Câu chuyện cảm động về ngôi trường đặc biệt 40 năm không có cô giáo

Câu chuyện cảm động về ngôi trường đặc biệt 40 năm không có cô giáo
HHT - Trường tiểu học Tri Lễ 4 được thành lập từ năm 1976, điểm chính nằm tại bản Mường Lống. Đường đi hiểm trở, địa hình khắc nghiệt nên 40 năm nay lên Tri Lễ chỉ có các thầy giáo trẻ khỏe.

Cách trở biệt lập, không điện không sóng điện thoại, nên cứ vào trường là “rơi vào hang”, như thầy Hiệu phó Nguyễn Trọng Quyền ví von. Có thầy giáo, cha mất ở nhà nhưng mấy ngày sau về mới biết.

Bây giờ, muốn liên lạc lên Tri Lễ 4 cũng chỉ có ba cách. Một là gọi các thầy ở các điểm trường nơi có sóng, nhờ họ xuống tận điểm chính nhắn tin. Hai là chờ người thân kiếm được điểm có sóng, chủ động gọi về. Ba là viết thư, ra đoạn ngã ba rẽ vào Mường Lống, đón xem ai về bản thì gởi theo.

Câu chuyện cảm động về ngôi trường đặc biệt 40 năm không có cô giáo ảnh 1

Tri Lễ 4 có một điểm duy nhất có thể dò sóng điện thoại. Đó là dốc thầy Tài nằm phía trên trường, cách độ 10 phút đi bộ, có thể nhìn thấy lúc đứng ở sân trường. Nó nằm trên một đỉnh núi. Có tên đó là vì cách đây vài năm thầy giáo tên Tài lên dò sóng gọi điện thoại về nhà đã bị ngã gãy chân. Ngay trong chiều tối, anh em trong trường và dân bản móc chiếc chăn đơn làm cáng, khiêng bộ thầy ra đường nhựa vì trời mưa lầy và đêm tối, không thể đi xe được.

Sau cú ngã, thầy Tài được chuyển về trường ở vùng dễ đi lại hơn, vì cái chân gãy khiến thầy không thể mỗi tuần lại vượt đường rừng lên núi.

Chỉ quanh điểm trường chính đã có đến bốn con dốc được đặt tên theo những người hay bị ngã.

Ngay cả thầy Xồng Bá Thành là người H’Mông bản địa, nhà ở cách điểm trường Tri Lễ 4 khoảng vài trăm mét cũng vinh dự được đặt tên cho một con dốc: dốc thầy Thành. Vì thầy cứ ngã oành oạch ở dốc đó suốt.

Câu chuyện cảm động về ngôi trường đặc biệt 40 năm không có cô giáo ảnh 2

41 năm qua kể từ khi thành lập vào 1976, nhiều thế hệ thầy giáo đã lên đỉnh trời dạy chữ từ khi phải băng rừng cả ngày mới vào được bản, ngủ trên những chiếc sạp đóng bằng thân tre nứa đập dập giữa cái rét cắt da giữa biển mây, leo núi lên tận những nải (nương rẫy) xa cõng từng đứa học sinh về trường bắt học. Có những đứa trẻ H’Mông ở bản Mường Lống, bản Huổi Mới, bản Nậm Tột, bản Huổi Xái… học hết cấp 3, lên cao đẳng, đại học, tỏa đi khắp nơi làm việc. Ngay trong trường Tri Lễ 4 cũng có không ít thầy vốn là học trò cũ.

Câu chuyện cảm động về ngôi trường đặc biệt 40 năm không có cô giáo ảnh 3

Thầy Thò Bá Sinh là dân bản địa, có mấy anh con trai: Một anh học xong Cao đẳng, làm công an ngoài huyện Quế Phong; Thò Bá Chò thành đồng nghiệp với bố, dạy ở điểm trường Huổi Mới 2; một đang học năm cuối Đại học Luật năm cuối ở Vinh, con trai út đang học lớp 10. Bản thân thầy Sinh là một tấm gương cho người H’Mông: Khi còn trẻ đi học sơ sơ rồi về dạy, rồi học lên dần, hết cao đẳng, đến đại học. Thầy đã tốt nghiệp đại học sư phạm cách đây vài năm, cả cha và con học một trường cùng lúc.

- Mình là người H’Mông, mình thương người H’Mông mình lắm. Nếu không đi học thì suốt đời cứ sống tối tăm thế này thôi, cả đời không ra khỏi núi mô. Ở đây người H’Mông như gia đình mình chỉ có một thôi, nên mình phải làm gương cho người H’Mông mình - thầy Sinh nói.

Câu chuyện cảm động về ngôi trường đặc biệt 40 năm không có cô giáo ảnh 4

Nơi núi cao biên viễn, một năm chỉ có 3 tháng nắng trong, đường khô ráo, còn đến 9 tháng chìm trong sương mù, mưa rừng và giá rét. Thầy giáo trẻ Vi Văn Đào hôm 22/11 vừa rồi, lên trường Huổi Mới bị ngã lăn quay một mình dưới con dốc trơn, giữa rừng.

Thầy viết trên facebook:

Con khóc mà chẳng thấy bụt đâu

Giữa chốn sơn lâm hiu quạnh này

Tay ôm đầu gối, mặt nhăn nhó

Môi mím chặt, mắt cay cay

Máu chảy xuống chân, đỉa ngọ ngẻo

Chờ người đi qua mà đâu có

Mình lại tự mình gắng tiếp thôi

Tay dắt xe, chân cố đẩy

Tám cây số nữa đến bản thôi,

Lòng tự nhủ rằng phải cố gắng

Học sinh đang chờ hãy cố lên.

ĐÔNG QUÂN - Ảnh: Ekip cung cấp

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm