Câu thơ nổi tiếng của Việt Nam bị hô biến thành tên bản dịch truyện ngôn tình Trung Quốc

HHT - Vụ việc câu thơ nổi tiếng "Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời” của nhà thơ Thục Linh lại thành tên bản dịch một truyện ngôn tình Trung Quốc đang nhận được sự quan tâm của cư dân mạng.

Ngày 9/11, trên trang facebook cá nhân, nhà thơ Trần Vương Thuấn, bút danh Thục Linh đã đăng tải bài viết về việc câu thơ "Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời" của anh bỗng dưng bị hô biến thành tên một truyện ngôn tình Trung Quốc được dịch và xuất bản ở Việt Nam, đó là quyển Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời.

Câu thơ nổi tiếng của Việt Nam bị hô biến thành tên bản dịch truyện ngôn tình Trung Quốc ảnh 1Nhà thơ Trần Vương Thuấn (Thục Linh) - Ảnh: FBNV

Điều này đã khiến nhà thơ Thục Linh không hài lòng. Anh viết:

"Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời" là câu thơ của mình. Tối thiểu về minh chứng, câu này nằm trong bài thơ "Treo Tình" của mình mà báo Tuổi Trẻ đã đăng năm 2004. Việc này nhiều người biết và còn báo lưu.

Lâu nay, khi câu này lưu truyền và sản sinh nhiều dị bản, bị bóp méo trong một bài hát, lẫn được ứng dụng vào các tình huống khác nhau, mình thường chỉ gãi đầu cười. Nhìn điều mình viết ra đi quá khỏi tưởng tượng, hình dung của mình cũng là một trải nghiệm hay. Nhưng lần này mình lên tiếng, một người dịch tên T.N đã dùng 2 câu này để làm tựa đề cho bản dịch một truyện ngôn tình Trung Quốc, của tác giả gì đó như trong ảnh, như thể đó là của chính tác giả Trung Quốc!“

Câu thơ nổi tiếng của Việt Nam bị hô biến thành tên bản dịch truyện ngôn tình Trung Quốc ảnh 2Ảnh: FBNV
Câu thơ nổi tiếng của Việt Nam bị hô biến thành tên bản dịch truyện ngôn tình Trung Quốc ảnh 3 Bản dịch ở Việt Nam - Ảnh: AmunBooks
Quả thật như anh Thục Linh chia sẻ, có một sự thật là lâu nay, rất nhiều người nhầm lẫn câu thơ nổi tiếng trên thành "Uống nhầm một ánh mắt/ Cơn say theo cả đời" và tưởng rằng đấy là thơ của một tác giả Trung Quốc nào đó. Bạn P.Thanh bình luận: “Hai câu thơ bất hủ, không biết bao người trích viết đăng facebook, cơ mà họ không biết nhà thơ Thục Linh đang ở đây”. Bạn Na.O cũng chia sẻ thêm: ”May mà anh đính chính, không là nhiều người bị lầm lắm, trong đó có em“. 

Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời là tác phẩm ngôn tình của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ. Tên gốc của truyện này theo tiếng Trung là Huyền ngoại chi âm, xuất phát từ một thành ngữ Trung Quốc với nghĩa đen là dư âm của tiếng đàn và nghĩa bóng để chỉ những điều không được biểu đạt đầy đủ nhưng đôi bên vẫn ngầm hiểu được. 

Câu thơ nổi tiếng của Việt Nam bị hô biến thành tên bản dịch truyện ngôn tình Trung Quốc ảnh 4 Ban đầu, khi được phổ biến trên mạng, tên truyện được dịch thành "Ai nghe chăng tiếng đàn định mệnh"

Tuy nhiên, khi chính thức được dịch và xuất bản ở Việt Nam, việc dịch giả dịch tên truyện thành Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời hoàn toàn có thể khiến người đọc hiểu nhầm đây đúng là tên gốc của tác phẩm.

Nhà thơ Thục Linh không đồng ý với việc dịch thuật này: ”Với tư cách là tác giả 2 câu thơ trên tôi không đồng ý cho việc sử dụng làm tựa đề này. Lý do đơn giản là việc này có thể khiến hai câu trên thời gian tới, sau khi mất sở cứ, sẽ trở thành của chính tác giả Trung Quốc ấy. Hai câu thơ có thể không có giá trị gì nhiều, nhưng tôi không thích chúng bỗng thuộc về một tác giả Trung Quốc, thế thôi. Tôi không có ý định kiện cáo pháp lý gì, nhưng nếu tôi không viết điều này ra, thì vài năm nữa, nghe người trẻ nào đó nói "một tác giả Trung Quốc viết 'uống nhầm một ánh mắt'", chắc tôi sẽ rất giận mình vì đã im lặng gãi đầu cười”.

Câu thơ nổi tiếng của Việt Nam bị hô biến thành tên bản dịch truyện ngôn tình Trung Quốc ảnh 5 Một đoạn trích trong bài thơ "Treo tình" của Thục Linh. Ảnh: Nam Duyên

Sau khi nhà thơ lên tiếng, A. - đơn vị phát hành tác phẩm Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời đã lập tức liên hệ với tác giả Trần Vương Thuấn để trao đổi tình hình. Đơn vị A. cũng cho biết về sự ra đời của tên cuốn sách Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời:

- Đây là cuốn sách công ty A. mua bản quyền của Trung Quốc, với tên sách gốc là: 弦外之音 

- Trong quá trình biên tập tác phẩm, Biên tập viên (BTV) của A. nhận thấy ý thơ trong 2 câu thơ “Uống lầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời” của đoạn thơ "Uống lầm một ánh mắt/ cơn say theo nửa đời / Thương thầm một nụ cười/ cả một đời phiêu lãng” rất phù hợp với nội dung cuốn sách. Sau đó, BTV đã đề xuất đặt tên mới này cho tác phẩm để thu hút độc giả hơn.

- Trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc các câu thơ này, BTV A. đã nhầm lẫn khi tìm thấy kết quả từ ý thơ ngôn tình của tác giả khuyết danh Trung Quốc vốn phổ biến trên mạng lâu nay và cho rằng đây là nguồn gốc câu thơ.

- Do đó, kèm theo đề xuất đặt tên theo ý thơ trên, BTV của A. cũng đã đề xuất đặt chú thích lên trang bản quyền cuốn sách về nguồn gốc của ý thơ trên (do BTV chỉ sưu tầm tứ thơ trên mạng), và cuối cùng, cuốn sách đã được đặt tên như tên gọi hiện tại kèm theo chú thích về tên gọi này đã được A. đặt lên sách (trang 4 của cuốn sách - như trong hình).

Câu thơ nổi tiếng của Việt Nam bị hô biến thành tên bản dịch truyện ngôn tình Trung Quốc ảnh 6

Ảnh: AmunBooks
Sau khi làm rõ sự việc, đơn vị A. đã đăng lời xin lỗi trên fanpage chính thức. Tác giả Trần Vương Thuấn đã chấp nhận lời xin lỗi từ phía đơn vị xuất bản A..
Theo Ảnh tổng hợp từ Internet
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?