Giải Oscar và Grammy:

Câu chuyện gia đình lên ngôi

TP - Không chỉ trong văn học, những câu chuyện gia đình hiện đã thống trị cả giải Oscar lẫn Grammy sau rất nhiều năm các nghệ sĩ chỉ chuyên tâm với tiêu chí “vị nghệ thuật” và những phương thức biểu đạt mới. Thời gian gần đây, nhất là sau khi thế giới trải qua một trận đại dịch làm rúng động lòng người, những câu chuyện ấm áp, giản dị lần lượt được rất nhiều nghệ sĩ tôn vinh.

Thông điệp của Oscar: đi đâu xa cũng không được quên gia đình!

Tượng vàng Oscar năm 2022 thuộc về “Coda” - một bộ phim độc lập của nữ đạo diễn Sian Heder phóng tác từ tác phẩm “La Famille Bélier” (Gia đình Bạch Dương- 2014) của đạo diễn người Pháp Éric Lartigau, chứ không phải sản phẩm được đầu tư khủng kiểu Hollywood như truyền thống trước đó.

Câu chuyện gia đình lên ngôi ảnh 1

Hình ảnh Lukas Forchhammer và người cha trong ca khúc tỷ view “7 years”

Ban đầu, người ta giải thích Coda là viết tắt của “Childs of deaf adults” - Những đứa con nhà câm điếc. Nhưng như thế thì đơn giản quá. Về sau, chính Sian Heder tiết lộ, Coda là một ký hiệu trong âm nhạc, và nó bao giờ cũng xuất hiện một cặp chứ không đứng một mình. Khi gặp kí hiệu này, nhạc công phải quay trở lại đầu bản nhạc, chơi tới kí hiệu coda đầu tiên và nối tiếp vào kí hiệu coda tiếp theo.

Đó cũng là thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm. Ở phần cuối phim, nhân vật chính Ruby Rossi (Emilia Jones đóng) đã quyết định tạm xa cái gia đình “hoàn toàn phụ thuộc” vào cô, cái gia đình coi cô như tai và miệng của họ để đến học trường nhạc, nhưng sau khi xe lăn bánh, Ruby yêu cầu tài xế dừng lại, chạy về phía bố mẹ và anh trai để ôm họ thêm lần nữa. “Coda” ở đây nghĩa là dù đi xa nhưng không được quên gốc gác, không được quên gia đình, và dù thế nào cũng phải quay lại.

Câu chuyện gia đình lên ngôi ảnh 2

Câu chuyện gia đình “Coda” đoạt tượng vàng Oscar 2022

“Coda” kể về một gia đình câm điếc, cả nhà chỉ có cô út Ruby là bình thường. Hầu như mọi giao tiếp và kết nối với thế giới bên ngoài của gia đình Rossi đều do Ruby đảm nhận, từ việc giao thương với mọi người ở cảng cá (nơi kiếm sống của gia đình cô) cho đến việc gặp bác sĩ để thông ngôn về một chứng bệnh tình dục của bố mẹ. Điều hay ho nhất ở “Coda” chính là dù làm phim về người khuyết tật nhưng suốt gần hai giờ đồng hồ không có một chi tiết bi lụy, mélo (làm quá) nào. Đoạn phim duy nhất cho người xem thử vai người điếc là khi Ruby đang biểu diễn trên sân khấu thì mọi âm thanh biến mất, đạo diễn cố tình cho khán giả cũng cảm nhận được cảm giác của gia đình Rossi khi đi nghe hòa nhạc. Và đó là một phút nhập vai rất đắt giá.

Gia đình khuyết tật trong phim sống, làm việc, làm tình, cạnh tranh sòng phẳng cho công việc của mình, chửi thề bằng thủ ngữ... mà không có bất kỳ mặc cảm, đóng vai nạn nhân hay oán trách xã hội. Người xem cũng chẳng phải mang cảm giác thương hại hay chia sẻ gì với họ, họ ổn. Ông bố điếc nhưng mê jazz thế là bắt cả thế giới phải nghe jazz âm lượng cao trên cái xe bán tải của ông. Anh giai điếc rất mạnh mẽ khi “nói”:” “anh là đàn ông mà, anh là anh mà, có anh lo” để khuyên đứa em không cần từ bỏ ước mơ để ở nhà giải quyết gánh nặng gia đình. Còn bạn trai nữ chính, con trai duy nhất của một cặp giáo sư thì hâm mộ gia đình Ruby vì “bố mẹ cậu yêu nhau và mọi người sống thật ấm áp, vui vẻ”.

