Cây táo nở hoa - và những bi kịch thường ngày

0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim
TP - “Cây táo nở hoa” (đạo diễn Võ Thạch Thảo) - bộ phim đã và đang được xem nhiều nhất trên truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số. Lâu lắm rồi Việt Nam mới có một bộ phim truyền hình mà người ta theo sát từng tập, tranh luận, chia sẻ nhiều như “Cây táo nở hoa”

Bi kịch ngày thường

Tập phim mới nhất của “Cây táo nở hoa” (HTV2, 20h thứ Hai, Ba, Tư hằng tuần) có cảnh gia đình Hạnh đi chơi ở công viên. Cảnh quay có lẽ là nơi thường tổ chức chợ hoa xuân tại TPHCM. Nơi thường thấy vào ngày Tết những gia đình ăn mặc đẹp, nước hoa thơm, chồng vợ con cái dắt nhau chụp ảnh, mua sắm, quay hình “sô” lên mạng xã hội.

Nhưng gia đình Hạnh thì khác. Có lẽ lần đầu tiên họ đi chơi ở nơi này, người chồng (Ngọc) bộ dạng cáu bẩn, cả một đời anh mải lo cho các em của mình. Người vợ, Hạnh (Hồng Ánh thủ vai), dường như được một ngày vui hiếm có nên thay vì khóc sướt mướt như mọi ngày, cô cười nói huyên thuyên và nhảy cẫng lên hôn chồng giữa đám đông. Hạnh phúc vừa tới, rồi lại vụt qua ngay.

Đứa con gái của họ (Phúc) nói rằng không muốn thấy người bố với bộ dạng cáu bẩn và hôi hám. Với đứa trẻ, đó là những lời nói thật và rất trẻ con. Ai cũng có thể chấp nhận. Song, đứa bé chín chắn hơn người lớn lại là con một vẫn thường chỉ nghĩ về nó. Nó không thích cảm giác hạnh phúc gia đình mà nó chưa từng được quen. Bởi bố và mẹ luôn nghĩ về những công việc của họ, hết chia tay rồi lại tái hợp và chưa thể biết ngày mai thế nào. Thứ hạnh phúc mong manh này, liệu đáng để tin, để vui. Nó muốn đi chơi cùng chúng bạn, nơi chúng tìm thấy tiếng nói chung, tìm thấy sự chia sẻ hơn là với bậc sinh thành.

Chuyến đi chơi hiếm hoi của cả gia đình nghèo khó, bỗng chốc thành bi kịch. Cả nhà cãi nhau, Phúc bỏ đi và hai vợ chồng cũng chẳng còn chuyện gì để nói, đành lếch thếch lôi nhau về.

Nhưng rồi họ sẽ ra sao khi trở về nhà?

Cô con gái nhỏ đã chán với bữa cơm toàn rau của ông ngoại. Ông ngoại dỗ nó ăn bằng cách phỉnh dụ: “Cố ăn đi, ngày mai ông sẽ mua cua cho con ăn”. Nhưng ông đã bao nhiêu lần hứa như thế, liệu đứa nhỏ có thể tiếp tục tin?

Khi về nhà, đứa trẻ chỉ biết nằm trong góc giường khóc một mình.

Sống quá tốt, liệu đã đủ?

Trong bộ phim “Cây táo nở hoa” dường như không có nhân vật phản diện. Tất cả các nhân vật đều tốt theo một cách của họ. Bi kịch xuất phát từ đó. Tất cả mọi người đều tốt, thậm chí quá tốt, nhưng hạnh phúc lại vẫn chưa đến với họ mà ngược lại mỗi ngày qua đi là thêm vô số những chuyện buồn.

Câu hỏi là tại sao những người tốt lại không hạnh phúc và không thể đem đến hạnh phúc cho nhau?

Cả đời Ngọc (Thái Hòa đóng), là trụ cột trong gia đình, bỏ bê vợ con vì mải lo lắng cho 4 người em ruột. Anh chưa bao giờ đưa con gái đi chơi công viên, chưa một lần dẫn vợ đi mua sắm. Anh muốn làm một cái phao cho đàn em, nhưng bi kịch là cái phao ấy lại bị thủng, Ngọc bị ung thư gan. Trách nhiệm và đôi khi anh thấy bệnh tình của mình như một tội lỗi không thể tha thứ với các em của anh.

Hạnh, người vợ tần tảo, hầu như tập phim nào cô cũng khóc. Hạnh khóc vì thương, vì lo cho mọi người, khóc vì thương cho bản thân mình. Buồn cũng khóc, vui cũng khóc. Nhưng, đời cô buồn nhiều hơn vui.

Đạo diễn Võ Thạch Thảo nói về nhân vật Hạnh: “Hạnh là chân dung điển hình của phụ nữ Việt Nam thế hệ trước. Nếu nhìn vào bà mình, mẹ mình, các bạn sẽ thấy nhiều điểm tương đồng với Hạnh. Là người gốc Huế, tôi càng gặp nhiều chị Hạnh của phiên bản ngoài đời. Mỗi khi về nhà, tôi luôn cảm nhận được sức chịu đựng của người phụ nữ truyền thống”.

