Cán bộ tỉnh Hòa Bình không tác động, ai biết "con quan" mà nâng điểm?

Cán bộ tỉnh Hòa Bình không tác động, ai biết "con quan" mà nâng điểm?
HHT - Một số chuyên gia cho rằng mức kỷ luật 2 phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình còn nhẹ. Họ cũng đặt nghi vấn trước lời khai không tác động để nâng điểm cho con của 5 cán bộ tỉnh này.

Hòa Bình vừa công khai danh tính 5 cán bộ có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Cả 5 người đều khẳng định họ không tác động để con được nâng điểm.

Địa phương này cũng vừa kỷ luật hàng loạt lãnh đạo, bao gồm cảnh cáo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Cửu, đề nghị cách chức Giám đốc GD&ĐT Bùi Trọng Đắc, khiển trách 3 phó giám đốc sở.

Hình thức kỷ luật đã nghiêm minh và đủ sức răn đe?

Nhiều người cho rằng sai phạm của cán bộ làm công tác thi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, hình thức cảnh cáo hay khiển trách có phần nhẹ.

Cán bộ tỉnh Hòa Bình không tác động, ai biết "con quan" mà nâng điểm? ảnh 1
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng cách chức ông Bùi Trọng Đắc là hợp lý nhưng hình thức xử lý với hai phó giám đốc sở GD&ĐT còn nhẹ. Ảnh: Q.Q.

“Những sai phạm trong vụ này tập trung ở chỗ bố trí nhân sự thực hiện coi, chấm thi sai, không giám sát... Đây là sai theo hệ thống, có sự câu kết, thông đồng từ trên xuống dưới”, độc giả Mai Trang Vi bình luận.

Trao đổi với Báo, một chuyên gia đề nghị giấu tên cũng cho rằng hình thức khiển trách đối với hai phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình có phần nhẹ so với hậu quả họ gây ra.

Ông cho rằng việc cách chức đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Trọng Đắc là hợp lý. Tuy nhiên, với các phó giám đốc liên quan, hình thức nhẹ nhất cũng nên là cảnh cáo. Nếu liên quan trực tiếp đến sai phạm, họ cũng nên bị cách chức mới đảm bảo nghiêm minh và có sức răn đe.

Cùng quan điểm, nguyên giám đốc một sở GD&ĐT cho rằng hình thức xử lý cần nghiêm khắc hơn do đây là vụ việc rất nghiêm trọng. Theo ông, hình thức kỷ luật thấp nhất phải là cảnh cáo.

“Tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm để răn đe đối với những cán bộ cố tình làm sai lệch kết quả thi, gây mất công bằng. Họ làm giáo dục nhưng lại có hành vi phản giáo dục, không thể chấp nhận được”, người này nói.

LS Huỳnh Phước Hiệp, Công ty Luật TNHH Huỳnh Phước Hiệp và cộng sự, cho biết việc xử lý ở mức độ nào tùy thuộc chức danh của người vi phạm. Về mặt Đảng, họ không bị khởi tố, chỉ có cách chức, cảnh cáo, khiển trách.

Về mặt hình sự, đương nhiên, dư luận đòi hỏi phải khởi tố những người tham gia gian lận thi cử để cảnh tỉnh, răn đe người khác, tránh tình trạng tương tự xảy ra. Tuy nhiên, việc đủ yếu tố để cấu thành tội phạm hay không phải do cơ quan điều tra xác định.

Ông Hiệp giải thích với những vụ việc phức tạp, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định trong vòng 4 tháng. Nếu khởi tố, họ xác định bị can là ai. Nếu không khởi tố, tức vụ việc không liên quan hình sự, cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ tại sao không khởi tố.

Cá nhân ông Hiệp cho rằng vụ việc cần được xử lý nghiêm, tránh “giơ cao đánh khẽ” để không tạo tiền đề cho người sau.

“Nếu chỉ dừng lại ở kỷ luật, không thu hồi tiền, tức họ có thể lấy tiền tỷ từ can thiệp điểm thi, như vậy quá nhẹ. Khi đưa ra hình sự, người khác mới thấy được sự đánh đổi lớn và không vi phạm”, ông nêu quan điểm.

5 cán bộ nói không tác động để nâng điểm - khó thuyết phục

Theo kết luận vụ việc, cả 5 cán bộ ở Hòa Bình đều khẳng định họ không tác động để con được nâng điểm.

“Không bao giờ có chuyện đó, phải điều tra tiếp. Những người này không được cất nhắc, đưa vào quy hoạch được”, một chuyên gia bức xúc nói.

Cán bộ tỉnh Hòa Bình không tác động, ai biết "con quan" mà nâng điểm? ảnh 2
Lời khai không tác động để con được nâng điểm của 5 cán bộ ở Hòa Bình không thể thuyết phục dư luận. Ảnh: Nguyễn Sương.

Ông đặt nghi vấn nếu họ không tác động, cán bộ làm thi sao sẵn sàng bất chấp nguy hiểm để nâng điểm cho con họ. Tại sao thí sinh được nâng điểm là con "quan" mà không phải con dân thường? Ông đề nghị cơ quan công an điều tra đến cùng, xác định đúng người, đúng tội.

LS Huỳnh Phước Hiệp cũng cho rằng sau lời khai của 5 cán bộ, cơ quan điều tra phải làm tiếp. Theo ông, lời khai đó không thuyết phục được dư luận vì không ai tự dưng nâng điểm cho con người khác mà không được cái gì.

Một tỉnh có hàng nghìn thí sinh, cán bộ làm thi rất khó xác định thí sinh nào là con ai, học giỏi hay dở mà phải nâng. Hơn nữa, bài thi chỉ có số số báo danh, số phách.

“Phải liên kết thông tin với nhau, họ mới nâng điểm được. Nếu tự động nâng điểm, chắc hẳn phải là thần thánh”, ông Hiệp nói.

Còn chuyện lợi ích để "con quan" được nâng điểm, LS Hiệp nhận định có thể là tiền hoặc hứa hẹn trong công việc. Cơ quan điều tra cần xác định rõ điểm được tác động bằng tiền hay lợi ích khác.

Từ lời khai của các đối tượng, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, công an mới xác định có dấu hiệu phạm tội không và phạm tội gì.

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG
Bắc Ninh: Công an, đoàn viên thanh niên ra quân khắc phục hậu quả sau bão số 3
Bắc Ninh: Công an, đoàn viên thanh niên ra quân khắc phục hậu quả sau bão số 3
HHT - Trước tình hình ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã chỉ đạo Ban Thường vụ các Huyện, Thị, Thành Đoàn trên địa bàn thành lập 126 tổ phản ứng nhanh của Đoàn Thanh niên các cấp, phát huy tinh thần xung kích thanh niên, sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Có thể bạn quan tâm