"Cải lão hoàn đồng" làng gốm 500 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Từ bé em hay theo ba mẹ vào lò gốm, chân tay lúc nào lấm lem bùn đất. Lớn lên chút thì học theo cách ba mẹ vọc đất, chuốt nặn gốm rồi mê lúc nào không hay. Đến giờ, gần cả chục năm gắn bó với nghề nhưng mỗi khi sản phẩm làm xong, ngắm nghía thành phẩm vẫn mang lại cảm xúc, niềm vui kì lạ”, Nguyễn Viết Lâm (26 tuổi, ở phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) chia sẻ.

Có tình yêu nghề, lại là “con nhà nòi” với 6 đời làm gốm ở làng nghề Thanh Hà, Lâm lĩnh hội được kiến thức, kinh nghiệm của các nghệ nhân truyền lại, cộng thêm tư duy linh hoạt, nhạy bén khiến chàng trai phố Hội thành công.

Truyền nhân đời thứ 6

Lâm nói mình may mắn khi sinh ra trong gia đình có nhiều đời làm gốm truyền thống, cậu là thế hệ thứ 6 kế nghiệp. Ánh mắt chàng trai trẻ đầy "lửa" khi kể về làng gốm trứ danh Thanh Hà nơi mình sinh ra. Những thế hệ tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi, trong đó có bà cố nội là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được.

"Cải lão hoàn đồng" làng gốm 500 tuổi ảnh 1

Vợ chồng người thợ trẻ vẫn ngày ngày cần mẫn chế tác gốm

Ngôi làng nhỏ nằm bên dòng Thu Bồn giờ đây không còn lạ đối với du khách tham quan. Du khách đến đây không khỏi trầm trồ, dõi theo bàn tay nghệ nhân điêu luyện, “hô biến” những cục đất sét thô kệch thành những sản phẩm gốm tinh xảo.

Bằng niềm tự hào ấy, chàng trai quyết tâm theo đuổi, học nghề nối nghiệp cha ông. Quy trình làm đồ gốm qua 5 công đoạn cơ bản gồm thấu đất, chuốt gốm, trang trí hoa văn, tráng men và nung gốm. Khâu nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết do đó nếu không thực sự yêu nghề thì rất dễ bỏ cuộc. Nhưng với Lâm, được tìm tòi, chế tác ra những sản phẩm gốm luôn cho cậu những cảm xúc đặc biệt.

Ngày mà cậu con trai quyết định chọn theo nghề làm gốm - lúc ấy năm 2015, khi Lâm vừa tốt nghiệp THPT, vợ chồng ông Nguyễn Viết Sơn (bố Lâm) nửa mừng nửa lo. Mừng vì có người nối nghiệp, nhưng lo lắng bởi nghề gốm đòi hỏi thử thách lớn về tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, thực sự tâm huyết có thực sự phù hợp với cậu con trai mới lớn? Nhưng năm tháng trả lời khi Lâm dần chứng tỏ bản thân và tình yêu nghề. Những sản phẩm do cậu chế tác hoàn thiện dần, ngày một tinh xảo hơn, được khách hàng đón nhận. Lâm cũng không ngại thử thách bản thân với những dòng gốm, mẫu mã sản phẩm đòi hỏi cầu kì, sáng tạo. Có cơ hội, Lâm lại đi các nơi để học hỏi thêm kinh nghiệm.

"Cải lão hoàn đồng" làng gốm 500 tuổi ảnh 2
"Cải lão hoàn đồng" làng gốm 500 tuổi ảnh 3
"Cải lão hoàn đồng" làng gốm 500 tuổi ảnh 4

Một trong số sản phẩm gốm độc đáo của Lâm trưng bày tại cơ sở sau khi hoàn thành Ảnh: Hoài Văn

Đồng hành với chàng trai trẻ, cô vợ Trần Thị Tuyết Nhung cũng hết lòng cùng chồng phát triển nghề làm gốm. 8 năm từ khi về làm dâu, Nhung cũng nhanh chóng tiếp cận được kỹ thuật cơ bản về làm gốm. Hết vọc đất, chuốt gốm lại phụ tráng men, hong phơi hoàn tất sản phẩm.

Chế tác độc bản nhờ hồi sinh men gốm cổ

Mê gốm, Lâm tìm hiểu kỹ những tài liệu liên quan, lắng nghe câu chuyện của những nghệ nhân lớn tuổi trong làng. Xưa, gốm Thanh Hà có nhiều loại như gốm men, gốm sành, gốm không tráng men, gốm đỏ. Thời hưng thịnh, lò gốm trong làng luôn đỏ lửa sáng đèn để kịp những chuyến hàng ngược xuôi phục vụ người tiêu dùng. Các nghệ nhân trong làng với tay nghề tinh xảo đã chế tạo gốm, ngói tráng men màu được sử dụng để tu bổ kinh thành Huế vào năm 1959. Tuy nhiên, qua thời gian gốm tráng men dần biến mất bởi những tác động của thời cuộc, thị hiếu thị trường.

