (là bệnh nhân) sẽ được xét đặc cách theo quy chế thi của Bộ.

Các trường Đại học thay đổi phương án tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi của Bộ GD&ĐT ảnh 1 Ảnh minh họa: Internet

Liên quan đến việc xét tuyển đại học, dự kiến hôm nay (4/8), Bộ GD-ĐT sẽ ra văn bản chính thức về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, đồng thời có văn bản gửi các trường đại học để có phương án tuyển sinh phù hợp với 2 đợt thi. Bộ khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và công tác tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, trên tinh thần tự chủ đại học.

Các trường đại học thay đổi phương án xét tuyển

Một số trường đại học trên cả nước đã dự tính những phương án tuyển sinh phù hợp với phương án thi mới được đưa ra.

Theo PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay trường phải thực hiện điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng phù hợp hơn với sự cho phép của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM.

Theo đề án tuyển sinh cũ, dù xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng trường vẫn quy định điều kiện đăng ký chung cho tất cả các ngành là xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên năm lớp 12, đầy đủ sức khỏe để theo học ngành đăng ký. Riêng các ngành y khoa, dược học và răng - hàm - mặt, thí sinh còn phải có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) tối thiểu 7,0. “Nếu phải chuyển sang xét học bạ, có thể thí sinh vẫn phải đạt đủ kiều kiện này trước khi nộp hồ sơ”, ông Xuân cho biết.

Phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (ngoài diện xét tuyển ưu tiên) vẫn chờ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp (30 - 60% chỉ tiêu) và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức (30 - 70% chỉ tiêu).

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết kỳ thi tổ chức 2 đợt, kế hoạch xét tuyển sẽ tùy thuộc vào thời gian tổ chức. Nếu 2 đợt thi gần nhau và tổ chức đợt tuyển sinh chung thì mọi việc bình thường. Nhưng 2 đợt thi và đợt tuyển sinh khác nhau, trường sẽ tính toán tỷ lệ chỉ tiêu còn lại cho đợt 2 để tạo cơ hội cho thí sinh.

Các trường Đại học thay đổi phương án tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi của Bộ GD&ĐT ảnh 2 Nhiều trường đại học dự kiến sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh bám sát kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh ở cả 2 đợt thi. (Ảnh minh họa: Intenet)

Với các trường ở khu vực phía bắc, TS Nguyễn Đào Tùng - phó giám đốc Học viện Tài chính, cho biết nếu đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT trường đã tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, học viện sẵn sàng xin Bộ GD&ĐT cơ chế lấy vượt chỉ tiêu 5 - 10% để tuyển thêm những học sinh thi đợt 2, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. 

Trong khi đó, Trường ĐH Ngoại thương hiện đã chuẩn bị một số kịch bản cho mùa tuyển sinh năm nay, trên tinh thần vẫn bám sát theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Trường hiện đã yêu cầu thống kê số lượng thí sinh từ Đà Nẵng, Quảng Nam đang học tại trường để có thể dự đoán chỉ tiêu tuyển sinh. “Tỉ lệ học sinh từ những tỉnh thành này đăng ký dự thi vào trường rất ít nên chắc không có gì quá phức tạp", PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn chuẩn bị phương án dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong trường hợp không thi được vì dịch bệnh thì sẽ xét tuyển hồ sơ, năng lực của thí sinh. 

Các trường Đại học thay đổi phương án tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi của Bộ GD&ĐT ảnh 3
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Từ năm học này sẽ không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến, xếp loại thay đổi thế nào?

Từ năm học này sẽ không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến, xếp loại thay đổi thế nào?

HHT - Những năm học trước, các trường dạy cả Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình 2018 thì việc xếp loại còn lẫn lộn ở các mức: Giỏi, Trung bình, Yếu, Kém. Nhưng bắt đầu từ năm học này, Chương trình GDPT 2018 đã áp dụng đồng loạt ở các khối lớp. Vì thế, tên gọi trong xếp loại học lực học sinh cũng thay đổi để đồng nhất.