Dự án “Nguồn phát thải, nơi tích tụ và giải pháp giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển Việt Nam” (3SIP2C) đang được thực hiện từ 2021 - 2025. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện vi nhựa có thể mang theo gen của 13 vi khuẩn kháng kháng sinh, nhiều hơn đáng kể so với môi trường nước. Đặc biệt, một số vi khuẩn có khả năng kháng đa kháng sinh, làm tăng nguy cơ lây lan các mầm bệnh nguy hiểm.
![]() |
Rác thải ven biển Việt Nam (Dự án 3SIP2C) |
TS Ngô Thị Thúy Hường, Trường ĐH Phenikaa, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh rằng phát hiện này là lời cảnh báo nghiêm trọng. Vi nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể làm trung gian lan truyền mầm bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn.
Nghiên cứu cho thấy sự phân bố của rác thải nhựa (RTN) thay đổi theo mùa. Mùa khô, 80% RTN lớn trôi dạt về phía Nam, trong khi mùa mưa, hơn 40% bị cuốn ra ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Các điểm nóng tập trung nhiều rác bao gồm đảo Cát Bà và vịnh Cát Bà. Trên sông Hồng, mức độ ô nhiễm giảm dần từ thượng nguồn đến cửa sông.
Vi nhựa không chỉ xuất hiện trong môi trường nước mà còn được tìm thấy trong thủy sản nước ngọt và nước mặn. Thí nghiệm trong phòng cho thấy chúng có thể gây tổn thương DNA ở động vật thủy sinh khi phơi nhiễm cùng chất kháng sinh. Điều này đặt ra lo ngại lớn khi con người là mắt xích cuối cùng trong chuỗi thức ăn này.
TS Hường nhấn mạnh: “Thủy hải sản nhiễm vi nhựa, đặc biệt là loại chứa gen vi khuẩn kháng kháng sinh, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng”.
Ông Trịnh Quang Tú, Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Thủy sản, cho biết RTN gây tổn thất đáng kể cho kinh tế ven biển, đặc biệt là nuôi trồng, khai thác thủy sản và du lịch. Theo khảo sát tại Hải Phòng, Nam Định, Bến Tre, RTN làm giảm hơn 10% tổng doanh thu hằng năm của tàu cá. Đối với nuôi trồng thủy sản, chi phí liên quan đến RTN chiếm 0,1 - 3% tổng doanh thu, trong đó hộ nuôi nghêu chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Riêng tại đảo Cát Bà, doanh thu du lịch có thể giảm 8% do ô nhiễm nhựa.
Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy có sự “đổ lỗi” giữa ngư dân và khách du lịch về nguồn phát sinh RTN. Trong thực tế, khoảng 20% RTN ven biển đến từ ngư dân, còn lại từ cư dân địa phương và du khách. Đáng chú ý, gần 90% ngư dân không mang rác vào bờ do tàu cá không có khoang chứa rác và chưa có quy định bắt buộc xử lý rác thải nhựa trên biển.