Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với thế mạnh sinh sống, làm việc tại nhiều nước trên thế giới, không ít kiều bào Việt đã góp phần đưa nhiều sản vật địa phương ra biển lớn; đồng thời bắt tay cùng doanh nghiệp (DN) trong nước tạo chuỗi cung ứng của người Việt trên thị trường quốc tế.

Món dân dã chinh phục thế giới

Là DN có kinh nghiệm đưa nước mắm tiếp cận sàn giao dịch Amazon, cũng như thành công trong việc đưa vải thiều sang châu Âu, xuất gạo ST25 sang Canada và Anh, ông Lê Bá Linh (kiều bào Thái Lan), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Pacific Foods tâm sự: “Động lực của tôi chính là cố gắng hết sức đưa sản phẩm Việt Nam lên bàn ăn thế giới, và cho thế giới biết Việt Nam cũng có những sản phẩm chất lượng cao”.

Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới ảnh 1

Ông Nguyễn Trung Dũng (kiều bào Ba Lan) đã đưa gia vị Việt đến nhiều quốc gia trên thế giới

“Khoe” thành quả là những chai nước mắm màu cánh gián sánh đậm và có mùi thơm đặc trưng đang đứng top 1 trên Amazon, ông Lê Bá Linh nhớ lại, hành trình để đưa nước mắm ra bàn ăn thế giới gặp không ít khó khăn. Vốn có nhiều năm kinh doanh gia vị tại thị trường nước ngoài, song ông Linh vẫn mong muốn một ngày nào đó, sẽ đưa nước mắm và nhiều nông sản, trái cây, đồ uống… của Việt Nam đến các thị trường mới. “Ông nội và ba tôi đều là kiều bào Việt Nam ở Thái Lan, đã hồi hương theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước để góp phần xây dựng quê hương, đất nước trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 2008 tôi về nước với quyết tâm đưa nước mắm truyền thống Việt Nam với thương hiệu Mami, Hảo Hạng ra thị trường thế giới” - ông Linh bộc bạch.

Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới ảnh 2

Kiều bào kết nối với DN trong nước đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế

Thoạt nghe có vẻ dễ dàng, nhưng phải mất 2 năm, những chai nước mắm truyền thống Mami đầu tiên mới vượt qua các vòng kiểm tra khắt khe để có chứng nhận FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ). Thừa thắng xông lên, doanh nhân này nuôi tham vọng xuất khẩu thêm nhiều hàng Việt vào các nước trên thế giới

Với chiến lược bài bản và nỗ lực không ngừng, Pacific Foods liên tục đưa nhiều sản phẩm, nông sản Việt “xuất ngoại” như: tương ớt, nước sâm bổ lượng, gạo thơm Sóc Trăng ST25 Bless Rice, ngũ cốc, trái cây và sắp tới là các sản phẩm từ cá tra, cá thác lác, cà phê, trái cây sấy khô… Đầu năm 2022, Pacific Foods là đơn vị đã xuất khẩu 2 lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam tới các đối tác quốc tế ở EU với 27 quốc gia, để hưởng những ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Pacific Foods cũng xuất lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên đến thị trường này… Và sắp tới, sẽ còn nhiều sản phẩm Việt đang được “ủ mưu” chuẩn bị ra biển lớn. “Chúng tôi có tình yêu to lớn với nông nghiệp Việt Nam, nếu có cơ hội là chúng tôi xuất khẩu ngay. Khó khăn rất nhiều nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ cuộc” - ông Lê Bá Linh tâm sự.

Làm tận gốc, xuất khẩu tận nơi

Khi nghe ông Nguyễn Trung Dũng (kiều bào Ba Lan) kể câu chuyện về Việt Nam khởi nghiệp từ gia vị ở cái tuổi ngấp nghé 50, ắt hẳn không ít người bất ngờ. Vậy nhưng ông cười hiền lành, với lý do thật giản đơn: “Gia vị Việt ở nước ngoài được ưa chuộng nhưng rất khó để mua. Trong khi ở Việt Nam, gia vị tuy nhiều nhưng xuất khẩu không nhiều. Đó là điều tôi luôn tâm tư, trăn trở, mong một ngày nào đó, những gia vị Việt tự nhiên, sạch và tiện dụng sẽ có mặt trên khắp thế giới, cho các bữa ăn ngon hơn và mọi người hạnh phúc hơn”.

Nâng niu từng lọ sản phẩm chuẩn bị xuất xưởng tại nhà máy Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), ông Dũng bộc bạch, nhà máy đang chạy hết công suất hoàn thành đơn hàng lớn cho đối tác ngoại; đồng thời cải tiến sản phẩm từ chất lượng đến bao bì để tháng 11 tới đây, Dh Foods có thể sẽ tham gia đoàn đi Mỹ do Bộ Công Thương tổ chức và có buổi làm việc để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Costco. Chia sẻ về lịch trình, ông Dũng cho hay, kế hoạch năm nay sẽ sang Pháp dự triển lãm ở Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Sial Paris để gặp gỡ các đối tác, nhằm xúc tiến đưa gia vị Việt vào các siêu thị Carefour và Leclerc; năm 2023 sẽ tham gia Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Anuga (Đức), triển lãm ở Tokyo, Seoul, Dubai…. ông Dũng khẳng định: “Muốn xuất khẩu, đưa hàng Việt vào nhiều quốc gia, mình phải đến tận nơi, tiếp xúc các khách hàng để tìm hiểu nhu cầu của họ”.

Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới ảnh 3

Nhiều gia vị Việt rộng cửa xuất khẩu thông qua kênh kiều bào

Tháng 5/2013, Dh Foods cho ra mắt ba sản phẩm muối chấm Tây Ninh kèm hai sản phẩm bột nêm thịt/bột nêm tôm và rau củ với công thức phối trộn hoàn toàn dựa trên nguyên liệu tự nhiên. Đây cũng là những bước đi đầu tiên mở ra hành trình chinh phục thị trường trong nước và đưa gia vị Việt vươn tầm thế giới. Đến nay, danh mục gia vị vùng miền của Dh Foods đã có hơn 150 sản phẩm như gia vị mắc mật, chẩm chéo, quế hồi thảo quả của miền Bắc, các loại muối chấm Tây Ninh, sốt chấm Nha Trang, gia vị Phở bò Sài Gòn, Phở gà Hà Nội hay nước mắm Phú Quốc cùng nhiều loại gia vị đặc sản của các địa phương khác.

Hiện tại, sản phẩm của Dh Foods đã hiện diện ở hầu hết các siêu thị tại Việt Nam và xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, Mỹ, Anh, Đức, Nga… Đặc biệt thị trường Nhật và Hà Lan tăng trưởng 30-50%/năm. “Tôi nhớ mãi có sản phẩm phải kiểm định hơn 1.000 chỉ tiêu, liên tục điều chỉnh mẫu thử để thuyết phục đối tác Nhật Bản trong suốt hai năm. Tuy nhiên càng khó, mình càng không nản chí. Khi các bạn ở Nhật gửi cho tôi hình ảnh sản phẩm Dh Foods bày trên kệ ở siêu thị dành cho người Nhật cùng với những sản phẩm nội địa khác, tôi tự hào vì sản phẩm Việt Nam đã khẳng định được chất lượng tốt và được bạn bè thế giới công nhận” - Nhà sáng lập Dh Foods Nguyễn Trung Dũng chia sẻ.

Để hàng Việt thuận lợi tiếp cận thị trường tỷ dân, Tiến sĩ Trà My (kiều bào Trung Quốc), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc - người có hơn 10 năm xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường đông dân nhất thế giới chia sẻ, Hội có thể hỗ trợ bảo hộ thương hiệu cho DN Việt Nam muốn đưa thương hiệu Việt vào Trung Quốc, tư vấn và hỗ trợ DN Việt đăng ký logo, nhãn hiệu Việt. “Hội có showroom gian hàng quốc gia Việt Nam, tại TP YanTai (Trung Quốc). DN Việt có thể đưa hàng vào trưng bày và bán lẻ hàng miễn phí tối thiểu trong một năm. Đồng thời, Hội còn thiết lập được Trung tâm Thương mại Việt - Trung sẽ lựa chọn hàng tiêu biểu, chất lượng để kết nối các đơn hàng thương mại quốc tế” - bà My cho hay. Dự kiến mỗi 6 tháng, Hội sẽ tổ chức một lễ công bố sản phẩm Việt muốn vào thị trường Trung Quốc theo hình thức hội nghị tập trung mời 300 DN Trung Quốc đến chọn cơ hội giao thương. Tham gia chương trình này, DN Việt được hỗ trợ từ khi giới thiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại, ký hợp đồng đến khi giao dịch thành công...

Theo ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) TPHCM, hiện nay, ở trong nước ngày càng có nhiều DN sản xuất ra những mặt hàng có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ sản phẩm và phát triển kênh phân phối, nhất là phát triển hàng ở những nước có đông người Việt Nam sinh sống như Mỹ, Canada, Nga và các nước Đông Âu…

MỚI - NÓNG