Cụ thể, đường link giả mạo nhãn hàng nước giải khát Coca-Cola bị phát tán thông qua Messenger trên smartphone khiến nhiều người dùng Facebook tin rằng đây là một chiến dịch quảng cáo mới của hãng nước giải khát này. Vì thế mà người dùng đã click vào đường link trên dẫn đến việc nhiều tài khoản bị "bay màu".
Đường link giả mạo này có tên "Quỹ phúc lợi Coca-Cola". Hơn nữa, người dùng sau khi click vào website trên, cung cấp các thông tin cá nhân, liên kết với Facebook sẽ nhận được phần quà trị giá 2 triệu đồng từ nhãn hàng "dỏm" này.
Trang web giả danh Coca-Cola. |
Giao diện web được thiết kế tương tự như website chính thống của Coca-Cola. Tuy nhiên, sau khi thử các bước đăng nhập, tài khoản Facebook sẽ lập tức bị hacker xâm nhập, người dùng mất quyền kiểm soát trang cá nhân của mình.
Các tài khoản bị hacker xâm nhập sẽ tiếp tục gửi link spam đến cho bạn bè của tài khoản Facebook và đăng tiếp tục đường link lên newsfeed để thu hút sự chú ý của những người tò mò và muốn nhận phần quà 2 triệu đồng kia.
Những đường link "độc" chứa virus có thể sẽ xâm nhập vào máy tính hoặc smartphone cá nhân, đánh cắp dữ liệu quan trọng của người dùng như mật khẩu, hình ảnh thậm chí là số ID, CCCD và mật khẩu ngân hàng cùng nhiều thông tin bảo mật khác.
Coca-Cola lên tiếng phủ nhận liên quan trang đến trang web giả danh này. |
Nhãn hàng Coca-Cola đã lên tiếng xác nhận hiện tại nhãn hàng này không có bất cứ Quỹ phúc lợi nào, các đường link trên toàn bộ là do hacker giả danh.
Cho đến thời điểm hiện tại, đường link giả mạo này vẫn đang lan truyền cực rộng trên nền tảng Facebook tại Việt Nam. Người dùng Facebook cần cảnh giác với những đường link lạ, không liên kết bằng các tài khoản cá nhân và tuyệt đối không cung cấp thông tin trên bất kỳ website nào có dấu hiệu đáng ngờ.