Nhận diện hội “chủ nợ quốc dân”
Nếu lớp trưởng nức danh với quyền lực “thét ra lửa”, bí thư sôi nổi trong các hoạt động Đoàn trường thì thủ quỹ là người mà chỉ cần tay phải cầm sổ, tay trái cầm tiền là “đồng bào” tự biết đường mà… xung quỹ. Vốn làm việc cẩn thận lại tính toán khoa học nên các bạn ý được tín nhiệm quản lý mọi hoạt động thu - chi. Từ việc bé tí ti như mua phấn viết bảng, khăn trải bàn thầy cô, đến những việc “vĩ mô” như chủ chi các buổi liên hoan, photo đề cương, mua phần thưởng cho các bạn học sinh giỏi,… tất tần tật đều qua tay thủ quỹ.
Đảm nhận vị trí mà “nhiều người muốn chối” suốt từ Tiểu học đến THPT, bạn Lê Thị Thanh Giang (12C1, THPT Âu Cơ, Quảng Nam) hóm hỉnh chia sẻ: “Làm thủ quỹ thì “rủng rỉnh” lắm nhưng khổ nỗi tiền không phải của mình. Rồi thì “tay sách nách bút” khắp nơi, chi cái gì cũng phải chép chép ghi ghi kẻo đến lúc kiểm tiền thấy thiếu là mất ăn mất ngủ”.
“Thủ quỹ lớp tớ ngày thường dịu dàng lắm nhưng đến dịp thu quỹ thì chưa tới cửa lớp đã nghe giọng nó rồi. Lại thêm khẩu hiệu “không nợ dai, ngưng khất mai” nên đố ai lằng nhằng nhé. Cũng nhờ bạn ý mà 3 năm THPT lớp tớ nuôi được em heo đất mập ú ụ luôn, cuối năm được chuyến đi chơi mút mùa hoa cải.” - Bạn Nhật Oanh (THPT Giao Thủy A, Nam Định) chia sẻ.
Gọi tên thủ quỹ là gọi hit “đòi nợ ca”
Giữ “hầu bao” của lớp vốn đã không đơn giản, “hỏi thăm” hầu bao của các bạn để xung quỹ lại gian nan gấp bội phần. Vì là tiền của chung nên teen thường có tâm lý “cứ từ từ” hay “đợi nhau nộp một thể”. Nhắc nhiều thì ngại mà đăng mãi trên group lớp cũng chỉ thấy “những chiếc seen lặng lẽ giữa dòng đời như lũ cuốn”. Hội thủ quỹ không tránh khỏi áp lực, đôi khi còn “ngã ngửa” trước những pha tình ngay lý gian, có lúc vô tình làm mất tiền thôi mà bị dân tình nghi là chi vào mục đích riêng, dùng tiền của lớp.
“Chỉ là việc thu tiền thôi nhưng nhiều khi cũng stress đến “nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt thỉnh thoảng rơi”. Vậy nên bí kíp mình hay dùng đó là thu tăng một chút dịp sau Tết bởi lúc đó các mem đang rủng rỉnh tiền lì xì. Vậy là trong năm sẽ bớt một lần thu và các bạn không còn lo “cháy” túi.” - Bạn Phạm Hòa (THPT Vũ Tiên, Thái Bình) bật mí.
“Nói không được thì dùng “vũ lực” thôi, mấy bạn cứng đầu thì mình phải “cứng” hơn. Cứng quá không ổn thì mình chuyển qua combo lầy và nhây nên các bạn cũng vui vẻ nộp tiền thôi chứ không khó chịu” - Bạn Phạm Văn Trình (12C10, THPT B Hải Hậu, Nam Định) chia sẻ.
Cầm tiền thì sợ tiền rơi nhưng làm thủ quỹ cũng có nhiều cái hay lắm nhé. Vừa biết cách quản lý tài chính vừa tìm ra bí quyết để “thu phục lòng dân”, bởi có tín nhiệm thì các bạn mới yên tâm trao tiền đúng hạn. “Nếu là tiền của mình thì mua đắt một tẹo cũng chẳng sao, nhưng đã là tiền quỹ thì phải tính sao để mua với giá mềm nhất. Trải nghiệm tính toán chi ly, cẩn trọng như thế nên bản thân mình cũng thấy trưởng thành hơn rất nhiều, biết cách tiết kiệm, quản lý thu chi và lâu dần là yêu luôn công việc kế toán.” - Bạn Phạm Lan (THPT Chuyên Thái Bình) hào hứng kể.
Tuyệt chiêu cho những “tay hòm chìa khóa”
Biết bao khó khăn khi “trao thân” vào chức vụ thủ quỹ, nhưng không phải không có cách để các “thần giữ của” làm việc hiệu quả và tránh “điên cái đầu”. Giắt túi ngay những tuyệt chiêu sống sót dưới đây để trở thành những “cao thủ quỹ” khiến các mem trong lớp phải tâm phục khẩu phục luôn nhé!
Một trí nhớ tốt không bằng một nét chì mờ: Sắm ngay một cuốn sổ chi tiêu để ghi chép rõ ràng từng khoản thu chi của lớp. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát “ngân khố” một cách rõ ràng và phát hiện ngay lỗ hổng khi tiền bỗng dưng biến mất.
Thu chi dù đúng dù sai, chuyện đầu tiên cần làm là công khai tài chính: Sổ sách đã có, việc thủ quỹ cần làm mỗi dịp tổng kết chính là công khai mọi hoạt động thu chi, tránh việc các “thần dân” hoài nghi, than vu vơ “sao quỹ lớp mới thu mà lại hết ngay rồi nhỉ?!”.
Mềm nắn rắn buông: Có những bạn nghe thông báo là tự giác nộp tiền, nhưng với những “con nợ khó đòi” thì chúng mình cũng cần “mạnh tay”, dứt khoát. Càng để lâu càng chẳng đi về đâu, thủ quỹ phải là một người tinh tế để tùy từng đối tượng mà có cách xử sự khôn khéo.
Giữ tiền đúng cách: Cất bớt quỹ ở nhà và tránh ôm khư khư đến lớp cả “cục tiền tươi”, thay vào đó chỉ mang theo một khoản dự trù để phòng trường hợp đột xuất. Ngoài ra bạn cũng cần có ví và để tiền quỹ lớp vào một ngăn riêng. Tuyệt đối không dùng quỹ lớp vào việc cá nhân vì rất dễ gây lẫn lộn, mất mát không biết do đâu đấy nhé!