Khác với ảo thuật, cardistry không sử dụng mánh khóe và các đạo cụ nhằm đánh lừa khán giả.
Ảo thuật sử dụng nhiều công cụ khác nhau.
Các cardist (người chơi cardistry) tạo ra những chuyển động và tạo hình ấn tượng chỉ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay với bộ bài mà không sử dụng thêm bất cứ dụng cụ phụ trợ hay hiệu ứng hậu kì nào.
Một clip biểu diễn cardistry.
Lợi ích khi tập luyện cardistry
1. Tính kiên nhẫn
Giống như các môn nghệ thuật khác, bạn phải thực sự nghiêm túc với những gì mình đang theo đuổi và kiên trì trong suốt quá trình luyện tập mới có thể thành thạo dù chỉ là một động tác đơn giản.
2. Sự khéo léo
Cardistry đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả 10 ngón tay nên người chơi phải rất khéo léo và nhanh nhạy.
Bạn muốn trở nên bớt hậu đậu? Hãy tập múa bài!
3. Khả năng sáng tạo
Cardistry không gò bó trong một khuôn khổ cố định nào. Múa bài yêu cầu người nghệ sĩ phải có những đột phá và cái nhìn mới để sáng tạo ra những kiểu chơi mới độc đáo hơn.
Nhìn tưởng dễ mà không dễ như mình tưởng đâu!
Những khó khăn trong quá trình tập luyện
1. Không đủ kiên nhẫn, động lực
Phải miệt mài và kiên trì luyện tập thì mới có thể múa bài một cách thành thục. Những người “cả thèm chóng chán” rõ ràng là không hợp với môn này rồi!
Không chỉ khéo léo mà phải rất kiên trì nữa.
2. Ánh mắt đánh giá từ nhiều người
Các cardist thường phải nhận những cái nhìn không mấy thiện cảm do không ít người lầm tưởng họ là những “tay chơi” cờ bạc. Thật khó để giải thích nếu các bậc phụ huynh phát hiện con mình mang theo bộ bài đi khắp mọi nơi phải không?
3. Giá của một bộ bài không hề rẻ
Trung bình giá của một bộ bài để chơi cardistry giao động trong khoảng 200K - 400K, có những bộ còn lên tới tiền triệu. So với một bộ bài bình thường (10k) thì đây đúng là một mức giá trên mây.
Đây là cả một gia tài đấy các bạn ạ!
4. Kích thước tay của mỗi người
Ngón tay dài sẽ giúp người chơi cầm nắm và tập luyện tốt hơn nhưng những người có ngón tay ngắn lại có thể điều khiển bài dễ dàng hơn.
Phong trào cardistry ở Việt Nam
Dù được phổ biến chưa lâu nhưng phong trào cardistry ở Việt Nam đã để lại những tiếng vang lớn trong cộng đồng thế giới. Có thể kể đến những cái tên như: Nguyễn Hoàng Duy - Quán quân giải Cardistry Con 2016 tại Berlin, Đức; Trần Thanh Tiến - Á quân giải International Cardistry Open 2016; Nguyễn Nhật Dương - Quán quân giải World Kardistry Championship,… và còn nhiều đại diện tiêu biểu khác nữa.
Nguyễn Hoàng Duy cùng chiếc cúp vô địch.
Không chỉ vậy, một bộ bài mang đậm nét văn hóa Việt Nam đã được sản xuất nhằm góp phần quảng bá hình ảnh nước nhà tới cộng đồng cardistry và thị trường quốc tế.
Doong Doong - bộ bài được thiết kế dựa theo hoa văn trống đồng Đông Sơn. (ảnh: facebook Tuyệt Duyệt)
Các bạn muốn xem và tìm hiểu thêm về bộ môn này? Hãy tìm những video của Dị Cardistry, Fontaine Cards, thevirts,… để thưởng thức nhé!