Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn

Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn
HHT - Làng nghề lư đồng An Hội thời hoàng kim có trên dưới 50 lò đỏ lửa, nay chỉ vỏn vẹn 5 lò kiên trì bám trụ. Nhưng không vì thế mà không khí sản xuất tại đây chùng xuống.

Giữa TPHCM hiện đại và náo nhiệt, có một làng nghề truyền thống ngày đêm vẫn bập bùng ánh lửa và tiếng búa đục. Hiện An Hội là làng nghề đúc lư đồng duy nhất còn tồn tại ở thành phố.

Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 1
Nằm trên đường Nguyễn Duy Cung (Q.Gò Vấp), An Hội nổi danh với sản phẩm lư hương thủ công tinh xảo. 

Mở đầu cho câu chuyện nghề của làng An Hội, những nghệ nhân “lão làng” vẫn nhắc về ông Trần Văn Kỉnh, hay còn gọi là ông Năm Kỉnh, một trong những người thợ làm lư đồng An Hội đầu tiên ở Sài Gòn xưa.

Sau khi học nghề ở Chợ Quán, Phú Lâm, ông về làng truyền cho nhiều hậu bối. Trên dưới 50 lò làm lư lần lượt ra đời. Tiếng tăm lư đồng An Hội nổi danh khắp nơi vì những bộ lư kỳ công, mang đậm nét đẹp truyền thống.

“Khoảng trước năm 1975 là thời điểm làng hưng thịnh nhất với hàng chục hộ và hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Những tháng giáp Tết, tiếng đục, giũa nhộn nhịp khắp con đường. Những bộ lư An Hội có mặt khắp Nam kỳ lục tỉnh, xuất sang cả Miến Điện, Campuchia, Lào,…”, ông Hai Thắng, một trong những học trò xuất sắc của ông Năm Kỉnh, cũng là nghệ nhân lớn tuổi nhất còn “giữ lửa” sau hơn nửa thế kỉ làm nghề, bồi hồi nhớ lại.

Dần dà, sản xuất công nghiệp chiếm ưu thế, nghề đúc đồng thủ công bị lu mờ và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Giá đồng nguyên liệu tăng cao, thu lại không được bao nhiêu khiến nhiều chủ xưởng bỏ nghề. Những thế hệ trẻ sau này cũng không mấy ai muốn chọn công việc vất vả trong những lò lư đầy tro bụi.

Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 2
Người phụ nữ này là một thợ thâm niên đã chuyển đổi công việc, nhưng vì nhớ nghề nên cũng vừa quay lại

Suốt mười mấy năm qua, may thay còn lại được 5 lò kiên trì bám trụ: Hai Thắng, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu BảnhÚt Kiển. Dù đã không còn hưng thịnh nhưng chất lượng của lư đồng An Hội luôn được đánh giá rất cao, bởi mẫu mã đa dạng do được làm thủ công, cùng với những đường nét chạm trổ có “hồn”, khác hẳn lư công nghiệp.

Một bộ lư An Hội thành hình phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân.

Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 3
Chị Ngọc đang làm công việc “giáp cốt”, phủ đất vào khuôn, đất khô chuyển qua cho thợ sáp
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 4
Làm phễu dẫn đồng nóng chảy vào khuôn
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 5
Miếng sáp, hỗn hợp hòa trộn giữa sáp nến và sáp ong, được ngâm vào nước ấm cho mềm và áp vào khuôn đất.
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 6
Khuôn sáp sẽ quét một lớp sáp nóng để liền mặt các mảng sáp nối
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 7
Sau đó gắn phễu vào khuôn sáp
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 8
Bít đất hai lớp, lớp trong cùng đòi hỏi lớp đất mịn để trám vào các vị trí nhỏ
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 9
Sau đó khuôn được bó một lớp đất sét trộn trấu để làm lớp vỏ
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 10
Khuôn sẽ được phơi khô trước khi mang đi đổ đồng
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 11
Khi đã mở khuôn, lư đồng được cắt gọt đi những chi tiết thừa
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 12
Mài định phom dáng của lư
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 13
Công đoạn chạm khắc là công đoạn gần như cuối cùng và rất quan trọng
Cận cảnh đúc lư đồng tại làng nghề cuối cùng ở Sài Gòn ảnh 14
Sau khi chạm, lư sẽ được đánh bóng lại và đưa ra cửa hàng

“Những khâu cơ bản bao gồm làm khuôn ruột; đúc khuôn sáp; bọc các lớp đất sét bên ngoài; đổ đồng đã nóng chảy vào khuôn; đập bỏ khuôn đất; làm nguội (mài giũa, chạm trổ hoa văn, đánh bóng). Mỗi khâu đều đòi hỏi tay nghề cao của người nghệ nhân, phải dồn hết công sức và tập trung cao độ để giúp sản phẩm lư đồng được hoàn hảo nhất”, một nghệ nhân làm nghề lư đồng cho biết.

Khoảng 2 tháng cuối năm trước Tết Nguyên đán là thời điểm các lò lư hoạt động hết công suất. Mỗi lò có trên dưới chục người, tất bật làm việc cả ngày lẫn đêm. Tiếng chạm trổ, đập khuôn, khò lửa,… trở thành những âm thanh quen thuộc đặc trưng của làng nghề lư đồng thủ công An Hội.

So với nhiều nơi khác, lư đồng và các vật dụng thờ cúng bằng đồng ở đây có giá cao hơn, nhưng uy tín của An Hội khiến rất nhiều khách hàng phải lặn lội từ khắp nơi về mua.

Mỗi cái Tết, các đơn đặt hàng từ khắp nơi lại tới tấp, cả khách sỉ và khách lẻ từ Phú Quốc xa xôi hay miệt miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang,… Một số chùa ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận,... cũng tìm đến tận nơi đặt hàng lư đồng, bát nhang, chân đèn.

“Các thầy bảo lư đồng An Hội có màu ánh vàng đặc trưng, dễ phân biệt với lư công nghiệp, đặc biệt càng lau chùi càng bóng, các họa tiết tinh xảo và có cái hồn”, chị Nguyễn Thị Ngọc, một hậu bối 23 năm theo nghề ở lò Hai Thắng kể.

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm