Thomas McFall, 19 tuổi, là sinh viên của trường Đại học Youngstown (Mỹ). Cậu ấy đã lên Twitter viết về một người bạn cùng lớp mình - đó là một sinh viên người nước ngoài, ngồi cạnh Thomas trong mọi giờ học môn Quản lý. Và người bạn đó có một thói quen cực kỳ phiền, đến mức mà Thomas, bình thường vốn chỉ thích viết những chuyện châm biếm, đã phải đăng những đoạn chia sẻ rất nghiêm túc - và rất ấm áp. Câu chuyện của Thomas bỗng trở thành hiện tượng viral trên Twitter - điều mà chính cậu cũng không ngờ tới. Dưới đây là toàn bộ những gì Thomas viết - một câu chuyện mà chúng ta đều nên đọc:
“Chào các bạn, tôi biết tôi thường chỉ đăng những chuyện cười vớ vẩn lên Twitter, nhưng hôm nay tôi muốn chia sẻ một chuyện.
Với môn học Quản lý, tiết nào tôi cũng ngồi ở cùng một chỗ, ngay hàng đầu. Ngày nào tôi cũng ngồi đó.
Ngồi cạnh tôi là một anh sinh viên người nước ngoài, không nói được tiếng Anh mấy. Câu tiếng Anh phức tạp nhất mà tôi từng nghe anh ta nói là: “Wow, bánh muffin của tôi ngon quá!”.
Anh này có một thói quen là chất tất cả mọi thứ của anh ta lên chính chỗ bàn mà tôi ngồi. Nào túi, nào thức ăn, nào sách vở, còn cả điện thoại của anh ta nữa, LUÔN ở đúng trên mặt bàn chỗ tôi ngồi.
Rồi mỗi lần tôi vào lớp, anh ta nói: “A, Tom. Cậu đây rồi. OK”. Và anh ta bắt đầu cuống cuồng dọn đồ ra khỏi chỗ bàn tôi. Xong anh ta có thói quen nói: “Sẵn sàng học chứ?”, và giơ tay để đập tay với tôi. Ngày nào anh ta cũng thích đập tay với tôi!
Tôi LUÔN khó chịu với anh này. Tôi nghĩ: “Này, anh biết thừa là tôi ngồi chỗ này, ngày nào cũng vậy. Sao anh luôn chất đống mấy thứ vớ vẩn của anh lên bàn tôi?”. Và điều tôi chán nhất chính là đập tay với một người gần như không biết nói ngôn ngữ của mình, vào lúc 8h sáng hàng ngày.
Làm ơn, tống những thứ đồ của anh ra khỏi bàn tôi thì hơn!
Nhưng hôm nay tôi vào lớp muộn vài phút. Thực ra, tôi dừng lại bên ngoài phòng học vì tôi phải gửi một tin nhắn. Liếc nhìn qua cửa, tôi có thể thấy chỗ ngồi của mình. Tất nhiên, bàn tôi vẫn đầy đồ của anh ta. Y như mọi khi.
Trong khi tôi đang đứng bấm điện thoại thì một sinh viên khác cũng đến muộn nhưng bước vào lớp trước tôi và định ngồi vào chỗ tôi, vì đó là chỗ gần cửa nhất.
Anh sinh viên ngồi cạnh chỗ tôi ngăn không cho cậu kia ngồi xuống và bảo: “Tôi rất tiếc, nhưng người bạn tốt của tôi là Thomas ngồi ở chỗ này”.
Lúc này, tôi mới nhận ra rằng anh sinh viên nước ngoài kia không chất đồ lên bàn để gây khó dễ cho tôi. Anh ấy giữ chỗ cho tôi mỗi sáng.
Hóa ra lâu nay, anh ấy coi tôi là bạn nhưng tôi còn quá bận nghĩ đến chính mình, nên chẳng bao giờ buồn để tâm.
Nói ra thì hơi sến, nhưng tôi xúc động thật sự.
Cuối cùng, tôi cũng vào lớp. Tất nhiên, anh ấy vội vàng dọn đồ và nói: “A, Tom, cậu đây rồi. OK”. Và tôi nhận được một cái đập tay.
Hết giờ học, tôi hỏi anh ấy có muốn ăn trưa với tôi không. Chúng tôi đã ăn trưa cùng nhau, và nói chuyện. Tôi cũng cố hiểu được những câu tiếng Anh lủng củng của anh ấy.
Anh này chuyển từ Trung Đông đến Mỹ để cố gắng lấy bằng đại học tại Mỹ. Anh ấy dự định là sau khi lấy được bằng thì sẽ về nước. Anh ấy đã có vợ và hai con. Anh ấy vừa học vừa làm, và còn dư bao nhiêu tiền thì gửi hết về cho vợ con. Anh ấy nói: “Không phải ai cũng tốt với tôi như cậu đâu, Tom”.
Tôi trả tiền bữa trưa, tất nhiên. Anh ấy xứng đáng như vậy. Anh ấy lại đập tay cảm ơn vì tôi mời bữa trưa.
Bài học từ câu chuyện này? Đừng làm như tôi đã làm và chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Phải mất gần một học kỳ thì tôi mới có thể “tỉnh ngộ” khỏi sự ích kỷ của mình và nhận ra rằng anh sinh viên ngồi bên cạnh chỉ muốn làm bạn với tôi. Nhưng tôi nghĩ thà nhận ra muộn còn hơn là không”.