Bước 1: Hiểu và đánh giá khả năng đọc hiện tại của bạn
Trước khi có thể cải thiện khả năng đọc hiểu, thì bạn cần biết được những hạn chế mà mình đang có. Bởi vì “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” mà! Bạn hãy bắt đầu bằng cách chọn những đoạn trích từ các nguồn khác nhau, đặc biệt là những nguồn mà bạn không quen đọc - ví dụ như trong sách, tiểu thuyết, tin tức, bài luận… - rồi đọc chúng. Trong lúc đọc, hãy để ý xem đến khi nào thì sự tập trung, năng lượng, và khả năng hiểu của bạn bắt đầu giảm nhé!
Nếu khả năng tập trung và hiểu nội dung của bạn bắt đầu đi xuống sau một mức thời gian nhất định, bạn hãy từ từ xây dựng từ điểm đó. Ví dụ, nếu bạn thường mất tập trung và thấy đầu óc mệt mỏi sau khoảng 5 phút đọc, hãy ghi lại và cố gắng tăng dần thời lượng đó lên, thay vì cố ép mình ngồi đọc tiếp suốt 30 phút. Lần đọc tiếp theo, bạn hãy đọc ở mức khả năng của mình (5 phút) và nếu được thì cố thêm 2 phút nữa chẳng hạn (thành 7 phút), rồi nghỉ.
Lúc khác, bạn hãy thử đọc trong 10 phút. Nếu thấy 10 phút là quá sức, bạn lại lùi xuống còn 8 - 9 phút thôi, để khi nào thấy có thể đọc hiểu thoải mái trong khoảng thời gian đó thì hãy tăng lên tiếp. Bạn hãy nhớ rằng, sự cải thiện sẽ đến dần dần theo thời gian, có ép vội cũng không được đâu!
Tất nhiên, thời gian không phải là yếu tố duy nhất trong việc đọc hiểu. Vậy thì bạn xem bước tiếp theo nhé!
Bước 2: Cải thiện vốn từ vựng
Việc đọc hiểu phụ thuộc vào sự kết hợp của từ vựng, ngữ cảnh và sự tương tác của các từ ngữ. Trong đó, vốn từ vựng là vô cùng quan trọng, vì bạn cần hiểu từng “mảnh nhỏ” trước khi hiểu cả đoạn nội dung chứ!
Nếu không hiểu một từ cụ thể, thì đôi khi, bạn có thể đoán nghĩa của nó qua ngữ cảnh (cách mà từ đó được dùng trong câu hoặc đoạn). Nhưng khi đọc ở nhà, tốt nhất là bạn nên ghi lại, tra từ điển và cố gắng ghi nhớ, để tránh tốn thời gian loay hoay suy đoán khi đi thi.
Với những từ gặp nhiều lần mà vẫn không nhớ được nghĩa, bạn nên làm thành flashcard (thẻ học - miếng bìa với một mặt là từ tiếng Anh, một mặt là từ tiếng Việt hoặc hình vẽ thể hiện từ đó) để học cho dễ. Các thầy cô khuyên rằng bạn nên dành ít nhất là 2 - 3 lần/ tuần, mỗi lần 15 phút để ôn tập từ vựng đấy!
Thêm nữa, để lưu giữ được từ vựng trong trí nhớ của mình, bạn cần kết hợp cả việc ghi nhớ có luyện tập (như là học qua các flashcard hoặc ứng dụng học tiếng Anh) và việc sử dụng những từ đó trong câu (nói và viết). Cho nên, việc thầy cô bảo bạn đặt câu với một số từ mới chính là giúp bạn nhớ ý nghĩa của chúng thật lâu đấy!
Bước 3: Đọc giải trí
Cách tốt nhất để “nâng trình” đọc hiểu của bạn chính là luyện tập. Và cách tốt nhất để luyện tập chính là… chơi mà học! Bạn hãy coi việc đọc tiếng Anh là một hoạt động giải trí thay vì một công việc. Khi bạn đọc với sự hứng thú, thì khả năng đọc hiểu của bạn sẽ được cải thiện một cách tự nhiên.
“Bí kíp” ở đây là ban đầu, bạn nên đọc những nội dung phù hợp với sở thích, nhưng hơi dưới tuổi và dưới mức học của mình một chút (đặc biệt là nếu bạn chưa quen đọc nhiều tiếng Anh). Đọc những thứ dễ dễ thôi sẽ khiến bạn không bị áp lực. Chẳng hạn, bạn có thể đọc chuyện vui bằng tiếng Anh, rồi sách dành cho lứa tuổi cấp hai…
Một khi đã thấy khá thoải mái với việc đọc hiểu tiếng Anh, bạn hãy đọc bất kỳ thứ gì mà bạn thích (truyện Harry Potter, tạp chí, sách phi tiểu thuyết…). Tất nhiên, sẽ có nhiều lúc bạn không hiểu một vài câu (hoặc cả đoạn dài), nhưng nếu có thói quen đọc rồi, thì bạn sẽ thấy “trình” của mình tăng lên nhanh chóng thôi.