Cảm Ơn Người Lớn là câu chuyện tuổi thơ được kể với ngôi thứ nhất dưới góc nhìn của Mùi. Mùi đi qua miền ký ức với ba đứa bạn thân là Hải cò, Tí sún và mối tình đầu - Tủn. Câu chuyện xoay quanh những nhân vật có cái tên ngộ nghĩnh mà thân quen ấy cuối cùng lại là tấm vé đưa độc giả chúng ta về lại với tuổi thơ.
Đôi lúc ta cũng có thể bắt gặp các triết lý trong Cảm Ơn Người Lớn. Đó có thể là chút suy ngẫm về hôn nhân, về thời gian, và đâu đó là về tiền bạc. Tất cả những vấn đề như thuộc về thế giới người lớn ấy đều được tác giả Nguyễn Nhật Ánh “mã hoá” thành ngôn ngữ và góc nhìn của một đứa trẻ. Có lẽ cũng chính vì vậy, khi đọc truyện ta cứ ngỡ đang nhìn về với bản thân năm tám tuổi.
Đâu đó trong cuộc sống, có thể bạn sẽ thích một người như cách Mùi thích Tủn - mối tình đầu ngây thơ nhưng nhiều vương vấn. Nhưng bạn cũng có thể gặp cả cô gái như Tí sún - đứa trẻ tự do, nghênh ngang đi qua cuộc đời bạn và để lại rất nhiều dấu chấm hỏi nhưng rất ít dấu chấm than - “thấp thỏm đấy, nhưng không hề âu lo”. Đứa con gái như Tí sún bao giờ cũng hiện ra trong thế giới pha trộn giữa thực và mơ.
“Nếu ký ức về con Tủn má-lúm-đồng-tiền thường vắt kiệt sức tôi, biến tôi thành kẻ khóc thuê vô danh trong các cuộc tình, thì kỷ niệm về người-con-gái-sún-răng-cửa-trên có tên Tí sún luôn nâng đỡ tôi trên các nẻo đường tình yêu.”
Tưởng chỉ quấy rầy người lớn, thế mà đôi lúc tiền bạc cũng làm mấy đứa nhóc đau đầu. Mấy đứa trẻ tám tuổi có rất nhiều nỗi buồn. Nỗi buồn bị ba mẹ đánh đòn, nỗi buồn bị điểm kém, nỗi buồn khi phải chia tay cô giáo cũ, nỗi buồn mất mấy đồng tiền hay món đồ chơi yêu thích. Nhưng đâu đứa nào từng nghĩ đến cũng có một đứa nhóc tám tuổi không được đi học vì nghèo đâu. Dưới góc nhìn của một đứa trẻ, Nguyễn Nhật Ánh đã “tóm” trọn được cái nỗi buồn này.
Cũng có khi sự ngây thơ của mấy đứa nhóc làm cho Cảm Ơn Người Lớn sinh động hơn. Chẳng người lớn nào nghĩ đến một con cọp Tai Tròn lại làm bạn với một con dê tên Tuyết Trắng, hoặc có tình cảm với nó. Nhưng Mùi lại nghĩ ra vô vàn kịch bản với hai con vật đó. Và Tủn cũng có thể hoạ ra cái kịch bản mà nó thích trong mấy cái kịch bản kia. Đương nhiên sau một lúc lâu tranh cãi của bốn đứa nhóc.
Các áng văn của Nguyễn Nhật Ánh bao giờ cũng man mác buồn, nhưng được kể qua những mảnh đời vắt ngang câu chuyện, được “mã hoá” dưới góc nhìn của một đứa trẻ, một người bạn, mà cũng có khi là “kẻ khóc thuê vô danh trong các cuộc tình”. Chính cảm xúc trong trẻo trẻ thơ đó sẽ cứu lấy tất thảy nỗi buồn.
Cảm Ơn Người Lớn sẽ là tác phẩm phù hợp với những “người lớn” muốn tìm về với chính mình thuở ấu thơ, để được “tập bay” trên nóc nhà. Dẫu cho có thể sẽ đáp thẳng xuống đất gãy cả tay, nhưng có can đảm và cả sự liều lĩnh khi là người lớn có thể phôi phai, có cả ba và mẹ chăm sóc lẫn răn đe đánh đòn.