Cây hồng cổ xuyên không

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cây hồng bám trụ đất Việt trăm năm có lẻ bỗng một ngày được “xuyên không” sang Hàn… Cũng đủ để chứng tỏ sự yêu thích văn hóa truyền thống là có thật, dù là truyền thống… nước khác. May mà vẫn có những người trẻ đưa hoa văn họa tiết truyền thống Việt quay lại với đời sống hiện đại hôm nay.
Cây hồng cổ xuyên không ảnh 1

Gia đình có cây hồng ở Ninh Bình nhanh nhạy cho du khách thuê trang phục Hàn Quốc để chụp ảnh

Ảnh: Thanh Huyền

Mùa quả năm ngoái, cây hồng lâu năm ở gần Hang Múa, Ninh Bình thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn bất chấp COVID. Thêm nhiều kiểu ảnh mọi người mặc quần áo cổ trang Hàn Quốc chụp dưới gốc cây trĩu quả được tung ra. Vài khoảnh khắc vui vờ như mình đang du lịch nước ngoài. Gần nhà tôi có đại sứ quán Hàn Quốc. Ngày đẹp trời đi qua sẽ thấy kha khá người trẻ tạo dáng chụp ảnh bên tường bao của tòa nhà mới xây này. Họ hẳn vốn đã có cảm tình với văn hóa xứ Hàn và bức tường cho phép họ bày tỏ điều đó. Thế là những hoa văn đặc Hàn trên tường càng có dịp lan xa qua mạng xã hội.

Trong bối cảnh đô thị hiện đại với những nét kiến trúc, thiết kế ngay hàng thẳng sổ coi trọng công năng, con người có xu hướng tìm về những nét trang trí thuần túy đẹp để cân bằng. Hoa văn truyền thống trở thành chiếu nghỉ cho những cặp mắt cũng như tâm hồn bận rộn, mỏi mệt. Cũng chỉ là một biểu hiện của lòng yêu cái đẹp mà thôi. Nếu Việt Nam biết cách để chắt lọc những tinh túy từ kho tàng mỹ thuật tổ tiên, đưa vào đời sống, chắc chắn cũng sẽ được người dân đón nhận như vậy, có khi còn nồng nhiệt hơn.

Cây hồng cổ xuyên không ảnh 2

Xuân Lam mặc áo Ngũ hổ bên tranh Ngũ hổ tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam tháng 12/2019 - Ảnh: NVCC

Đấy là tôi cứ từ mình mà suy. Hồi giãn cách ở nhà hay lên mạng sắm sửa, tình cờ thấy khẩu trang và bao lì xì in hình rồng thời Trần, thời Nguyễn… tôi mua ngay, vừa dùng vừa cho. Vì nó đáp ứng đúng mong muốn của tôi rất lâu rồi, từ lần đầu nhìn thấy các bao lì xì của Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Cũng phải đến cả chục năm sau mới bắt đầu xuất hiện bao lì xì trong nước thiết kế. Và mãi cuối năm ngoái tôi mới thấy bao lì xì sử dụng hoa văn Việt cổ nguyên bản. Thêm quả khẩu trang, vật bất ly thân thời COVID cũng được khoác lên màu cờ sắc áo dân tộc sao không đeo ngay cho được. Những sản phẩm này chính là kết quả của một dự án gây quỹ cộng đồng do nhóm Đại Việt Cổ Phong khởi xướng tháng 1/2016. Sau một năm, họ được trao 200 triệu đồng để ra cuốn sách tô màu tập hợp 250 mẫu hoa văn tiêu biểu qua các triều đại phong kiến tự chủ (từ Lý đến Nguyễn).

Giờ là lúc hoa văn họa tiết truyền thống quay lại với đời sống, dù có hơi muộn. Nếu dự án Hoa văn Đại Việt cố gắng phục nguyên họa tiết cổ đưa vào sản phẩm tiêu dùng thì họa sĩ Xuân Lam tái hiện chúng theo cách riêng. Dù được đào tạo tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam hẳn hoi nhưng khi phát hiện ra phòng trưng bày tranh dân gian trong bảo tàng Mỹ thuật vào lúc sắp tốt nghiệp, Lam vẫn có cảm giác vỡ òa, choáng ngợp.

Lập tức Lam kết nối với những ấn tượng về những Ngũ hổ, Đám cưới chuột treo ở nhà bà ngoại đã theo cậu suốt năm tháng tuổi thơ. Lam vẽ lại Ngũ hổ, dùng kỹ thuật đồ họa chuyển màu cho tươi tắn sinh động hơn. Tác phẩm đưa lên Facebook nhận được bão like và Lam cảm thấy như “Ơ-rê-ca tại sao mình không đi con đường này”.

Các bức tranh Đông Hồ được thêm màu và chi tiết để không còn chênh lệch nhiều với Hàng Trống - vốn là dòng tranh cao cấp đắt tiền hơn. Hai triển lãm của Lam được đón nhận nồng nhiệt. Lam in các bức vẽ lên áo, túi… như đồ lưu niệm của triển lãm. Các sản phẩm này lọt mắt Tired City- một nhóm bạn trẻ vừa khởi nghiệp thời trang. Và nhiều mẫu trong bộ sưu tập áo may sẵn in tranh Xuân Lam hết bay trong 2 ngày mở bán. Nhiều tranh mới của các họa sĩ trẻ cũng được in áo nhưng áo Lam vẽ giá vẫn nhỉnh hơn. Hình như họa tiết cổ gãi đúng chỗ ngứa khách hàng cả trong và ngoài nước. Cũng đúng thôi, với khách nước ngoài khi tới Việt Nam hay bất cứ đâu thì hoa văn bản địa chả là ưu tiên mua sắm hàng đầu.

Như ví dụ chị Nguyễn Thị Thu Hòa, giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đưa ra, dù mô hình tháp Eiffel có được sản xuất tại Trung Quốc thì người ta vẫn phải để đến Paris mới mua nó chứ. Mặc dù đam mê ban đầu của Hòa là sưu tập gốm nhưng khi nhận ra tiềm năng tranh dân gian còn bỏ ngỏ, chị đã xắn tay vào. Trong vòng 6 năm, chị ước chừng tốn cả tỉ riêng cho khâu đào tạo nghệ nhân xuất thân Kim Hoàng - làng tranh ở Hoài Đức, Hà Nội chuyên vẽ trên giấy dó. Được 2 người ra nghề, dù vẫn chưa đạt trình độ như chị mong muốn. Dù sao thì họ cũng túc tắc sống được bằng tranh, không cần chị Hòa phải trả lương tháng nữa…

Kim Hoàng có tranh gà và lợn rất đẹp, thú vị là mỗi con một phong cách không liên quan. Nghệ nhân trong quá trình đào tạo chép tượng nghê trong bảo tàng thay cho… chó. Hòa nghĩ ra cách bổ sung trọn bộ 12 con giáp bằng việc đặt Xuân Lam sáng tác 9 con còn lại theo phong cách dân gian. Lam chỉ vẽ nét, màu tùy nghệ nhân. Lam có thể tính tỷ lệ hoa hồng trên mỗi tranh thành phẩm bán ra nhưng anh không. Sáng tạo cá nhân đã hòa vào dòng chảy dân gian đương đại như vậy.

Nếu ai đến đình Nam Hương ở phố Hàng Trống, Hà Nội thể nào cũng gặp bức Ngũ hổ đã được Lam làm lại thành phù điêu ảnh. Anh tặng cho nơi khởi phát dòng tranh đã thổi bùng nguồn cảm hứng trong mình đúng vào thời điểm đang hoang mang tìm hướng đi.