Hạnh lo cho cả gia đình nhà chồng, lo cho bố, cho con. Thậm chí chia tay chồng rồi, nhưng nghe tin chồng bệnh, cô vội quay về xả thân cứu “chồng cũ”. Cũng như Ngọc, càng lo, càng lao vào công việc, Hạnh càng cảm thấy mình đuối sức, cạn kiệt năng lượng.

Trong tim Hạnh có một tình yêu, điều đó thể hiện trong nụ hôn cô dành cho người chồng “hôi hám” mà con gái cô luôn muốn lánh xa. Nhưng dường như, càng yêu, càng lo cho chồng và gia đình chồng, cô càng đánh mất hết tất cả những gì mình có: sắc đẹp, tiền bạc, sức lực, thậm chí cả hy vọng. Lúc nào cô cũng thấy mình là kẻ có lỗi vì “không hoàn thành nhiệm vụ”, “không xứng đáng” với bản thân và vị trí của mình. Sự cô đơn trỗi dậy trong lòng cô và có lẽ chính điều đó mà nhân vật Hạnh khiến khán giả luôn dõi theo.

Hồng Ánh, diễn viên thủ vai Hạnh đã chia sẻ trên trang cá nhân của cô về nhân vật mình đóng: “Chính sự vô tâm của người đàn ông bên cạnh vợ mới là thứ giày vò tâm can người phụ nữ của mình từng ngày và giết chết hạnh phúc của một gia đình”.

Hạnh phúc cần một tiếng nói chung

“Cây táo nở hoa” đang đi vào những tập cuối và nụ cười đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Vẫn là cuộc sống ấy, những xóm trọ nghèo, những phiên chợ toàn rau, những bệnh viện chật chội, nhưng vì sao Hạnh lại cười nhiều hơn?

Cô như trẻ lại và Hạnh đã lắng nghe nhiều hơn những điều chồng nói, con trách. Không phải cứ vì mình lo lắng, vất vả, vì người khác mà cái gì mình làm cũng là đúng. Hạnh hiểu rằng bên cạnh lòng tốt, đức hy sinh, con người cần sự thấu hiểu người xung quanh mình. Cô đã tìm về với đứa con gái nhỏ, không phải để răn đe, dạy dỗ, mà để nhìn nó khóc, để nghe nó nói những gì nó đang nghĩ trong đầu về bố, về mẹ. Trong tình yêu thương cũng không có chỗ cho sự gia trưởng và độc tài.

Ngọc đã nhận ra rằng, anh cần phải sống trong một “tổng thể các mối quan hệ xã hội”, bởi ngoài mấy đứa em ruột luôn phá phách (Ngà, Báu, Dư) mà lâu nay anh xả thân cho chúng, anh còn có một ông bố vợ già nua, một người vợ xác xơ, cô con cái nhỏ đang khóc thầm bên ông ngoại của nó. Ngọc đã ngộ ra rằng, cuộc đời quanh anh rộng lớn hơn những gì anh vẫn chăm bẵm. Ngọc đã mua cua tới để nấu cho bố vợ ăn trong sửng sốt của ông Lân (Quốc Trọng đóng).

Những nhân vật trong phim, những kẻ luôn cho mình là “người hùng” với lòng tốt của họ, nhưng họ luôn sống trong bi kịch ảo tưởng đi cứu giúp kẻ khác, đã dần dần trở về với những con người bình thường hơn, những gì giản dị thường ngày. Đó là Ngọc, giờ đây đã biết ăn mặc sạch sẽ khi đến gặp con gái và bố vợ, đó là Hạnh biết hôn chồng khi yêu.

Thành công của Việt hóa phim ngoại

“Cây táo nở hoa” được Việt hóa từ một kịch bản phim Hàn Quốc, song đạo diễn đã làm cho chất Việt đậm hơn chất Hàn.

Người phụ nữ Á Đông trong văn hóa Hàn Quốc cũng luôn sẵn sàng hy sinh vì chồng con. Song, cuộc sống lầm than cơ cực và tính cách của Hạnh trong phim là những hình ảnh rất điện ảnh chỉ có ở Việt Nam.

“Cây táo nở hoa” là bộ phim không cần những cảnh lầu son gác tía, những diễn viên ăn mặc diêm dúa. “Cây táo nở hoa” là phim gần gũi với cuộc sống thực của người Việt Nam mà rất nhiều cảnh quay chẳng khác gì phim phóng sự tài liệu. Nó gợi nhớ tới những bộ phim kinh điển của Việt Nam như “Bao giờ cho đến tháng Mười”, hay “Hà Nội trong mắt ai”. Đây cũng là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam đã góp phần giúp “Cây táo nở hoa” đến gần với đông đảo người xem.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.