Đinh Hòa (24 tuổi, chủ cửa hàng áo cưới) than phiền mình nhiều lần “cạn lời” với cách một số bạn trẻ ngày nay đi xin việc. Trong một lần tuyển người phụ việc part-time, Hòa nhận được 12 hồ sơ xin đến làm, phần lớn trong độ tuổi 18-22.
Tới ngày hẹn phỏng vấn, cô bị tới 6 ứng viên cho “leo cây”, 2 người khác thì đến muộn.
“Thực sự là công việc mình cũng không yêu cầu cao nhưng những việc như đến muộn hay không tới được cũng chẳng báo làm mình khá buồn”, Hòa kể.
Trong số những người còn lại, Hoà chọn một cô gái 20 tuổi, khá lễ phép và nhanh nhẹn tên Mai.
Ở 2 tuần đầu làm việc, nữ nhân viên tỏ ra khá tháo vát. Tuy nhiên, đến ngày đầu tuần làm việc thứ 3, Hoà “ngã ngửa” khi đến cửa hàng không thấy nhân viên đâu.
Gọi điện cho Mai, cô đáp gọn lỏn: “Chị ơi, mẹ em mới xin cho em vào làm ở chỗ khác rồi ạ, em quên mất không báo lại với chị. Em xin lỗi chị nha”.
Vì sự nghỉ việc đột ngột của cô nhân viên, Hoà phải nhờ người nhà ra cửa hàng phụ giúp và khá chật vật trước khi tìm được người làm mới.
“Em ấy muốn nghỉ thì mình không có ý kiến nhưng ít ra nên báo trước một thời gian để mình còn biết mà tìm người thế chứ”, Hoà nói.
Sau lần đó, “nghỉ báo trước ít nhất một tuần” được cô đưa vào quy định cho nhân viên cửa hàng.
Việc nhân viên bỗng một ngày “bốc hơi”, nghỉ việc không lý do không còn là câu chuyện hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới.
Tình trạng này có thể bắt gặp ở ngay cả những người đã nhận được thư mời làm việc, đồng ý gia nhập công ty. Ở khâu phỏng vấn, số lượng người chọn cách im lặng, không phản hồi lại doanh nghiệp, còn đông đảo hơn.
65% các nhà tuyển dụng tại Mỹ chịu cảnh ứng viên ban đầu chấp nhận lời mời làm việc, trước khi đột nhiên mất tích ngay trước ngày chính thức bắt đầu đi làm, theo khảo sát của công ty tuyển dụng Randstad US.
Trong đó, số lượng người trẻ thế hệ Z (sinh từ năm 1997 trở đi) chọn phương án này chiếm phần đông.
43% số lao động từ 22 tuổi trở xuống cho biết họ chấp nhận chỗ làm mới rồi hủy ngang không lý do. Con số giảm xuống 26% ở những người trong độ tuổi từ 23-38 và ở mức 13% với thế hệ trên 40 tuổi.
Các chuyên gia cho hay tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp tại Mỹ là lý do khiến nhu cầu nghỉ làm, nhảy việc tăng cao.
“Quyền lực đang nằm ở trong tay nhân viên khi họ biết rằng mình có nhiều lựa chọn hơn. Điều này cũng giúp người lao động ra các điều kiện có lợi hơn khi đàm phán hợp đồng”, Jim Link, giám đốc nhân sự của RandStad US cho hay.
Theo ông Link, hiện tượng này không chỉ diễn ra ở các nước phương Tây. Tại Singapore và Hongkong, tình trạng tương tự cũng xảy đến khi người lao động dễ dàng đạt được mức thu nhập cơ bản và đề cao mức độ thỏa mãn trong công việc.
Từ đột ngột biến mất đến giả chết để nghỉ việc
Thu Huyền (22 tuổi, freelancer) thú nhận từng chọn cách thức im ỉm nghỉ làm, tự động rút lui khỏi công việc một vài lần khi còn là sinh viên năm nhất, năm hai.
Đam mê theo đuổi ngành truyền thông, Huyền ứng tuyển vị trí viết content tại một công ty nhỏ. Song, cô bạn nhanh chóng rơi vào trạng thái chán nản vì môi trường làm việc không đáp ứng kỳ vọng.
“Công việc ban đầu của mình là sản xuất nội dung nhưng sếp bắt mình làm nhiều hơn thế, từ thiết kế đến quản lý các fanpage, nhóm nọ nhóm kia trên mạng xã hội. Chừng ấy công việc mà mức lương chỉ 1,5 triệu một tháng làm mình chóng oải”, Huyền cho hay.
