Đòi "khóa thuê bao" nhằm lấy cắp thông tin cá nhân người dùng
Chia sẻ với VnExpress, anh Phạm Khánh (Hà Nội) cho biết, anh suýt khai hết thông tin cá nhân sau khi bị một người xưng là nhân viên nhà mạng gọi điện thông báo khóa thuê bao. Khánh cho biết cuộc gọi xuất phát từ một đầu số lạ, gọi đến và nói "thuê bao của bạn sẽ tạm dừng sau hai giờ nữa, để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 0".
"Thấy giọng nói trong điện thoại giống hệt các thông báo của tổng đài, tôi tưởng thật nên làm theo", anh Khánh kể. Anh được kết nối tới một người tự xưng là nhân viên nhà mạng, nói với giọng điệu đe dọa. Nhớ đến các chiêu lừa qua điện thoại trước đây, đồng thời số gọi đến là một đầu số nước ngoài, anh bắt đầu nghi ngờ là lừa đảo nên không làm theo. Khi gọi tới tổng đài nhà mạng, anh mới biết thuê bao của mình hoàn toàn bình thường và không hề bị khóa.
Ảnh minh họa. |
Tương tự, chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết bản thân suýt trở thành nạn nhân của chiêu lừa. "Họ nói phát hiện thuê bao của tôi phát tán tin nhắn lừa đảo hàng loạt, vì vậy sẽ khóa sau sau hai giờ", chị Hà kể. Dù giải thích mình không hề làm chuyện đó, đầu bên kia khẳng định họ có bằng chứng và tiếp tục dọa khóa thuê bao. Lấy lý do hỗ trợ khách hàng, người này đề nghị chị Hà gọi tới số "của đại diện cơ quan pháp luật". Lo lắng vì đây là số điện thoại quan trọng và phải sử dụng thường xuyên, cô làm theo.
Theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến tháng 9/2021, các nhà mạng tại Việt Nam đã ngăn chặn hàng chục triệu cuộc gọi giả mạo. Mỗi tháng, số lượng cuộc gọi được phát hiện giả mạo lên tới hàng triệu. Cơ quan này lưu ý mã điện thoại của Việt Nam là +84, vì vậy nếu người dùng nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn từ số điện thoại có đầu là dấu "+" hoặc "00", nhưng hai số tiếp theo không phải "84" thì có thể là số quốc tế. Người dùng chỉ nên gọi lại hoặc làm theo khi biết chắc chắn đó là số của người thân ở nước ngoài.
Thủ đoạn của kẻ giả mạo ngân hàng đang càng tinh vi hơn
Mới đây, ngân hàng VPBank đã phát đi cảnh báo thủ đoạn giả mạo email từ VPBank gửi sao kê thẻ tín dụng để lừa đảo. Cụ thể, kẻ gian đã gửi sao email sao kê giả mạo với nội dung thông báo khách hàng đang có dư nợ thẻ tín dụng cần thanh toán. Sau đó, kẻ gian sẽ gọi điện cho khách hàng và tự xưng là nhân viên ngân hàng để hướng dẫn cũng như thúc ép khách hàng thanh toán dư nợ.
Kẻ gian sử dụng email hiển thị "Dich vu khach hang Vpbank" cùng biểu mẫu và logo thương hiệu của ngân hàng này để gửi thông báo sao kê thẻ tín dụng với dư nợ là 15.xxx.xxx VND hoặc một số tiền bất kỳ.
VPBank khuyến cáo tất cả các email khách hàng nhận được có tên miền khác với @vpbank.com.vn dù có tên hiển thị là VPBank, đều là giả mạo. Khách hàng tuyệt đối không thực hiện theo các hướng dẫn trong email như click vào đường link hoặc nhập mã OTP để tránh mất tiền.
Không chỉ VPBank mà tất cả các ngân hàng đều là đối tượng bị kẻ gian nhắm tới tập khách hàng có quan hệ giao dịch tài khoản hoặc thẻ tín dụng.
Một thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn có 1 số người mắc bẫy được Ngân hàng Tiên Phong Bank cảnh báo liên quan đến thẻ tín dụng. Đó là giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện tới các chủ thẻ tín dụng để chào mời khách hàng sử dụng ưu đãi rút tiền/ đáo hạn từ thẻ tín dụng.
Để thực hiện được việc rút tiền từ thẻ tín dụng, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân như số thẻ, số CVV bảo mật. Để thực hiện dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng (là 1 hình thức rút tiền mặt), đối tượng yêu cầu khách hàng thực hiện qua các máy POS bất hợp pháp. Từ đó kẻ xấu có thể lấy được các thông tin của khách hàng và trục lợi bất hợp pháp.