Cảm xúc trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân: Hãy khóc cùng bạn bè khi còn có thể!

Cảm xúc trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân: Hãy khóc cùng bạn bè khi còn có thể!
HHT - Ngày ra trường, hình ảnh teen cuối cấp ôm nhau trong nước mắt nhưng “đến tay” một bộ phận cộng đồng mạng lại trở thành trò cười. Phải chăng teen đã sai khi thể hiện những cảm xúc thật nhất trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân đẹp đẽ?

Cần phải “kiểm duyệt” cảm xúc?

Dưới hình ảnh teen 12 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) vỡ òa trong nước mắt ở buổi lễ ra trường, trên một trang fanpage nổi tiếng xuất hiện không ít những comment chế giễu với nội dung: “Đúng là bọn con nít, khóc cho đã rồi tới ngày họp lớp chẳng có đứa nào đi”, “Làm màu quá các bạn ơi, sến súa nhiều vô rồi xem ngày mai còn nhớ nhau không?”… Có trang còn làm cả video “Chia tay cấp Ba khóc cái gì khi có cái họp lớp cũng không đi?”.

Cảm xúc trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân: Hãy khóc cùng bạn bè khi còn có thể! ảnh 1

“Khi kéo dọc theo album ảnh, mình và các bạn trong lớp phẫn nộ vì những cảm xúc đáng quý tụi mình trân trọng bao nhiêu lại bị người khác xúc phạm bấy nhiêu” - bạn H.Khanh cho biết. Bạn N.T (cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) nêu ý kiến: “Không lẽ trong khoảnh khắc chỉ có một trên đời đó, mình phải dừng lại, tính xem sau này có đi họp lớp được không rồi mới dám khóc?”.

Tranh luận xung quanh những giọt nước mắt cuối cấp này làm chúng ta nhớ lại những “phi vụ” fan òa khóc khi gặp được thần tượng của mình cũng bị chỉ trích là “thiếu suy nghĩ”, “khôn nhà dại chợ”, “sao không để dành nước mắt cho ba mẹ mình”... Những giọt nước mắt bỗng dưng được gán cho những ý nghĩa cao xa, bỗng trở thành một thứ quý giá đến mức không thể tùy tiện rơi xuống, từ “tiên đoán” buổi họp lớp năm sau cho đến “chữ hiếu”, rồi thước đo đạo đức… trong khi đó chỉ đơn giản là cách chúng ta thể hiện cảm xúc thôi mà!

Cảm xúc trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân: Hãy khóc cùng bạn bè khi còn có thể! ảnh 2

Cảm xúc cũng cần được “tốt nghiệp”

Bất kì ai cũng có thể rơi nước mắt khi xem một bộ phim cảm động, khi nghe được những lời tâm sự chân thành… Nếu cảm xúc của tụi mình được ví như 5 người bạn trong Inside Out thì nước mắt chính là tín hiệu của việc các bạn í đã trưởng thành, đã “chín muồi”, cần được “tốt nghiệp” bằng việc thể hiện ra ngoài. Chị Thu Hà (tác giả sách Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc) viết: “Obama, Abraham Lincoln, George Bush, Bill Clinton… cũng đã từng chảy nước mắt trước công chúng. Bởi vì, giọt nước mắt thực sự có khả năng truyền tải những thông điệp lớn hơn nhiều lời nói”. Bạn thấy đó, những người nắm giữ nhiều quyền lực nhất, những người luôn được đòi hỏi phải mạnh mẽ cũng khóc cơ mà! Và nước mắt không đồng nghĩa với yếu đuối, dễ dãi đâu!

Sophia - công dân người máy đầu tiên của Arab Saudi đã “châm ngòi” cho nỗi sợ của con người, cho chúng ta thấy khả năng người máy có thể tồn tại độc lập với con người. Từ những tính toán phức tạp mà não người khó so bì, đảm nhiệm nhiều công việc mà người thường gặp khó khăn, cho đến tranh cử thị trưởng, nắm những chức vụ quan trọng. Thế nhưng nếu robot là “phiên bản máy” của não trái thì chỉ con người mới có thể cộng hưởng giá trị của bán cầu não phải. Chỉ có con người mới sở hữu “bộ sưu tập” cảm xúc đa dạng và biến hóa mà chẳng máy móc nào có được.