Cảm giác không được nhìn nhận, trân trọng đúng mức với những gì mình bỏ ra khiến Huyền quyết định “dứt áo ra đi” mà không một lời từ biệt.
Lần khác, Huyền ứng tuyển vào vị trí thực tập tại một công ty truyền thông. Kế hoạch học hỏi kinh nghiệm ban đầu không thành khi người hướng dẫn cô bạn nghỉ việc, “để lại mình bơ vơ mà chẳng được giao việc gì làm”.
Một lần nữa, Huyền chọn cách rút lui, không đến chỗ làm, coi như mình không còn là nhân viên của công ty dù trong lòng vẫn day dứt, đắn đo vì cách mình xử lý mọi chuyện.
Giờ nghĩ lại, Huyền cho biết chọn lựa ngày ấy của mình không sai, nhưng “hành động như vậy thì không đúng”. 9X nói cũng may sau đó, cô không còn mối quan hệ nào với các chỗ làm cũ nữa.
Chris Yoko, giám đốc một doanh nghiệp chuyên thiết kế website ở Nhật Bản, từng có trải nghiệm tuyển dụng khó quên.
“Anh ta trông khá tử tế và có nguyện vọng gắn bó lâu dài. Ban đầu, tôi giao cho người mới đến một vài nhiệm vụ cơ bản. Song qua một tuần, anh ta thậm chí còn chẳng đến nơi làm việc”, Yoko nhớ lại.
Mọi nỗ lực của Yoko trong việc liên lạc với người nhân viên đều không đem lại kết quả. Cuối cùng, công việc buộc phải giao cho người khác.
Sau đó, một người tự xưng là bạn của anh chàng cho biết bạn mình đã thiệt mạng trong tai nạn xe hơi và muốn xin đơn hoàn thuế cho gia đình.
Nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện, Yoko kiểm tra tài khoản mạng xã hội của người nhân viên.
Thực chất, không sự cố nào xảy ra và anh chàng bỗng “bặt âm vô tín” kia đang thoải mái tận hưởng việc đi du lịch bên người thân với một loạt hình ảnh vui vẻ được đăng tải trên mạng.
“Không thích thì bỏ qua” như hẹn hò trên mạng
Năm 2018, theo báo cáo của Cục Dữ trự Liên bang Mỹ, càng ngày càng nhiều lao động biến mất mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Hiện tượng này được các chuyên gia so sánh với việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Tinder.
Người dùng có thể dễ dàng “quẹt trái, quẹt phải” để tìm đối tượng cho mình và nếu không thích, họ cứ thế lẳng lặng bỏ đi mà không cảm thấy ràng buộc trách nhiệm.
Yuichiro Okazaki và Toshiyuki Niino là những người rất rành về nghỉ việc. Thực chất, hai người đàn ông là đồng sáng lập của Senshi S, công ty chuyên dịch vụ hỗ trợ các lao động Nhật Bản có thể nghỉ việc theo cách “dễ thở” nhất.
Trong gần 2 năm vận hành, công ty này đã giúp 1.500 trường hợp muốn nghỉ việc. Với mức phí 50.000 yen (gần 460 USD), Senshi S sẽ nhấc máy gọi điện cho sếp của khách hàng và nói hộ nguyện vọng.
“Phần đông sợ phải nói chuyện trực tiếp với cấp trên. Họ tin rằng sếp sẽ thẳng thừng từ chối lời đề nghị rút lui. Nguyên nhân của lối nghĩ này xuất phát từ quan niệm nghỉ việc là hành động tồi tệ ở Nhật. Mọi người nhìn vào và sẽ nghĩ bạn là người không ra gì”, anh Yuichiro cho hay.
Tại đất nước mặt trời mọc, có khoảng 30 doanh nghiệp cũng đang kinh doanh dịch vụ xin nghỉ việc hộ. Tư tưởng gắn bó trung thành với một công ty cả đời đã trở nên lỗi thời, thay vào đó người trẻ Nhật Bản muốn thử nghiệm nhiều môi trường khác nhau.
“Quan niệm của người trẻ đổi thay nhưng văn hóa công sở vẫn duy trì nếp nghĩ cũ. Đó là lý do vì sao có nhiều người phải nhờ đến chúng tôi giúp đỡ”, anh Yuichiro giải thích.
Tuy nhiên, cách thức nghỉ việc kỳ lạ này không phải lúc nào cũng được chấp thuận.
Với các vị sếp khó tính, cần nhiều hơn một cuộc gọi để thuyết phục mới kết thúc được hợp đồng. Nhiều công ty không đồng ý xin nghỉ việc hộ và yêu cầu đến trực tiếp nói chuyện.
