Cha đẻ của Táo quân, Trong nhà ngoài phố ra đi...

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với giới sân khấu phía Nam, đạo diễn Thế Ngữ là một tên tuổi lớn. Ông đã xây dựng được nhiều chương trình truyền hình tạo nổi tiếng, tạo nên thương hiệu cho Đài Truyền hình TPHCM (HTV), nhất là kịch Trong nhà ngoài phố và Táo Quân HTV.

Thập niên 80 thế kỷ trước, vào mỗi tối thứ 5, khán giả phía Nam lại tập trung trước màn hình của HTV để chờ xem chương trình Trong nhà ngoài phố. Đây là những vở kịch ngắn, có nội dung mang tính hài hước, châm biếm đả phá những thói hư tật xấu thông qua những câu chuyện thực tế từ đời sống.

NSƯT Bảo Quốc, một diễn viên chủ chốt của Trong nhà ngoài phố ngày đó từng tâm sự: “Ở thời điểm đó, các sự kiện xảy ra trong xã hội, đặc biệt là trong các khu phố, trong từng căn nhà với những vấn đề thời sự nóng hổi đều được đưa vào chương trình. Từ các kịch bản nói về những vấn đề thời sự, chương trình lại điểm thêm những nét hài, khiến khán giả rất thích thú. Mỗi tuần một vở, có khi một vở dài phải kéo dài mấy tuần nhưng vẫn chuyển tải được những vấn đề thời sự.

Ngoài ra thông qua nội dung vở diễn, ê kíp thực hiện còn chuyển tải những vấn đề cần tuyên truyền, đả phá phê phán thói hư tật xấu nên rất nhiều người quan tâm”.

Cha đẻ của Táo quân, Trong nhà ngoài phố ra đi... ảnh 1

Đạo diễn Thế Ngữ (TL)

Người xây dựng nên các vở kịch Trong nhà ngoài phố là đạo diễn Trần văn Sáu và Thế Ngữ. Trong đó, Thế Ngữ còn có thêm vai trò viết kịch bản. Suốt 15 năm phát sóng trên HTV, Trong nhà ngoài phố thực sự là món ăn tinh thần được khán giả chờ đợi. Vì dám đưa những vấn đề thời sự lên sóng truyền hình, với góc nhìn hài hước châm biếm, nên đạo diễn Thế Ngữ từng gặp không ít khó khăn. Ông cũng từng tâm sự, đã nhiều lần bị các cơ quan công quyền khiếu nại, thậm chí có lần chương trình phải tạm dừng phát sóng để giải quyết các rắc rối...

“Cha đẻ” Táo Quân

Năm 1980, Thế Ngữ viết kịch bản mang tên Ngọc Hoàng du lịch, có nội dung Ngọc Hoàng xuống trần và gặp nhiều cảnh chướng tai gai mắt. Khi ra mắt, vở kịch rất được yêu thích và tới Tết năm 1982, HTV chính thức đưa Táo Quân thành chương trình phát trước giao thừa. Nội dung kịch là các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng vấn đề của đời sống trong cả năm dưới hình thức Sớ Táo Quân.

Kịch bản được viết theo kiểu “đo ni đóng giày”, khai thác tối đa khả năng diễn xuất của các nghệ sĩ nên quy tụ được đông đảo nghệ sĩ tham gia. Các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội tiêu biểu, nổi cộm được đưa vào kịch bản, tạo các tình huống thắt mở cho nghệ sĩ thoả sức sáng tạo. Vì thế chương trình thu hút đông đảo khán giả và không thể thiếu của HTV trước giờ giao thừa hàng năm trong hàng chục năm sau đó.

NSƯT Bảo Quốc, người có hơn 20 mùa đóng vai Ngọc Hoàng trên HTV thừa nhận, đạo diễn Thế Ngữ có biệt tài sáng tạo vai diễn cho các diễn viên trong chương trình Táo Quân. Có những mùa Táo Quân tới 50 diễn viên ông cũng giải quyết được để mỗi người đều có đất diễn trong chương trình. Nhiều nghệ sĩ coi có vai diễn trong Táo Quân là sự mở hàng may mắn cho năm mới nên ai cũng tranh thủ xin vai.

Sau này, nhờ sự thành công của Táo Quân HTV mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã lựa chọn chủ đề Táo Quân để xây dựng chương trình Gặp nhau cuối năm. Chính Thế Ngữ là người đã gợi ý cho lãnh đạo VTV thực hiện chương trình này để Táo Quân tiếp tục thăng hoa, mở rộng đến với người xem khắp cả nước.

Đạo diễn Thế Ngữ tên thật là Điền Thế Ngữ- sinh năm 1941 tại Nam Định. Ông tham gia công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 1971 trong vai trò đạo diễn sân khấu kịch và đã từng giành Giải thưởng của Hội Sân khấu Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vào Nam làm việc tại HTV. Với hơn 30 năm công tác tại thành phố mang tên Bác Hồ, Thế Ngữ đã góp công rất lớn trong việc xây dựng nhiều chương trình ăn khách trên sóng HTV. Sau khi nghỉ hưu, Thế Ngữ sinh sống tại TPHCM. Do tuổi cao, ông đã qua đời vào tối 13/8, hưởng thọ 73 tuổi. Tang lễ đạo diễn Thế Ngữ được tổ chức tại nhà riêng ở đường Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, TPHCM.

MỚI - NÓNG