Những món đồ chơi mềm dẻo này được bán ở tất cả các cửa hàng văn phòng phẩm, tạp hóa…, thường có hình các món ăn, hoặc thú cưng, hoặc nhân vật hoạt hình cực kỳ xinh. Đúng, chúng dễ thương và bạn có thể bóp chúng để giảm căng thẳng. Đơn giản và (có vẻ) “hữu ích” vậy thôi.
Nhưng những món đồ chơi này có thể không “ngây thơ” như ngoại hình của chúng.
Ủy ban Bảo vệ Môi trường Đan Mạch mới đưa ra cảnh báo rằng, đồ chơi bóp dẻo có thể chứa những chất cực kỳ nguy hiểm.
Họ đã thử nghiệm 12 mẫu đồ chơi bóp dẻo và thấy TẤT CẢ đều chứa các hóa chất có thể gây ung thư, cũng như các hóa chất khác liên quan đến nguy cơ gây bệnh về gan, các vấn đề về hô hấp, sinh sản và kích ứng mắt.
Sau nghiên cứu này, đồ chơi bóp dẻo đã bị cấm bán tại Đan Mạch. Jakob Ellemann-Jensen, Bộ trưởng Môi trường và Sức khỏe của Đan Mạch, nói: “Khi cả 12 mẫu đồ chơi đều có hàm lượng cao các hóa chất nguy hại, thì đó là vấn đề lớn. Nó cho thấy rằng có thể tất cả các món đồ chơi bóp dẻo đều nguy hiểm”.
Kết quả nghiên cứu này đã được chia sẻ với các nước khác, tuy nhiên, chưa có thêm lệnh cấm nào được đưa ra.
Đồ chơi bóp dẻo hiện nay chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc và Nhật. Cũng không có một thương hiệu đồ chơi bóp dẻo riêng rẽ nào, mà là rất nhiều công ty đồ chơi có sản xuất đồ chơi bóp dẻo.
Theo nghiên cứu nói trên, thì chỉ cần cầm những đồ chơi bóp dẻo một lúc, là người sử dụng đã có thể bị nhiễm DMF ở “mức độ cao không thể chấp nhận được”. DMF là một hóa chất có thể được hấp thụ qua da và được cho là có thể hại gan, gây rối loạn tiêu hóa và nôn mửa.
Ngoài ra, cả 12 mẫu đồ chơi bóp dẻo được thử nghiệm đều có mức triethylenediamine và cyclohexanone - hai hóa chất có nguy cơ gây ung thư - rất cao. Kể cả khi đồ chơi được gỡ khỏi túi bọc và để ngoài trời suốt ba ngày (cho bay hơi bớt các hóa chất), thì mức độ hóa chất vẫn “cao không tưởng”.
Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch khuyến khích các nước chưa có lệnh cấm nên kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu đồ chơi bóp dẻo, và ngừng bán những đồ chơi chưa được chứng minh là không có hóa chất, vì sự an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt là học sinh (đối tượng mua nhiều đồ chơi bóp dẻo nhất).