Tìm việc làm sau khi ra trường là một quá trình rất chi là xì-trét. Nó có nghĩa là bạn sẽ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu kỹ năng phỏng vấn, kiểm tra đi kiểm tra lại hồ sơ lý lịch cá nhân, thậm chí còn phải tập diễn trước gương tư thế ngồi, cách đặt tay và cả kiểu mỉm cười nữa. Tất cả chỉ nhằm mục đích tạo ấn tượng tốt ngay từ cái nhìn đầu tiên và cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn có cái mà họ cần. Bạn phải cạnh tranh với hàng trăm (thậm chí hàng nghìn) sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, với số điểm tổng kết gần như nhau, kinh nghiệm công việc part-time tương tự nhau và những sở thích ngoại khóa cũng giống nhau nốt (thì ai chẳng muốn “vẽ” nên một hồ sơ cá nhân “đẹp” nhất).
1. Công ty đầu tiên mà bạn chọn vừa gửi tin mời bạn đến dự phỏng vấn. Bạn đã có mặt rồi đây. Người ta gọi bạn vào một phòng họp và bạn nhìn thấy không phải một người mà nguyên một nhóm đang chờ “hỏi cung” bạn. Độ tuổi trung bình của họ là khoảng bao nhiêu?
2. Buổi phỏng vấn diễn ra rất nghiêm túc và kỹ lưỡng với những câu hỏi từ siêu đơn giản, chỉ mang tính “làm quen” đến những câu rõ ràng có tính chất “khai thác” hoặc “bẫy”. Bạn “vượt ải” ngon lành tất cả các câu, ngoại trừ một câu đặc biệt đã để lại ấn tượng rất mạnh. Đó là câu hỏi nào?
3. Đến khi bạn cảm thấy ổn ổn, kín đáo thở ra nhè nhẹ, và gần như chắc cú rằng công việc có vẻ như đang ở trong tầm tay, thì một vị trong Ban phỏng vấn bắt đầu quay sang nói về những điểm yếu và sở đoản của bạn. Vị đó đã kê ra những đặc điểm gì vậy?
4. Đêm đó, điện thoại reo vang. Oa, đó là cuộc gọi của Giám đốc nhân sự chính thức mời bạn về làm việc. Bạn đã nói gì lúc đó?
Giải mã ngay nhé!
Xin chúc mừng - bạn đã được tuyển. Có việc làm là một điều hết sức vui mừng. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa là bạn đang đứng trước một loạt nhiệm vụ và thách thức mới. Có thể nói đây là một trong những quyết định quan trọng nhất có thể khiến cuộc sống của bạn thay đổi, nó gần giống như giao phó chính bạn cho một người khác. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa công việc và các mối quan hệ, sự liên quan giữa kỳ vọng và trách nhiệm, sự cần thiết của làm việc theo nhóm và cả sự hi sinh…
Rồi, rồi, không cần… ngáp đâu, câu chuyện tiếp theo không hề khô khan như bạn nghĩ. Mà, câu trả lời cho tình huống này của bạn sẽ tiết lộ mong muốn và hi vọng của bạn về… sự lãng mạn và tình yêu. Thú vị chưa nào? Đáp án như này nhé!
1. Độ tuổi trung bình của Ban tuyển dụng chính là độ tuổi lý tưởng nhất mà bạn muốn ở “gà bông” của mình. Mỗi buổi phỏng vấn không chỉ là cơ hội để bạn gây ấn tượng, mà còn bị ấn tượng trở lại. Đa số mọi người lựa chọn “gà bông” lý tưởng bằng tuổi, hoặc hơn/ kém ít thôi. Nếu bạn chọn “gà bông” hơn (rất) nhiều tuổi thì hẳn là bạn là người chững chạc hơn tuổi và khá có kinh nghiệm trong “tình trường”.
2. Câu hỏi cứ dính lấy tâm trí bạn chính là câu hỏi trong thâm tâm bạn thực sự muốn hỏi “gà bông” của mình.
“Tại sao bạn lại chọn công ty này” - Tất cả chúng ta đều muốn hỏi “Vì sao anh/ em lại chọn em/ anh?”.
“Hãy nói cho chúng tôi biết sở thích và những điều bạn quan tâm”. Dịch ra thành “Anh/ em thường làm gì khi không có em/ anh ở bên?”.
3. Danh sách những thiếu sót của bạn chính là những điều “gà bông” của bạn mong muốn bạn làm. Khiếm khuyết, dù to cỡ nào, một khi đã được bản thân bạn tự nhận ra thì tự nó đã giảm đi rất nhiều khả năng “đeo bám”. Bạn đã có thể gọi tên chúng thì cũng có nghĩa là bạn có thể biến chúng từ sở đoản thành sở trường, hoặc ít nhất là khắc phục chúng, “lấp” bớt chúng.
- “Bạn quá cả tin” - Sự tin tưởng (đúng mức) có thể đem đến sức mạnh bất ngờ cho người khác.
- “Bạn chưa đủ chủ động” - Bạn là người dễ tính, dễ sống và cũng dễ yêu.
- “Bạn quá thiếu kinh nghiệm” - Bạn có thể đem đến cho “ai kia” cảm giác tươi mới và nhẹ nhõm.
4. Câu trả lời của bạn dành cho cú điện thoại của Giám đốc nhân sự sẽ tiết lộ cách bạn phản ứng với lời… cầu hôn (hihi, ngại quá).
- “Thật ạ? Anh không đùa đấy chứ ạ? Tuyệt quá! Tôi rất mong được làm việc ngay lúc này.” Bạn có vẻ hơi bồng bột và duy cảm một chút. Phản ứng của bạn dễ khiến người ta cảm thấy đám cưới có vẻ chỉ là một chuyện vui vui bốc đồng.
- “Tôi muốn suy nghĩ thêm một chút trong vài ngày”. Bạn có phản ứng khá khôn ngoan và cẩn trọng. Không có lý do gì để nhảy cẫng lên một cách lộ liễu. Dù sao, kết hôn là cả một cam kết lớn. Cho nên, bạn càng điềm tĩnh bao nhiêu thì cam kết của bạn càng có giá trị bấy nhiêu.
- “Ồ, tôi cũng nhận được một vài đề nghị khác nữa. Tôi sẽ cân nhắc thêm một chút và trả lời sau ạ”. Oài, cẩn thận đấy, cách này có vẻ thiếu nhiệt tình và người ta hoàn toàn có khả năng đã có sẵn “phương án thay thế”.
PINK-PINK