Thiếu tôn trọng, không chuyên nghiệp
Người trẻ thuộc thế hệ Z dễ dàng bỏ việc một phần do gánh nặng tài chính với gia đình đã nhẹ bớt so với các thế hệ trước. Nếu cảm thấy không được trả lương tương xứng, họ nhanh chóng “dứt áo ra đi”, không do dự.
Nhiều người cho rằng nghỉ việc khi cảm thấy công việc không phù hợp không sai. Tuy nhiên, cách xin nghỉ sao cho lịch sự mới là điều đáng nói.
Zach Keel, làm nghề phục vụ ở Austin (Texas, Mỹ), chỉ đơn giản gọi điện xin nghỉ việc. Công việc ở một rạp chiếu phim khiến anh thấy ngột ngạt khi anh luôn phải làm nhiều hơn những gì thuộc phạm vi của mình.
“Tôi không xuất hiện trở lại tại nơi làm việc lần nào nữa. Tôi cũng không cảm thấy tội lỗi về điều đã làm. Thiếu tôi, rạp phim vẫn làm ăn tốt”, chàng trai 26 tuổi nói.
Khi được hỏi ý kiến về việc nhiều người trẻ “bùng” phỏng vấn trước giờ hẹn, đi làm vài bữa rồi nghỉ, Thu Hà (21 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương), cho rằng “chỉ những người thiếu suy nghĩ mới làm trò bỏ bom vậy”.
Từng đi ứng tuyển và làm việc tại một số nơi, Hà cho biết nếu có thấy chán nản, không thoải mái với công việc, cô cũng sẽ chọn cách từ chối, rút lui lịch sự.
Cô cũng cho hay mạng lưới quen biết giữa những người làm mảng nhân sự rất rộng và dễ dàng móc nối với nhau. Vì vậy, chỉ cần một lần sơ suất có thái độ không tốt, ứng viên có khả năng nhanh chóng bị đưa vào “black list”.
Mặt khác, Hà coi việc chuyên nghiệp khi đi xin việc là cách gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, ngay cả khi không có cơ hội “đầu quân” về công ty họ.
Chính cô bạn từng trải qua chuyện xin việc thất bại, nhưng người phỏng vấn có thiện cảm nên đã gửi hồ sơ qua vị trí khác để tiếp tục ứng tuyển.
“Nếu người đi xin việc có những hội trên Facebook để ‘bóc phốt’ những chỗ tuyển dụng thiếu minh bạch thì không lý do gì những người làm nhân sự lại không có danh sách ‘đen’ cho các ứng viên hành xử thiếu tôn trọng cả”, Thu Hà kết luận.
Theo chuyên viên tuyển dụng Chris Gray, khi nhân viên tự dưng biến mất và bỏ việc, các công ty thường sẽ chẳng mất thời gian tìm họ mà sẽ kiếm người mới.
"Điều đó thực sự thiếu chuyên nghiệp. Tôi khuyến nghị mọi người, bất kể là sếp hay nhân viên, đừng bao giờ biến mất đột ngột như vậy chỉ vì bạn muốn nghỉ việc", giám đốc nhân sự Dawn Fay của hãng Robert Half nói.
Không chỉ những người quản lý phê bình vấn nạn này, bỗng chốc nghỉ việc không lý do còn gây khó chịu cho các đồng nghiệp xung quanh.
“Tôi không bao giờ hành xử thiếu tôn trọng như vậy và tin rằng mình sẽ không bao giờ làm như thế”, Avril Coelho, nhân viên tại một cửa hàng y tế tại London (Anh), bày tỏ.
Caleb Papineau - Giám đốc một công ty chuyên về khảo sát thị trường lao động - cho biết khi lao động bỏ việc mà không báo trước, đó thường là biểu hiện của mối quan hệ không tốt giữa sếp và nhân viên.
"Thôi việc đột ngột gây ra hệ quả cho cả cấp trên và cấp dưới. Nhân viên cảm thấy không được lắng nghe và bị đánh giá thấp đến mức không có lựa chọn nào khác ngoài ra đi chóng vánh”, ông Caleb phân tích.
Vị giám đốc đề nghị cách khắc phục tình trạng này nằm ở chỗ cả sếp lẫn người làm nên dành thời gian để trò chuyện thay vì quyết định vội vàng, để cảm xúc lấn át.
"Lên kế hoạch rõ ràng, thể hiện độ chuyên nghiệp và đừng cắt đứt mối quan hệ nếu không cần thiết”, ông Caleb cho hay.