Một chi tiết đáng chú ý là trong đường đua đến tượng vàng Oscar trước đó, hai bộ phim với đề tài gai góc hơn như “The power of the dog” và “Drive my car” gần như bỏ xa các đối thủ. Những người nghiện phim cũng cho rằng, đây là hai ứng cử viên xứng tầm. Nhưng vào phút cuối, chiến thắng lại thuộc về “Coda”. Giới quan sát cho rằng, điều này hoàn toàn có thể lý giải. Bởi sau khi thế giới vừa bước qua một “hiện thực rối ren”, người xem (bao gồm cả ban giám khảo và các nhà phê bình khó tính) cũng đã trở nên bớt khắt khe và dễ mềm lòng hơn với những câu chuyện nhẹ nhàng, giàu tính nhân văn và đề cao giá trị gia đình.

Khi ta hát bài ca về gia đình

Giải Grammy năm nay (lần thứ 64) chấm “Leave the door open” (Bruno Mars, Anderson) là Bài hát của năm, một ca khúc cua gái không thể xuất sắc hơn. Tuy nhiên, team “ngầm” thì lại lặng lẽ nhưng không kém phần phấn khích chuyền tay nhau "Daddy's Home" của nhạc sĩ người Mỹ Annie Clark với nghệ danh St. Vincent – được Grammy công nhận là album nhạc Alternative xuất sắc nhất. Tiêu đề của album, “Daddy’s Home”, ám chỉ đến việc bố của Annie được ra tù.

Annie Clark, 38 tuổi, đã dành phần lớn thời gian của năm 2020 để di chuyển giữa nhà của cô ở Los Angeles và gia đình lớn ở Texas. Về mặt âm nhạc, Clark bày tỏ lòng kính trọng đối với những tiền bối của thập niên 70, bao gồm cả huyền thoại David Bowie, Pink Floyd, và cả Sheena Easton. Bằng cách pha trộn những âm hưởng âm nhạc của quá khứ xen lẫn các âm thanh hiện đại, “Daddy's Home” được đánh giá là một album tràn ngập những giai điệu tuyệt đẹp, cấu trúc âm thanh tinh tế và những suy niệm đầy chất thơ.

Đây không phải là lần đầu, đề tài gia đình gây bão trong cộng đồng nghe nhạc. Trước đó, Lukas Forchhammer (trưởng nhóm nhạc Lukas Graham) từng có một bản pop đầy da diết về tình yêu gia đình - ca khúc “7 years” đạt hơn 1 tỷ lượt nghe. Ca khúc này sau đó được ba đề cử giải Grammy tại lễ trao giải thường niên lần thứ 59, đứng đầu các bảng xếp hạng ở Úc, Áo, Canada, Đan Mạch, Ireland, Ý, New Zealand, Thụy Điển và Vương quốc Anh, cũng như lọt vào top 10 ở hầu hết những quốc gia nó xuất hiện. Tại Hoa Kỳ, nó đạt vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

Sở dĩ tôi nhắc đến Lukas Forchhammer là vì từ tháng 7 năm ngoái, tên anh đã trở thành một từ khóa rất hot với khán giả Việt sau cú bắt tay với “hoàng tử Indie” Vũ để cùng cover ca khúc “Happy for you”.

Quay trở lại với “7 years”, Lukas chia sẻ anh viết ca khúc khi cha mình ra đi ở tuổi 61. Cái chết của ông khiến anh nhận ra cuộc sống thật ngắn ngủi: " Chúng ta có thể chạy theo danh vọng, theo những khát vọng và ước muốn, nhưng điều tuyệt vời nhất là có ai đó ở bên bạn, yêu bạn tột cùng và trọn đời, có những đứa con dẫu bận rộn chạy theo tiền bạc vẫn về thăm bố của chúng một đến hai lần mỗi tháng".

Rất nhiều ca từ của “7 years” sau đó trở thành những trích dẫn được người ta nói với nhau vào mọi dịp. Khi bé thì: "My momma told me: go make yourself some friends or you’ll be lonely” (Mẹ nói với tôi: ra ngoài và kiếm lấy vài đứa bạn đi chứ, không con sẽ cô đơn cả đời đấy)! Lớn lên, những người bạn có lẽ chưa đủ, bố lại nói với tôi, một người vợ mới là người đồng hành với con cả đời (my daddy told me: Get yourself a wife or you’ll be lonely).

Hình ảnh người cha được nhắc tới khá nhiều trong "7 years", Lukas Forchhammer từng chia sẻ: "Ca khúc này cơ bản là nói về việc trở thành một người cha tốt, người mà con cái bạn muốn về thăm. Tôi có một người cha rất đáng kính, và tôi muốn trở thành một người như ông ấy".

Nỗi cô đơn là một cảm giác thường trực trong “7 years”, có lẽ cũng là cảm giác thường trực của đời người: “liệu thế giới có trở nên quá lạnh nhạt? Liệu có ai ở bên sưởi ấm cho ta”? Nhưng điều khiến những người hâm mộ Graham phải nghe đi nghe lại ca khúc của anh, là cho dù đường đời gian khó và tê lạnh cỡ nào, ta vẫn có thể tìm được cho mình hơi ấm của yêu thương, ở cha mẹ, vợ con – những người được gọi chung là gia đình của ta.