Vì sao hát live tệ như Chipu lại có thể tự tin gọi mình là ca sĩ?
Trên lý thuyết, hát live là người hát dùng giọng thật để trình diễn trực tiếp trên sân khấu mà không có sự can thiệp sâu của kĩ thuật phòng thu. Chipu đã hát live 100%, nhưng tốt hay dở đó lại là câu chuyện khác. Vậy điều gì khiến Chipu tự tin cầm mic và bước lên sân khấu để trình diễn trực tiếp?
Chipu không phải là trường hợp duy nhất bị dư luận chỉ trích nặng nề về giọng hát. Khán giả có thể dễ dàng kể ra hàng loạt cái tên với khả năng hát live “siêu lỗi” trên sân khấu. Lúc này công chúng bắt đầu hoài nghi rằng: Phải chăng hát live “lệch tông” là căn bệnh cố hữu của không ít ca sĩ V-Pop?
Khán giả hay người cầm mic nên có trách nhiệm?
Xét ở góc độ người viết, chúng ta đang không công bằng khi “ném đá” khả năng hát của Chipu, khi mà từ trước đến nay chúng ta đã không hề nghiêm khắc với những trường hợp ca sĩ hát live “dở”. Chính sự dung dưỡng và dễ dãi khiến căn bệnh hát live “lạc lối” mọc rễ ở bộ phận ca sĩ V-Pop hiện nay.
Đã đến lúc mọi người cần có sự khắt khe hơn và quan điểm âm nhạc đúng đắn hơn đối với những người cầm mic. Đó không chỉ là giọng hát mà còn ở bản chất nghệ sĩ, sự kiên trì vượt khó và sự tiến bộ từng ngày trong âm nhạc. Bên cạnh đó, khán giả cũng nên ý thức hơn về việc mua nhạc bản quyền. Vì nó cho thấy rõ ràng sự đón nhận của công chúng với tác phẩm. Không ai bỏ tiền mua những bài hát, và nghe những giọng ca họ không thích. Hơn nữa, rất vô lý khi bạn nghe nhạc không bản quyền nhưng đòi hỏi quá nhiều ở người nghệ sĩ. Sự nghiêm khắc, trách nhiệm và sự tôn trọng của công chúng sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường âm nhạc, và tạo ra chất xúc tác để đào thải những nhân tố không thích hợp.
Trong diễn biến gần nhất, “dân trong nghề” nổ ra tranh cãi với ý kiến cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, và bỏ phiếu cấm hát với những người hát live “tệ”. Đây có thể xem là dấu hiệu đáng mừng khi ca sĩ đã bắt ý thức hơn về nghề của mình. Nhưng nếu việc cấp thẻ hành nghề dựa trên khả năng hát live tốt thì không đúng.
Mặt khác, nếu gọi ca sĩ là một ngành nghề thay vì một đam mê thì vai trò và trách nhiệm của ca sĩ là gì? Tiêu chí lựa chọn ca sĩ ra sao? Chức năng hoạt động của họ như thế nào? Những chế độ và quy định ngành nghề nào cho những ca sĩ hoặc những người cầm mic? Hay chính ca sĩ phải tự tạo cho mình một ý thức rằng: “Đam mê và quyết tâm thôi chưa đủ mà muốn trở thành nghệ sĩ trước tiên là tố chất, khả năng được rèn giũa kĩ càng”.
Bài toán dành cho thị trường
Rất nhiều giọng ca được yêu thích không phải là những chất giọng “khủng”, mang tầm vóc Diva/Divo hoặc được gọt giũa bài bàn từ các trường âm nhạc hàng đầu. Thước đo dành cho âm nhạc đơn thuần chỉ là trái tim của khán giả.
Khán giả Việt Nam có xu hướng chuộng phong cách giải trí. Nghĩa là ca sĩ không chỉ hát mà còn phải có cá tính âm nhạc nổi trội, có khả năng giao tiếp tốt với fan. Không phải ngẫu nhiên mà những ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Vũ Cát Tường, Soobin Hoàng Sơn, Bích Phương hay Noo Phước Thịnh được xem là hàng hiếm của V-Pop. Những sân khấu của họ chưa từng khiến người hâm mộ thất vọng về phần nghe lẫn phần nhìn. Đồng thời fan service (những cử chỉ dành cho fan) của họ cũng “ghi điểm” rất lớn trong lòng công chúng.
Chipu có thừa thông minh để biết định hướng của mình. Cô ấy thừa sức mạnh để gánh chịu những phản hồi trái chiều từ dư luận. Nhưng cô ấy quá “ngây thơ” nghĩ rằng công chúng sẽ sẵn sàng dành cho mình thời gian, bởi không phải ca sĩ nào xuất phát điểm cũng có giọng hát đủ tốt. Trở lại vấn đề: “Điều gì khiến Chipu tự tin tuyên bố từ nay hãy gọi mình là ca sĩ?”. Vì bản thân cô ấy có tính giải trí mà công chúng đang cần.
Ca sĩ hát live có quan trọng hay không? Xin khẳng định rằng có nhưng hát live tốt hay không, có nên tiếp tục làm ca sĩ hay không hãy để câu chuyện đó cho thời gian.
VIO THÁI - Nguồn ảnh: Tổng hợp từ Internet
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả