Can đảm với ký ức

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giải Nobel Y Sinh học 2022 vừa được trao cho một giáo sư Thụy Điển có công khám phá hệ gen của người cổ đại. Lần đầu tiên sau 121 năm giải Nobel lĩnh vực này không trao cho tác giả/công trình trực tiếp nghiên cứu, phát hiện về bệnh lý học cụ thể cũng như các cấu trúc, cơ chế sinh học đương đại của cơ thể người.

Mà ngược dòng thời gian tới tận vạn năm xa xôi để “cầu cứu” người nguyên thủy, bằng những tố chất sinh tồn đặc biệt nào đó của người xưa.

Nobel Văn học năm nay thuộc về nữ văn sĩ 82 tuổi người Pháp Annie Ernaux cũng bằng sự nghiệp chuyên khai thác quá khứ. Với ghi nhận nổi bật của Ủy ban Nobel, rằng nhà văn “với lòng dũng cảm và một trí tuệ sắc lạnh”, đã “bóc trần cội rễ, sự ghẻ lạnh và hạn chế của tập thể” về những dòng hồi ức cá nhân biệt lệ ấy.

Nhà khoa học Thụy Điển đã tìm cách chiết xuất ADN của tông người Neandertal đã biến mất từ khoảng 30.000 năm trước. Để cho ra đời một lĩnh vực khoa học mới có thể phân tích và tái thiết lập hệ gen của các loài vật đã tuyệt chủng, giúp chúng ta hiểu hơn về tiến hóa của nhân loại. Cũng nhằm giải thích và tìm cách chữa trị cho những căn bệnh thời đại, như dịch COVID-19,...

Còn với Ernaux, mải miết theo thứ hồi ức mà hầu như mỗi đời người chúng ta đều ít nhiều đeo mang, như sự bất công xã hội, cái chết ám ảnh của cha mẹ, những trải nghiệm tình dục đầu tiên, việc phá thai bất hợp pháp,... Tuy nhiên, điều đem đến thành công vượt trội cho nữ văn sĩ này, đó là bà đã can đảm một cách tàn nhẫn và nghiệt ngã với từng mẩu ký ức của chính mình. Đó là những trải nghiệm đầy khó khăn, nhưng cũng hết sức tỉnh táo một cách ý thức. Như bà thừa nhận “để chính cơ thể tôi, cảm giác và suy nghĩ của tôi trở thành những con chữ”.

Thêm Ernaux, ta càng thấy văn chương Pháp thật nặng nợ với ký ức và thời gian. Như Modiano (Nobel Văn chương 2014) chìm đắm trong sự quên lãng, mờ nhòe. Như hàng trăm năm trước kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, và trước đó nữa, ít nhất với Apollinaire se sắt vĩnh hằng “mùi hương thời gian nhành thạch thảo”.

Rồi tất cả cũng đều đang mất đi, vượt lên vận tốc thông thường của thời gian, của năm tháng. Còn chúng ta, có dũng cảm khi nhìn lại quá khứ chính mình không? Có biết soi rọi quá khứ một cách can đảm, thấu đáo sòng phẳng, thậm chí nghiệt ngã, để định hình nhân sinh quan thực tế? Hay vẫn để mọi sự hào nhoáng bề ngoài, những phủ dụ và ngợi ca có cánh kéo tuột đi, được tiếp sức bởi mọi thứ danh hiệu lẫn app công nghệ, cho đến khi trôi đi êm ái một cách vô ý thức/mất ý thức về mình. Vẫn gắng xoa dịu mình bằng thứ ký ức mơ hồ, trộn lẫn sương khói ấy vào hiện thực, hoặc cố tình lãng quên. Những căn bệnh thời hiện đại triệt tiêu dần sức sống tự thân nguyên thủy đầy mãnh liệt mà tổ tiên đã từng.

Phải chăng Nobel lần này với những công trình nhân sinh học và nhân văn học đang muốn nhắc nhở, níu kéo giúp chúng ta tái ý thức về điều đó?

MỚI - NÓNG