5 điểm/ môn thi mới được công nhận tốt nghiệp?
Thời gian qua, teen cả nước “dậy sóng” trước thông tin thí sinh tham gia kì thi THPT Quốc gia 2018 phải đạt 5 điểm/ môn thành phần mới được xét tốt nghiệp. Ngay cả các bạn học sinh trường chuyên cũng vô cùng hoang mang, bạn Thiên Quang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể: “Có những môn trong các tổ hợp Tự nhiên hoặc tổ hợp Xã hội tớ không đăng ký xét tuyển Đại học. Vì vậy mà mục tiêu của tớ chỉ cần trên điểm liệt những môn ấy và tập trung cao độ cho những môn quan trọng xét tuyển Đại học. Nhưng 5 điểm/ môn là mức điểm tối thiểu thì chẳng phải là điều dễ dàng”.
Tuy nhiên, mới đây, theo như Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT được đăng tải trên trang web của Bộ GD-ĐT thì: “Tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt 1.0 điểm trên thang điểm 10 và có Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) từ 5.0 trở lên mới được công nhận tốt nghiệp THPT”.
Vậy, điểm liệt của kì thi năm nay vẫn sẽ giữ nguyên như năm trước: 1.0 điểm. Bên cạnh đó, cách tính ĐXTN cũng không thay đổi. Bạn có thể tham khảo cung cách tính ĐXTN bằng công thức dưới đây.
Đề thi sẽ lồng ghép cả kiến thức lớp 11
Theo như phương án kì thi THPT Quốc gia 2018 được công bố bởi Bộ GD-ĐT, một trong những điểm khác biệt so với kì thi THPT Quốc gia 2017 chính là bài thi sẽ bao gồm những câu hỏi về kiến thức lớp 11. Trong bộ đề thi tham khảo do Bộ GD-ĐT công bố, rất nhiều môn được lồng ghép kiến thức của năm học trước. Chẳng hạn như môn Toán vẫn có những câu trắc nghiệm nằm trong chương Xác suất - Thống kê, môn Vật lí bao gồm luôn cả chương Điện tích - Điện trường.
Bạn Phương Nhi (trường Phổ Thông Năng Khiếu, TP.HCM) chia sẻ: “Nếu như chúng ta bình tĩnh phân tích đề thi tham khảo, thì kiến thức lớp 11 có xu hướng chiếm không quá 20% trong tổng số câu hỏi đề thi. Điều đó đồng nghĩa với việc kiến thức lớp 12 vẫn là trọng tâm. Chưa kể, hầu hết các câu hỏi về kiến thức lớp 11 chỉ yêu cầu học sinh nắm được căn bản, công thức, thay vì đánh đố với mức độ khó nhằn. Vì vậy mình thấy cứ ôn thật chắc mọi kiến thức năm 12, rồi sau đó trở lại ôn tập kiến thức lớp 11”.
Đặc biệt nhất, đối với môn Văn, đề bài phần Nghị luận Văn học (chiếm 5/10 điểm tổng bài thi) trong đề thi tham khảo cũng yêu cầu học sinh “Cảm nhận về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân), rồi từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)”. Không những yêu cầu học sinh phân tích, khả năng cao đề bài còn yêu cầu học sinh phải biết liên hệ và so sánh giữa hai tác phẩm.
Bạn Uyên Linh (Thủ khoa môn Ngữ Văn trong kì thi Học sinh giỏi Quốc gia, TP.HCM) chia sẻ “bí kíp” ôn bài “thần thánh”: “Đối với những dạng đề yêu cầu so sánh, đầu tiên hãy sắp xếp các bài văn, bài thơ theo các chủ đề: biện pháp nghệ thuật, hình tượng người lính, hình tượng người anh hùng, hình tượng người phụ nữ... Sau đó, chúng mình sẽ tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa hai tác phẩm dưới góc nhìn của những chủ đề đã phân bên trên. Mình chắc chắn ôn tập thế này sẽ dễ học, dễ thuộc hơn rất nhiều so với việc ôm sách, ôm tập học liền tù tì từ năm 11 đến năm 12 đó!”.