Hòa nhớ lần muốn xin vào Văn Miếu bán tranh mà không được vì không có “quan hệ”. Chị chỉ có thể thuê một chỗ ở khu vực hồ Văn, nhưng nếu trừ chi phí thì cầm chắc lỗ vì giá tranh dân gian rất rẻ. Chị không khỏi chạnh lòng nhớ tới các khu “hội chợ” tranh dân gian bên Ấn Độ luôn gắn với các điểm du lịch, nơi các nghệ nhân được quy hoạch vào một chỗ cho du khách thoải mái ngắm nghía mua bán. Bản thân tôi cũng từng nấn ná lại hồi lâu trong các đền tháp ở Bagan (Myanmar) để nói chuyện và xem các nghệ nhân vẽ tại chỗ. Họ làm cho di tích bớt phần hoang lạnh.

“Cần sự chung tay của nhà nước, đầu óc lãnh đạo phải thay đổi thì giá trị truyền thống mới sống được. Một mình tôi chỉ cố được thế thôi”, Hòa nói vậy trong khi vẫn tiếp tục vào cuộc. Chị đang kết hợp với các nghệ nhân sản xuất màu từ khoáng chất tăng độ bền cho tranh dân gian đến hàng trăm năm.

Giảng viên, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (người nghĩ ra hình thức phù điêu ảnh) kể cho tôi nghe về trung tâm Dongdaemun Design Plaza ở Seoul, Hàn Quốc nơi chuyên hỗ trợ khởi nghiệp cho các nhà thiết kế trẻ, cũng là “nơi hiếm hoi trên thế giới mà nhà thiết kế được đặt ngang thậm chí cao hơn nghệ sĩ”. Nếu tái sử dụng cụm từ “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” đem áp cho các nhà thiết kế vào thời điểm này không thể hợp hơn. Tất cả các công trình hay chiến dịch văn hóa đình đám đến đâu đều bắt đầu từ những mẫu thiết kế…

Phải có các mẫu hoa văn họa tiết chuẩn, chúng ta mới khôi phục được trang phục, vật dụng, nhà cửa… Các phim lịch sử cổ trang - kịch bản diễn xuất có đỉnh đến mấy mà thiết kế nhôm nhoam cũng khó tiếp cận khán giả. Chưa kể có thể đem lại một cái nhìn sai lệch về một nền văn hóa, một đất nước.

Thế Sơn nhắc tới thuật ngữ “tri tạo truyền thống” tức là phải biết, phải hiểu thì mới có thể tiếp biến được truyền thống. “Tôn trọng, hiểu biết và thúc đẩy văn hóa truyền thống trở thành nhận diện quốc gia là bài học của tất cả các nước thành công về xây dựng thương hiệu”, anh nhấn mạnh.

Tiếp bước làn sóng Hàn Quốc, Thái Lan mấy năm trước đã ra được bộ phim truyền hình Nhân duyên tiền định kể câu chuyện tình ly kỳ xuyên không thu hút người xem nhiều nước. Thành công của họ nằm ở chỗ qua phim, khán giả thêm hiểu và cảm thấy gần gũi với đời sống văn hóa lịch sử tâm linh… xứ Thái. Ngay chính dân Thái sau khi xem phim cũng đua nhau đến thăm các địa điểm quay, mặc trang phục dân tộc để chụp ảnh. Thủ tướng Thái gặp đoàn phim để khen ngợi…

Biết đâu ở Việt Nam, một cậu hay cô bé đang tô màu lên những trang của cuốn Hoa văn Đại Việt không lâu sau sẽ thành người thiết kế phục trang cho một phim cổ trang Việt được thế giới rủ nhau xem thì sao. Lâu đài nào chẳng được dựng lên từ những viên đá móng. Những hoa văn cha ông để lại cũng như những viên đá đó. Chúng không còn nằm yên mà hình như cũng đang náo nức trước công cuộc dựng xây.

MỚI - NÓNG