Cảm xúc trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân: Hãy khóc cùng bạn bè khi còn có thể! ảnh 3

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, điều mà bố mẹ lo lắng không ngừng là teen mình cứ cặm cụi với những biểu tượng cảm xúc trên Facebook nhưng lại không thể thể hiện chúng trên chính khuôn mặt mình khi cần thiết. Thậm chí, nghiên cứu của các nhà tâm lý học từ Trường Y tế Cộng đồng Harvard và Đại học Rochester đã chỉ ra rằng, ức chế cảm xúc có thể làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim và một số loại ung thư nữa.

Đau lòng cũng cần được quan tâm đủ đầy như khi đau tay, đau chân. Phủ nhận và vùi lấp cảm xúc chỉ khiến chúng ta thêm tổn thương, thêm tiêu cực, thêm cortisol (hoóc-môn gây stress và có thể dẫn tới trầm cảm).

Chính tụi mình cũng ngần ngại làm bạn với những người không bày tỏ cảm xúc. Chúng ta thường không đủ tin tưởng để xây dựng một mối quan hệ chắc chắn hơn nếu không thể cảm nhận, không thể thấu hiểu đó sao! Nghiên cứu trên SAGE Journal chỉ ra rằng các cặp đôi che giấu cảm xúc của mình thường không hạnh phúc. Lời khuyên cho những vấn đề mà bạn gặp phải từ Psychology Today luôn là: Hãy thành thật, hãy nói ra, hãy chia sẻ. Bởi vì không gì nguy hiểm hơn là một kẻ thù luôn “lẩn trốn” mà còn lẩn trốn trong chính mình.

Cảm xúc trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân: Hãy khóc cùng bạn bè khi còn có thể! ảnh 4

Cảm xúc là thứ cần được giải phóng và bất kì cảm xúc nào cũng cần được tôn trọng. Có thể trong số những bình luận không hay ở trên, có người đã từng trải qua cảm giác hụt hẫng, buồn bã, đôi lúc là giận hờn bạn bè vì vô ý, hoặc cố tình quên đi lời hẹn năm xưa trong lễ bế giảng cuối cấp. “Nhưng trải nghiệm khác nhau không đồng nghĩa với việc họ có quyền xúc phạm, châm chọc tình cảm của người khác” - bạn Thu Đoàn (cựu học sinh LHP, niên khóa 13-15) nhấn mạnh trong bài viết trên trang cá nhân.

Hãy cứ hết mình với tuổi thanh xuân!

“Ngày ra trường, đứng giữa một tập thể đã từng cãi nhau ỏm tỏi, từng chia phe chia phái và đến lúc đó vẫn chưa thể thân nhau hết, tớ cũng đã bật khóc. Cậu nhóc em tớ học lớp 5, lễ tổng kết cũng mếu máo cũng tiếc rẻ những ngày tháng đã trôi qua dưới một mái trường. Khoảnh khắc đó, tớ chỉ nghĩ đến việc mai thức dậy thì những gì của hôm nay đã trở thành hôm qua, những người mà tớ ngày nào cũng thấy trong suốt ba năm cũng đến lúc nói lời tạm biệt. Quan trọng nhất là tớ biết rằng việc cả lớp đông đủ như thế này mình không thể thấy thêm một lần nào nữa chứ đừng nói là tiếp tục cãi nhau.” - Bạn Ngọc Hân (THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM) chia sẻ.

Teen trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng cùng nhau treo hashtag #‎tôiđãkhócvàongàyratrường và chia sẻ các câu chuyện về tình bạn, tình thầy trò đẹp của mình. Chúng ta khóc vì chúng ta quan tâm, vì chúng ta đã dũng cảm để thể hiện cảm xúc của mình trước bạn bè, trước thầy cô, trước những người mà chúng ta yêu quý.

Cảm xúc trong khoảnh khắc chia tay thời thanh xuân: Hãy khóc cùng bạn bè khi còn có thể! ảnh 5

Bạn đừng sợ chê cười, đừng sợ xấu hổ, cũng đừng sợ một mai mình không đến được buổi họp lớp. Nước mắt không phải là một lời hứa, nước mắt là một lời yêu thương. Mỗi người sẽ có cách thể hiện khác nhau và nước mắt là một trong số đó. Cũng có những bạn như M. Quang (cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong) chỉ vỗ vai tất cả mọi người trong lớp và im lặng rồi lặng lẽ viết confession: “Ngày ra trường là ngày tớ muốn mãi mãi đừng trôi qua”.

Bạn chỉ có duy nhất một ngày ra trường, chỉ có duy nhất một tuổi thanh xuân và một lần được khóc cùng nhau. Vì vậy, hãy hết mình, dù là việc cùng rơi nước mắt!

Theo Ảnh: Lumiere - LHP Photography Club
MỚI - NÓNG
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội
HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?

Có thể bạn quan tâm