Bà cố nội của Lâm - người dành trọn tâm huyết một đời làm gốm vẫn luôn khắc khoải điều này. Trước khi nhắm mắt, ngoài truyền dạy cho thế hệ sau những bí kíp lưu truyền nghề, cụ dặn dò con cháu cố gắng tìm, phục dựng lại dòng gốm men. “Theo lời của bà cố rằng, gốm Thanh Hà vốn có 3 dòng sản phẩm là gốm đỏ, gốm sành và gốm men, trong đó kỹ thuật làm gốm men khó nhất nhưng giá thành cao, ít người mua nên thất truyền. Lời dặn của bà làm động lực để hai ba con cố gắng phục dựng lại kỹ thuật tinh hoa này”, Lâm chia sẻ.

Tò mò về dòng gốm men độc đáo, Lâm tìm gặp các nghệ nhân lớn tuổi để tìm hiểu, tập hợp thêm những thông tin làm “cẩm nang” rồi về mày mò làm thử. Lâm cũng tìm ra Huế để tìm kiếm thêm thông tin về dòng gốm men thất truyền.

Thấy chàng trai trẻ mê gốm, những người bạn Nhật Bản giới thiệu, truyền dạy quy trình, kỹ thuật làm gốm men trứ danh của xứ sở Phù Tang. Cùng với kiến thức về gốm truyền thống được gia đình trao truyền, Lâm tự tạo cho mình một “cẩm nang”, tìm ra công thức phù hợp tạo nên chất men cho sản phẩm gốm giống như người xưa của làng Thanh Hà từng làm.

Công thức người thợ trẻ Nguyễn Viết Lâm đã dày công tìm hiểu, mày mò phục chế chất men đặc biệt được pha chế từ vỏ nghêu, tro, hóa chất, lá cây... với tỉ lệ phù hợp cho ra những màu sắc tuyệt đẹp “không đụng hàng”. Ngoài ra, khâu tạo men và tráng men cũng phải được vận dụng hết sức tỉ mỉ, khéo léo để khống chế độ mịn. Vì nếu nghiền men quá thô thì gây nhám bề mặt nhưng quá mịn thì dễ bị cuốn hoặc làm bong men.

“Nguyễn Viết Lâm là một trong những trường hợp điển hình về một lớp trẻ kế thừa và thêm sức sống mới cho nghề truyền thống. Lâm đã sáng tạo trên nền gốm truyền thống. Men gốm mà Lâm phục hồi được phù hợp với sản phẩm gốm thô, gốm đỏ truyền thống của Thanh Hà, đồng thời lại sáng tạo ra những mẫu mã sinh động chứ không chỉ là gốm gia dụng như trước đây đã giúp nâng sản phẩm gốm lên thành mỹ thuật, mở ra hướng đi cho nghề gốm Thanh Hà. Quan trọng hơn nữa là những thợ trẻ như vậy đã đã truyền cho bạn trẻ khác niềm đam mê với nghề truyền thống”. Ông Nguyễn Văn Lanh Phó Chủ tịch UBND TP Hội An

Lò gốm Sơn Thúy của gia đình Lâm cũng là cơ sở hiếm hoi ở Thanh Hà phủ men cho gốm. Các dòng gốm tráng men được sử dụng trong nhóm đồ lưu niệm, trang trí... Bằng việc tạo nên những sản phẩm độc đáo, tiếng lành đồn xa, khách tìm về đặt hàng ngày một nhiều. Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, vận dụng công nghệ, xu hướng thương mại điện tử, Lâm cũng tạo ra những kênh riêng để kết nối với khách.

Cơ sở hiện có hơn 200 mẫu mã thuộc dòng gốm men. Mỗi tháng hàng trăm sản phẩm bán khắp cả nước và được khách quốc tế đến tham quan mua sắm. Đặc biệt những bình hoa gốm thủ công được nhiều thực khách ưa chuộng.

“Các công đoạn đều được làm thủ công, do đó đòi hỏi người thợ ngoài sự khéo léo thì làm sao tác phẩm có hồn. Ngoài ra, việc sử dụng men gốm cổ giúp em tạo ra những tác phẩm độc bản. Giới sành chơi gốm thường săn những sản phẩm này”, Lâm cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay, trong hướng phát triển của thành phố luôn ưu tiên hướng đến lớp trẻ. Mới đây khi trở thành thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Trong tiêu chí của thành phố sáng tạo, UNESCO luôn chú ý và khuyến cáo, kiến nghị là nên tập trung cho tài năng trẻ, lực lượng trẻ, ươm mầm sáng tạo từ lớp trẻ là một trong những nội dung quan trọng.

MỚI - NÓNG