Cần khẩn cấp cơ chế đặc thù để mua sắm trang thiết bị chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
Cần khẩn cấp cơ chế đặc thù để mua sắm trang thiết bị chống dịch
TPO - Thiếu trang thiết bị y tế đặc biệt là máy thở tại các bệnh viện điều trị COVID-19 đang gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác chuyên môn khi cứu chữa bệnh nhân nặng. Thời điểm này rất mong Chính phủ xem xét, có cơ chế đặc thù cho hoạt động mua sắm trang thiết bị chống dịch.

Bác sĩ phải bóp bóng cứu bệnh nhân

“Nhà báo ơi, tình hình căng quá, bệnh viện chúng tôi bây giờ có 20 ca COVID-19 trở nặng nhưng liên hệ lên tuyến trên để chuyển viện thì không nơi nào tiếp nhận. Chúng tôi đang liên hệ với Bệnh viện Quân y 175 với hy vọng sớm chuyển bệnh nhân đi nhưng cũng đang phải chờ. Các bác sĩ, điều dưỡng đang cố gắng chăm sóc, điều trị cho người bệnh nhưng chẳng biết bệnh nhân có vượt qua được những đợt suy hô hấp cấp hay không” – nguồn tin của báo Tiền Phong từ một bác sĩ đang làm nhiệm vụ trong bệnh viện dã chiến cho biết.

Cần khẩn cấp cơ chế đặc thù để mua sắm trang thiết bị chống dịch ảnh 1

Nhiều bệnh viện dã chiến, các y bác sĩ đang gần như rơi vào tình cảnh phải "tay không chống dịch".

Thiếu trang thiết bị y tế đang trở thành nỗi ám ảnh với cả bệnh nhân và những người làm công tác chuyên môn trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Sáng 19/7, trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy đang trực tiếp nhận nhiệm vụ điều trị cho các ca bệnh nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường tại Thành phố Thủ Đức chia sẻ: “Đến sáng nay, chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân thuộc nhóm COVID-19 nặng, nguy kịch. Hiện bệnh viện mới chỉ có 80 máy thở, trang thiết bị thiếu rất nhiều, chúng tôi đang thống kê và làm đề xuất để sớm được cung ứng”.

Tình trạng khó khăn về trang thiết bị y tế hiện đang xảy ra ở hầu hết các bệnh viện tiếp nhận, thu dung, điều trị COVID-19. PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất hiện đang tham gia trực tiếp vào công tác điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 8 cho biết: “Theo phân loại cấp độ điều trị tại các bệnh viện, chúng tôi đang tiếp nhận bệnh nhân nhóm có triệu chứng bệnh nhẹ đến trung bình vì các phương tiện tại đây chỉ đủ sức tiếp nhận, điều trị nhóm bệnh nhân này”.

Cần khẩn cấp cơ chế đặc thù để mua sắm trang thiết bị chống dịch ảnh 2

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế (bên phải) thẳng thắn chia sẻ nhiều khó khăn về trang thiết bị tại Bệnh viện Dã chiến số 8.

BS Kim Quế cho biết thêm: “Chúng tôi có một phòng cấp cứu cho các bệnh nhân nặng, nhưng chưa có các phương tiện, thiết bị cơ bản. Hai ngày trước chưa có máy thở, anh em phải bóp bóng bằng tay hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân. Chúng tôi mới được hỗ trợ một máy thở để tạm hỗ trợ cho bệnh nhân trong tình huống chưa chuyển viện được để giải phóng nhân lực y tế hỗ trợ cho các bệnh nhân khác”.

Cùng quan điểm trên, BS Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 3 cho biết: “Khoảng 5% bệnh nhân trong nhóm không có biểu hiện triệu chứng đến bệnh nhẹ sẽ chuyển nặng đột ngột với biểu hiện suy hô hấp cấp. Chúng tôi đang rất cần được tăng cường thêm trang thiết bị y tế để phục vụ cho hoạt động cứu chữa ca bệnh, đặt biệt là máy thở”.

Cần phải có cơ chế đặc thù mua sắm trang thiết bị chống dịch

Tại Bệnh viện Dã chiến số 6, nơi đang tiếp nhận điều trị gần 3.600 bệnh nhân, TS.BS Phan Minh Hoàng - Giám đốc bệnh viện cho biết: “Điều rất cần thiết bây giờ ngoài việc đảm bảo nhân sự thì trang thiết bị y tế là giải pháp cần xúc tiến. Hệ thống tiếp nhận theo các tầng điều trị cần phải được xây dựng vững chắc nền móng ngay ở tuyến đầu để hạn chế tối đa số ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên”.

Cần khẩn cấp cơ chế đặc thù để mua sắm trang thiết bị chống dịch ảnh 3

TS.BS Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 bên thiết bị xét nghiệm vừa xin được từ mạnh thường quân.

Để được đáp ứng trang thiết bị phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường, ngày 17/7 TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã để xuất UBND TPHCM cung ứng trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Cụ thể, bệnh viện đang cần 10 máy X-quang di động; 5 máy siêu âm tại giường; 5 máy siêu âm tim; 10 máy khí máu động mạch; 30 máy lọc máu CRT; 50 máy thở chức năng cao không dùng khí nén; 200 máy thở oxy dòng cao (HFNC)…

Cần khẩn cấp cơ chế đặc thù để mua sắm trang thiết bị chống dịch ảnh 4

Một trường hợp bệnh nhân COVID-19 trở nặng phải cấp cứu nhưng không có máy thở.

Tuy nhiên, đến sáng 19/7 khi phóng viên báo Tiền Phong liên hệ thì TS.BS Nguyễn Tri Thức cho biết các đề xuất về trang thiết bị của bệnh viện chưa nhận được hồi đáp, không biết chừng nào mới có trang thiết bị.

Cần khẩn cấp cơ chế đặc thù để mua sắm trang thiết bị chống dịch ảnh 5

Các bệnh viện đang rất cần tăng cường trang thiết bị y tế đặc biệt là máy thở để cứu chữa những ca bệnh COVI-19 nặng.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, thời điểm này dịch đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét có riêng một nghị định về mua sắm trang thiết bị khẩn cấp trong mùa dịch để phục vụ công tác điều trị, đặt mục đích cứu chữa sinh mạng người bệnh lên trên hết. Nghị định thông qua với các bước hướng dẫn sẽ là cơ sở để những đơn vị liên quan thực hiện. Đây là vấn đề khẩn cấp cho tất cả các địa phương chứ không riêng TPHCM.

Theo phân tích của BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM: “Cái quan trọng nhất hiện nay cần cho việc điều trị là oxy và máy thở, đặc biệt là dòng máy dòng cao. Cần phải có cơ chế đặc thù để giúp các bệnh viện tiếp cận, mua nhanh máy móc, trang thiết bị phục vụ chống dịch. Thời điểm này cần phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết”.

MỚI - NÓNG